largeer

Share This Post

SG247

Đồng Nai: Kẽ hở nào giúp ‘đầu nậu’ ngang nhiên phân lô, bán nền trái phép? (bài 5)

UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn, nhằm ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền tràn lan, phá vỡ quy hoạch. Nhưng sau hơn 1 năm có hiệu lực, dù có lắng xuống nhưng tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp vẫn diễn ra ở một số địa phương đông dân cư như: Biên Hòa, Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch… Nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tách thửa, chuyển mục đích và phân lô, bán nền.

Bài 5: Dự án lụi trên đất nông nghiệp, kiểm tra vẫn không ngán?

Qua hàng loạt bài phản ánh của báo TH&CL về tình trạng phân lô bán nền lập dự án ảo trên địa bàn, UBND huyện Trảng Bom đã tổ chức nhiều đợt thanh tra, rà soát những vấn đề liên quan mà báo nêu. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra lại khiến nhiều người bất ngờ.

Chính quyền An Viễn bảo không phân lô nhưng đất nông nghiệp vẫn bị xẻ thịt

Trong báo cáo phản hồi văn bản số 104/CV -THCLPN và số 105/CV -THCLPN ngày 11/6 của báo TH&CL. Qua kết quả kiểm tra rà soát liên quan tại báo cáo của UBND các xã Hối Nai 3, Giang Điền, Quảng Tiến, An Viễn, Đồi 61, Hưng Thịnh, Tây Hòa, Đông Hòa, Sông Trầu, Cây Gáo, Bình Minh. Theo phòng TNMT huyện Trảng Bom thì tại xã An Viễn với các vị trí như báo TH&CL nêu, có thể thấy rất ít vi phạm. Thậm chí là không có, trong khi trên thực tế hàng ngàn m2 đất nông nghiệp đang được các đầu nậu thu gom, công khai giao dịch, bất chấp quy định cũng như toàn bộ rủi ro đẩy về phía khách hàng.

Vào thời điểm đầu tháng 7 vừa qua, theo ghi nhận của phóng viên, tại xã An Viễn có khoảng 30 dự án đang được san lấp để phân lô nền trong đó ngay tại Ấp 2 đã có 5 dự án với diện tích hàng ngàn m2 hoặc vài chục ngàn m2 đất trồng cây lâu năm, hoặc đất trồng cây hằng năm. Tương tự việc gom đất phân lô bán nền cũng xảy ra tại Ấp 3, Ấp 4, ấp 5 và 6. Theo thống kê Ấp 4 cũng có 4 dự án trên đất trồng cây hằng năm, đất rừng sản xuất. Cá biệt như Ấp 6 có đến 8 dự án phân lô nền và trên những thửa đất này đều trong tình trạng đã làm đường, có dự án đã làm đường bê tông, có dự án đã phân lô nền và có dự án đã làm đường giải đá mi.

Việc mua bán đất ở đây khá dễ dàng, hàng chục hecta đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, thậm chí cả đất quy hoạch dự trữ xây dựng đang tiến hành san lấp, phân lô. Điểm chung của các đầu nậu ở đây là mua đất của người dân địa phương, bất kể diện tích lớn hay nhỏ, sau đó tiến hành san lấp, kéo điện sơ sài và cắm cọc, phân lô với giá 270 triệu đến 350 triệu/nền…

Hàng ngàn m2 đất nông nghiệp đang được phân lô nhưng chính quyền xã khẳng định tại thời điểm kiểm tra không có vi phạm

Hoạt động phân lô bán nền trên đất nông nghiệp trên địa bàn được thực hiện tinh vi, bài bản, chủ đất sau khi san lấp mặt bằng lô đất, còn kèm theo bản vẽ phác họa thửa đất đã được phân lô nhằm tạo niềm tin và thu hút người mua hơn.

