Cẩn trọng khi xuất khẩu hàng nông thủy sản sang Trung Quốc
Bộ Công Thương đưa ra khuyến nghị các doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc cần thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn,… và các yêu cầu khác có liên quan.
Từ đầu năm cho tới nay, dù xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc sụt giảm đáng kể song đây vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần tới 60% trong tổng số trị giá xuất khẩu 1,79 tỷ USD.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, sự việc Trung Quốc phát hiện ra ổ dịch Covid-19 mới có thể khiến các cơ quan chức năng quốc gia này tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, kiểm nghiệm kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc…
Các mặt hàng chịu ảnh hưởng nhiều của Việt Nam là nông sản, các loại thịt, thủy sản (đông lạnh, tươi sống và chế phẩm liên quan) tại các cảng/cửa khẩu nhập khẩu nhằm phòng chống dịch Covid-19.
Điều này cũng có thể gây ảnh hưởng đến tiến độ thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới giữa hai nước Việt - Trung.

Do đó, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp, hộ sản xuất hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc tăng cường công tác giám sát chất lượng, chủ động phối hợp chặt chẽ với đối tác nhập khẩu tuân thủ nghiêm các quy định của Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn thực thẩm, truy xuất nguồn gốc…
Điều này góp phần giảm thiểu rủi ro và thời gian thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới.
Trước đó, Trung Quốc bắt đầu phát đi thông tin về việc siết chặt quy định, yêu cầu với trái cây Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc. Cụ thể, Trung Quốc yêu cầu sản phẩm để truy xuất nguồn gốc phải được cấp mã số vùng trồng và cấp mã số cơ sở đóng gói. Đây là 2 yêu cầu xuất khẩu chính ngạch trái cây sang Trung Quốc. Hiện nay, toàn quốc có 1.300 mã số vùng trồng và trên 1.435 mã số cơ sở đóng gói được cấp.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn có những doanh nghiệp Việt thờ ơ với điều này, vi phạm quy định. Theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua việc quản lý mã số vùng trồng xuất khẩu sang nhiều thị trường "khó tính" và cả sang thị trường Trung Quốc chưa thực sự chặt chẽ.
Điển hình có thể kể đến như: Mã số vùng trồng “VN- DTOR- 0017” và “VN- DTOR- 0018” không có sản lượng xoài được thu hoạch, tuy nhiên có DN vẫn dán mã số vùng trồng nêu trên để XK và bị Hải quan Trung Quốc phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật. Lô hàng xuất sang Trung Quốc bị giữ lại do không đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh và phòng dịch.
Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Đảm bảo đáp ứng đầy đủ các quy định, yêu cầu từ phía Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch kết hợp nâng cao chất lượng chính là hướng đi ổn định, bền vững cho trái cây nói riêng, nông sản Việt nói chung sang thị trường này.
Bộ Công thương khuyến cáo, các doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc cần thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn,… cũng như các yêu cầu khác có liên quan. Điều này nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với phía Trung Quốc và tạo thuận lợi cho việc thông quan tại biên giới, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành.