largeer

Share This Post

Diễn đàn Nông sản

Đất Thanh Mỹ, Long An thoát nghèo nhờ cây ăn trái

Nhờ hệ thống đê bao được xây dựng hoàn chỉnh, cùng với chủ trương chuyển đổi cây trồng, nhiều nông dân xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười đã thoát nghèo nhờ chuyển đổi trồng cây ăn trái: chanh, xoài, ổi, mít,...

Trồng ổi gấp 5 - 6 lần trồng lúa

Chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây ăn trái của nông dân tuy không xa lạ nhưng mỗi câu chuyện ở mỗi nơi đều có những điều mới mẻ khác nhau, bởi chính người trong cuộc mới biết được phải làm gì để thích hợp với hoàn cảnh, thời cuộc...

Việc chuyển đổi sang trồng ổi Nữ hoàng của ông Nguyễn Ngọc Xuân (65 tuổi) được xem là cách làm hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình mình.

Ông Xuân tâm sự: “Bây giờ nếu còn làm 3 công lúa chắc gia đình tôi chỉ đủ gạo ăn thôi còn việc học hành của con cái, nhà cửa chắc không dám nghĩ tới... Cũng may, 3 năm trước, tôi bắt nhịp cùng với anh em trong xóm lên vườn trồng ổi mới có thu nhập khá, có điều kiện lo cho con học hành, sửa sang nhà cửa khang trang như bây giờ”.

Vườn ổi của gia đình ông Nguyễn Ngọc Xuân

Vườn ổi của gia đình ông Nguyễn Ngọc Xuân

Theo ông Xuân, với vùng đất chỉ chuyên canh cây lúa thì chuyển qua trồng cây ăn trái cũng không phải dễ, nhưng khó cũng học chứ không phải bỏ.

Chẳng hạn, đối với cây ổi Nữ hoàng, ban đầu ông cũng đâu biết gì về cách trồng, nhưng nhờ học hỏi anh em, bạn bè, rồi từ từ cũng quen và trồng có hiệu quả.

Với 3 công ổi, khoảng 5-7 ngày ông hái trái một lần, mỗi lần từ 500-600kg, giá bán từ 5.000 – 12.000 đồng/kg. Một năm tính ra cũng được hơn 200 triệu đồng, so với làm lúa có thể lời gấp 5-6 lần.

Mạnh dạn bỏ lúa trồng chanh

Được một cán bộ xã hướng dẫn, tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Nam (56 tuổi) ở xã Thanh Mỹ. Ông Nam là một trong những hộ chuyển từ đất lúa sang trồng chanh khá hiệu quả và giàu lên từ chanh.

Đang thu hoạch chanh bán cho thương lái, ông Nam nói: “Do dịch bệnh nên giá chanh giảm đáng kể. Thông thường mọi năm lúc này giá hơn 10.000 đồng/kg, nhưng nay chỉ còn 5.000 đồng/kg.

Trồng cây gì cũng vậy, thị trường thời điểm nào thì chấp nhận thời điểm đó, nhưng cây ăn trái được cái lỗ vụ này còn bù lại vụ khác, còn làm lúa thì lãi thấp”.

Những quả chanh bóng, đẹp được ông Nam thu hoạch giao cho thương lái

Những quả chanh bóng, đẹp được ông Nam thu hoạch giao cho thương lái

Ông Nam có đất vườn và đất lúa là 19.000m2. Trước đây cũng như những hộ xung quanh, ông chỉ trồng lúa là chính, tuy nhiên giá lúa quá bấp bênh, làm khó tích lũy. “Tôi suy nghĩ đất mình rộng sao phải để cả nhà chịu cảnh này mãi. Vậy là tôi mạnh dạn tìm cây khác thay cây lúa.

Tôi quyết định trồng thử cây chanh bông tím với 50 nhánh xen với vườn xoài cát chu. Thấy hiệu quả nên tôi lên liếp trồng luôn 5.000m2 chanh tới giờ. Nhờ liều nên mới có dư dã, cất nhà cửa nổi”, ông Nam tâm sự.

Cầm trên tay những trái chanh căn tròn, bóng đẹp, ông Nam nói với vẻ tự hào: “Để được những trái chanh như thế này phải cực công nhiều lắm nhưng bù lại chanh cho “quả ngọt” nên cũng không nề hà.

Tính trung bình 5.000m2 chanh, mỗi tháng tôi thu hoạch khoảng 1 tấn trái, giá lúc tháng nắng có khi lên đến 23.000 đồng/kg, còn tháng mưa hay thị trường biến động thì khoảng 5.000 đồng/kg, nhưng bù qua đắp lại thì một năm cũng trên 200 triệu đồng. Còn làm lúa có mơ cũng không tới số này”.

Nhận thấy đây là mô hình phát triển kinh tế ổn định cho người nông dân nên hướng tới địa phương sẽ mạnh dạn vận động Nhân dân chuyển đổi từ diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái chuyên canh trên cơ sở xây dựng kế hoạch chuyển đổi hàng năm, phù hợp với điều kiện sản xuất của xã.

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công