Tuy nhiên, tại báo cáo kiểm tra của UBND xã An Viễn thì tại thời điểm kiểm tra, hoàn toàn không có hiện tượng phân lô, nền và xây dựng nhà ở trái phép. Tại thửa đất số 389, tờ bản đồ số 3 có 4 đoạn đường đã phá bỏ mặt nhựa hình thành trên đất nông nghiệp, và 8 trụ điện. Sắp tới UBND xã sẽ tháo toàn bộ con đường và tại thời điểm kiểm tra cũng không phát hiện phân lô nền, xây dựng nhà trái phép…

Xã báo cáo không, cơ quan chức năng xác định có và thực tế hàng ngàn m2 đất nông nghiệp đang bị xẻ thịt. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi đâu mới là sự thật, liệu có sự bao che dung túng của chính quyền xã An Viễn hay không?

Qua báo cáo cũng thể hiện, nhiều đoạn đường và trụ điện nhưng những đoạn đường và trụ này là phục vụ nhà dân và tại thời điểm kiểm tra, không có hiện tượng phân lô nền và xây dựng nhà trái phép. Cũng có một số thửa tại tờ bản đồ số 5, 3, trên đất trống có hiện hữu một số đoạn đường nhựa thì đã có quyết định thu hồi hoặc đã có văn bản chấp thuận của UBND huyện.

Riêng tại thửa đất số 1624, 1625 tờ bản đồ số 4 có con đường bê tông chiều rộng 5m dài khoảng 80m (hình thành trên đất nông nghiệp) và một căn nhà cấp 4. Trong thời gian tới, UBND xã sẽ tháo dỡ con đường bê tông hình thành trên đất nông nghiệp. Cũng tại tờ số 4 các thửa số từ 1515 đến1520 và từ 1460 đến 1466, thửa 898 có 1 con đường bê tông hiện hữu, 1 đường đá và 3 căn nhà xây dựng trên đất ONT. Con đường đá có chiều ngang 4m, chiều dài 200m, UBND xã đang xác minh nguồn gốc đất khôi phục lại tuyến đường hiện hữu nhưng không thể hiện trên bản đồ. Tại thời điểm kiểm tra không có hiện tượng phân lồ nên và xây dựng nhà ở trái phép…

Tại báo cáo số 414 ngày 24/7/2019 thể hiện: Trong 73 trường sai phạm mà báo TH&CL đã nêu trên địa bàn huyện Trảng Bom thì có 15 trường hợp đã xử lý (trong đó 7 trường hợp đã khắc phục) 22 trường hợp đã lập thủ tục tách thửa, 10 trường hợp đất trống và trồng cây nông nghiệp không có dấu hiệu phân lô. Trong 26 trường hợp chưa xử lý thì An Viễn chiếm 11 trường hợp, trong khí đó theo báo cáo của UBND xã An Viễn tại xã không có trường hợp phân lô nền. Nhưng qua kiểm tra thực tế nhận thấy có nhiều trường hợp tự ý mở đường trên đất nông nghiệp, cắm trụ điện, có dấu hiệu phân lô bán nền khi chưa lập thủ tục theo quy định. Xã báo cáo không, cơ quan chức năng xác định có và thực tế hàng ngàn m2 đất nông nghiệp đang bị xẻ thịt điều này khiến dư luận đặt câu hỏi đâu mới là sự thật, liệu có sự bao che dung túng của chính quyền xã An Viễn hay không?

Sông Trầu bao giờ hết nóng?

