largeer

Minh Vy

Minh Vy

2022-09-16 09:55:00

Sử dụng đất cụm, khu công nghiệp: Nơi tìm không ra, chỗ gây lãng phí

Việc quy hoạch, phát triển nhiều Khu, cụm công nghiệp tại các địa phương là chủ trương đúng đắn của Nhà nước với kỳ vọng “đón đầu” dòng vốn đầu tư nước ngoài . Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy ở nhiều địa phương có tình trạng nhà đầu tư “xí phần” rồi bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất Quốc gia. Thậm chí có nhà đầu tư sau khi “xí phần” lại xúc lớp đất mặt đi bán, sau đó lại rao sang nhượng lại dự án với mức lợi nhuận hàng trăm tỉ đồng.

Nơi tìm không ra

Những năm qua, nhiều địa phương tích cực mở rộng diện tích đất ưu tiên phát triển công nghiệp để làm trụ đỡ cho kinh tế. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện có 395 khu công nghiệp tại 61 tỉnh, thành phố, tổng diện tích gần 123.000ha; 26 khu kinh tế cửa khẩu tại 21 tỉnh, thành phố, tổng diện tích 766.000ha; 18 khu kinh tế ven biển tại 17 tỉnh,TP với tổng diện tích mặt đất và mặt nước 871.500ha

Tại Bình Dương, ông Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh này cho biết, tỉnh đang khẩn trương nghiên cứu và thành lập Khu công nghiệp khoa học công nghệ do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp-CTCP (Becamex IDC Corp) làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện và triển khai hoạt động Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore III và Khu công nghiệp Cây Trường sẽ cung cấp thêm 1.700ha đất, các khu công nghiệp khác cũng đang trình hồ sơ mở rộng diện tích. Mục tiêu của năm 2022, tỉnh Bình Dương sẽ cho thuê và cho thuê lại đất từ 100-150ha; thu hút 1,2-1,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; thu hút từ 1.100-1.200 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước.

Tỉnh Long An được dự báo sẽ đón nhận nhiều hơn nữa vốn FDI trong thời gian tới, ông Nguyễn Thành Thanh, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh này cho biết toàn tỉnh có 16 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tổng diện tích gần 3.800ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 89,6%, hiện còn 306ha đất sạch chưa cho thuê. Có 07 khu công nghiệp khác đang xây dựng, với diện tích 290ha. Long An phấn đấu trở thành địa phương đứng đầu các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Nơi lại lãng phí

Trái ngược với tình trạng nhiều địa phương đang phải nỗ lực tìm cách mở rộng diện tích đất công nghiệp phục vụ sản xuất kinh doanh thì thực tế lại có không ít các khu, cụm công nghiệp được giao đất ở vị trí thuận lợi, gần trục đường lớn, thậm chí được đầu tư bài bản đang bị bỏ hoang hoặc không có người đến thuê. Có dự án được Nhà nước giao đất nhưng  lại chây ì hàng chục năm không thực hiện triển khai dự án, gây bức xúc cho người dân bị thu hồi đất, lãng phí nguồn lực đất đai.

Cụ thể, tại tỉnh Gia Lai, trong những năm qua, UBND tỉnh đã phê duyệt thành lập 11 cụm công nghiệp (CCN) - tiểu thủ công nghiệp. Tuy nhiên, CCN hoạt động hiệu quả chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn đa phần èo uột, không có doanh nghiệp (DN) đến đầu tư.

CCN - tiểu thủ công nghiệp huyện Chư Pah được UBND tỉnh Gia Lai thành lập từ năm 2015 trên diện tích gần 54 ha tại thôn Tân Lập, xã Ia Khươl với mục đích thu hút ngành nghề đầu tư là công nghiệp chế biến nông sản, lâm sản, vật liệu xây dựng - trang trí, cơ khí chế tạo máy... Hiện CCN - tiểu thủ công nghiệp này chỉ có vài nhà đầu tư thứ cấp.

