largeer

Share This Post

SG247

Nhiều cụm công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai gặp khó về đầu tư hạ tầng

Trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020, H.Vĩnh Cửu được quy hoạch 7 CCN, nhưng đến nay chưa có CCN nào được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Do đó, các CCN trên đã được huyện chuyển tiếp sang quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 để hoàn thiện hạ tầng và đưa vào khai thác, góp phần phát triển công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, quá trình triển khai, mỗi CCN có những vướng mắc riêng nhưng chưa được tháo gỡ kịp thời để nhà đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật.

Báo Đồng Nai thông tin, H.Vĩnh Cửu là nơi quy hoạch triển khai nhiều CCN nhất tỉnh với 7 CCN nằm rải đều ở các xã. Diện tích của mỗi CCN từ 46-50ha. Mục tiêu của tỉnh là xây dựng các CCN để ưu tiên di dời các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa có vốn đầu tư trong nước từ các khu dân cư không phù hợp quy hoạch vào để ổn định sản xuất, kinh doanh.

Đơn cử như CCN Vĩnh Tân được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng từ tháng 1-2009 và năm 2017, giao cho Công ty TNHH Xây dựng và dịch vụ An Thiên Lý làm chủ đầu tư với quy mô hơn 50ha. Do CCN có 21ha đất lúa nên phải đợi Chính phủ chấp thuận cho chuyển mục đích sử dụng sang đất công nghiệp. Đồng thời, dự án có hơn 1ha đất công đang đợi Sở TN-MT tham mưu cho tỉnh hướng xử lý. Dự án hiện vẫn chưa được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư.

images2473196_8a

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG đề nghị các sở, ngành hỗ trợ H.Vĩnh Cửu và chủ đầu tư các CCN giải quyết nhanh những vướng mắc, sớm thu hồi đất giao cho DN xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Riêng với một số CCN mức đầu tư quá cao, không hiệu quả thì địa phương xem xét đề xuất xóa bỏ.

Phó giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và dịch vụ An Thiên Lý (chủ đầu tư CCN Vĩnh Tân) Nguyễn Cảnh Kiên cho hay: “Công ty chỉ mong tỉnh sớm xử lý diện tích đất công trong CCN và cấp chủ trương đầu tư để DN tiến hành các bước tiếp theo của dự án. Nếu hạ tầng kỹ thuật sớm hoàn thiện thì sẽ có nhiều DN thứ cấp đến đầu tư góp phần phát triển kinh tế cho địa phương và giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ”.

CCN Thạnh Phú - Thiện Tân được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 từ đầu năm 2013 và giao Ban Quản lý dự án huyện làm chủ đầu tư. CCN này có đặc điểm là DN hoạt động hiện hữu cơ bản đã lấp đầy nên công tác lập quy hoạch chi tiết được thực hiện theo hướng chỉnh trang trên cơ sở nhà xưởng hiện hữu của DN. Thế nhưng, việc đầu tư hạ tầng gặp trở ngại là tổng mức đầu tư phê duyệt năm 2019 gần 180 tỷ đồng, nhưng hiện giá vật liệu, nhân công tăng cao, mức đầu tư đội lên hơn 390 tỷ đồng và H.Vĩnh Cửu không cân đối đủ nguồn vốn để triển khai.

Giám đốc Công ty CP Gạch men Sahado (chủ đầu tư CCN vật liệu xây dựng Tân An) Nguyễn Quang Tài cho biết: “CCN được thành lập cuối năm 2011 với diện tích hơn 50ha. Đến nay, CCN đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật gần hết, chỉ còn vướng hơn 2ha chưa hoàn thành công tác bồi thường do có một hộ dân có đất trong dự án đang định cư ở nước ngoài chưa liên hệ được để hoàn thành thủ tục theo quy định. Công ty mong huyện, tỉnh giải quyết vướng mắc trên để có đất hoàn thành đầu tư hạ tầng”.

Nhìn chung các CCN còn lại đều vướng về bồi thường, phương án đấu giá đất, xác định nguồn gốc đất, đất công.

Tuy các CCN trên địa bàn H.Vĩnh Cửu chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, nhưng trong nhiều cụm đã có DN đang hoạt động. Do đó, rất cần nhanh chóng xây dựng hạ tầng để các DN sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, đồng thời thu hút thêm được các DN mới đang dự tính đầu tư vào.

Ví dụ, CCN Thạnh Phú - Thiện Tân hiện có 42 DN đang hoạt động và tỷ lệ lấp đầy hơn 95%, nhưng đường trong cụm vẫn chưa được xây dựng; CCN Vật liệu xây dựng Tân An có 14 DN đang hoạt động với hơn 2 ngàn lao động và cơ bản đã lấp đầy; CCN Tân An có 3 DN đang hoạt động và tỷ lệ lấp đầy đạt 50%...

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh (Sở TN-MT) Nguyễn Hồng Quế nhận định: “Muốn xây dựng một CCN bài bản thì phải làm hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh. Tại H.Vĩnh Cửu, một số CCN có đặc thù là DN hoạt động trước khi thành lập nên hạ tầng tự phát chưa được xây dựng. Mỗi CCN sẽ có những vướng mắc riêng, huyện phối hợp với chủ đầu tư dự án, các sở, ngành tháo gỡ những vướng mắc để tiếp tục triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Riêng vướng mắc liên quan đến đất đai, Chi cục sẽ tham mưu cho Sở TN-MT, tỉnh có hướng giải quyết kịp thời”.

Hiện nay, vốn đầu tư các công trình đều đã tăng thêm từ 2-2,5 lần so với thời điểm phê duyệt cách đây 3-4 năm. Các chủ đầu tư dự án CCN tại H.Vĩnh Cửu cũng như các địa phương khác buộc phải tính toán lại tổng mức đầu tư và cân nhắc khi hoàn thành đưa vào khai thác liệu có đem lại hiệu quả hay không.

Theo Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Quang Phương, CCN Trị An được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng từ cuối năm 2008 và hiện vẫn chưa có chủ đầu tư. CCN Trị An có diện tích gần 50ha, đa số do các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng. Dự ước chi phí thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư CCN trên là gần 516 tỷ đồng, sau khi hoàn thành bồi thường đưa đất ra đấu giá không thể thu về được số tiền trên để hoàn trả chi phí bồi thường.

Vì thế. H.Vĩnh Cửu đã đề xuất UBND tỉnh cho ý kiến để có cơ sở thực hiện dự án.

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công