Nhiều diện tích đất nông nghiệp và chưa hề làm thủ tục xin phép thành lập dự án khu dân cư

Tuy nhiên ở chiều ngược lại trên địa bàn xã Sông Trầu kết quả kiểm tra khá sát với thực tế phóng viên chúng tôi ghi nhận và cung cấp thông tin tại các vị trí tại ấp 4, ấp 5, ấp 6… với các tờ bản đồ số 39, 25, 37, 26, 12, 15…

Tại tờ bản đồ số 26, theo ghi nhận thực tế Công ty TNHH Tư vấn địa ốc Đại Thành đã thu gom hơn 20 thửa đất tại tờ số 26 có diện tích 26.729,9m2. Tuy hầu hết là đất nông nghiệp và chưa hề làm thủ tục xin phép thành lập dự án khu dân cư, không xin chủ trương, giới thiệu địa điểm, quy hoạch chi tiết 1/500… nhưng Công ty TNHH Tư vấn địa ốc Đại Thành đã tự vẽ tên dự án Sông Trầu - Vườn Bưởi, sau đó nhanh miệng rao bán.

Đầu nậu lợi dụng việc xin cải tạo đất đã vẽ ra các dự án ma, phân lô bán nền trái phép

Dự án Đồng Nai Garden do Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Winland có địa chỉ tại 33 Trần Não, khu phố 3, Phường Bình An, Quận 2, Tp.HCM làm chủ đầu tư. Theo quảng cáo chỉ cần 1.2- 1.5 triệu/m2 là đã có sổ hồng liền tay, khu dân cư đông, đầu tư sinh lời cao, cam kết giá tốt nhất, và chiết khấu đến 6%. Khu đất này được các đầu nậu thu gom từ các thửa đất số 208, và 209 tại tờ bản đồ số 26. Đây thực chất là đất trồng cây lâu năm được cấp cho các hộ dân, lợi dụng việc xin cải tạo đất đã vẽ ra các dự án ma, phân lô bán nền trái phép…

Công văn trả lời của Huyện ủy Trảng Bom

Ngoài các dự án ảo bị điểm tên thì hàng ngàn m2 đất nông nghiệp bị xâm phạm qua rà soát 10 vị trí như báo TH&CL nếu tại báo cáo số 171/BC- UBND ngày 8/7/2019, UBND xã Sông Trầu đã lập nhiều biên bản, xử phạt hành chính, và yêu cầu khôi phục nguyên trạng như trước khi vi phạm.

Nhiều chiêu thức để móc túi khách hàng

Tuy nhiên dư luận cũng đặt câu hỏi, nếu trong số ít những vi phạm mà TH&CL đã điểm tiên kia và đã được chính quyền địa phương xử phạt vi phạm hành chính thì liệu mức xử phạt này đã đủ sức răn đe khi mà nguồn lợi thu được từ phân lô bán nền là siêu lợi nhuận? Và cơ quan nào sẽ giám sát để ngăn chặn các đầu nậu cấu kết với các chủ đất để vi phạm. Khi mà ngay tại xã Tây Hòa huyện Trảng Bom, nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã Tây Hòa cũng thản nhiên xây dựng hàng loạt nhà trọ trên đất nông nghiệp?.

Xử phạt vi phạm hành chính thì liệu mức xử phạt này đã đủ sức răn đe khi mà nguồn lợi thu được từ phân lô bán nền là siêu lợi nhuận.?

Theo Chỉ thị số 21 – CT/HU ngày 21/5/2018 (chỉ thị của ban thường vụ huyện ủy về tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý quy hoạch, đất đai, khoáng sản, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Trảng Bom) thay cho chỉ số 11 –CT/HU ngày 4/11/2013, của ban thượng vụ huyện ủy. Trong đó: Xác định rõ công tác quản lý quy hoạch và quản lý sử dụng đất đai, khoáng sản, trật tự xây dựng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là trên từng địa bàn dân cư. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch, đất đai, khoáng sản và trật tự xây dựng.

Thực hiện kịp thời công tác khen thưởng, kỷ luật. Địa phương, cơ quan nào chậm phát hiện, chậm khắc phục các sai phạm về quy hoạch, đất đai, khoáng sản, trật tự xây dựng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và tùy tính chất, mức độ để xử lý kỷ luật.

TH&CL sẽ tiếp tục thông tin!

Theo TH&CL

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công