Trả lời báo chí, ông Nay Kiên, Chủ tịch UBND huyện Chư Păh, khẳng định chính quyền địa phương sẵn sàng tạo mọi điều kiện để DN tới đầu tư. “Năm 2019, 6 DN tới đăng ký đầu tư dự án tại CCN - tiểu thủ công nghiệp. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc trong thủ tục đầu tư và giá nông sản xuống thấp nên đến nay, các DN này xin được giãn dự án. Huyện cũng muốn đầu tư hạ tầng, cơ sở cho bài bản nhưng việc đầu tư phải đi đôi với việc thu hút các DN, trong khi nguồn ngân sách có hạn" - ông Kiên nói.

Huyện Chư Prông có 2 CCN - tiểu thủ công nghiệp ở xã Thăng Hưng và thị trấn Chư Prông. Tại CCN - tiểu thủ công nghiệp ở đầu thị trấn Chư Prông, rất ít người biết về sự tồn tại của CCN - tiểu thủ công nghiệp này. Trừ một số tuyến đường đã làm nhiều năm, không thấy bất cứ cơ sở sản xuất, kinh doanh nào.

Còn CCN - tiểu thủ công nghiệp tại xã Thăng Hưng được UBND tỉnh Gia Lai quy hoạch chi tiết xây dựng từ năm 2009 với diện tích 15 ha. Qua nhiều năm triển khai, chưa có đến 10 DN đầu tư. Chỉ một số ít DN chế biến lâm sản đang hoạt động cầm chừng vì nguồn nguyên liệu hạn chế. Thậm chí, một DN đóng cửa, không hoạt động và đang rao bán. "Thật lãng phí! Đất đó để dân sản xuất còn hiệu quả hơn" - một người dân sống gần CCN - tiểu thủ công nghiệp này bức xúc.

Từ khi được UBND tỉnh Đồng Nai giao đất, Công ty Trường Lâm lại “tích cực ra sức” khai thác lớp đất mặt đi bán, để lại nhiều hố sâu lỏm nhổm bên trong khuôn viên dự án

Từ khi được UBND tỉnh Đồng Nai giao đất, Công ty Trường Lâm lại “tích cực ra sức” khai thác lớp đất mặt đi bán, để lại nhiều hố sâu lỏm nhổm bên trong khuôn viên dự án

Đến nay, sau 15 năm, Công ty Trường Lâm không triển khai bất kỳ hạn mục công trình nào bên trong dự án.

Đến nay, sau 15 năm, Công ty Trường Lâm không triển khai bất kỳ hạn mục công trình nào bên trong dự án.

Ngày 05/9/2007, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 Cụm công nghiệp Tam An, tại xã Tam An và xã Tam Phước huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, diện tích quy hoạch 59,9029 ha.

Ngày 29/10/2014, Quyết định duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cụm công nghiệp Tam An cũng đã được UBND tỉnh Đồng Nai cấp cho chủ đầu tư là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trường Lâm (công ty Trường Lâm).

Ngày 16/10/2012, UBND tỉnh Đồng Nai cũng ra quyết định về việc giao đất đợt 1 cho công ty Trường Lâm, diện tích 328.351,4 m2 tại xã Tam An, huyện Long Thành để đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Tam An. Đến ngày 03/09/2013, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục ra quyết định giao đất đợt 2 với diện tích 119.607,6 m2 cho Công ty Trường Lâm…

Thế nhưng, từ khi được UBND tỉnh Đồng Nai giao đất, chủ đầu tư lại “tích cực ra sức” khai thác lớp đất mặt trong khuôn viên dự án. Đến nay, sau 15 năm, chủ đầu tư không triển khai bất kỳ hạn mục công trình nào bên trong dự án, biến nơi này trở vùng đất hoang hóa, lãng phí tài nguyên quốc gia, gây bức xúc trong nhân dân.

Theo Hữu Tôn / Báo Tri thức và Cuộc sống