largeer

Share This Post

SG247

Đồng Nai: Rà soát, xử lý việc phân lô bán đất nền trái phép

UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND, quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn. Thế nhưng thực tế đến nay, tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều huyện, khiến cho chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý.

Nhiều bất cập

Tại TP HCM cũng như nhiều địa phương lân cận như Long An, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai,… tình trạng phân lô bán nền trái phép trên đất nông nghiệp, đất quy hoạch đã diễn ra trong nhiều năm qua. Nhằm siết chặt tình trạng này, các địa phương cũng đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng, ban ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý theo quy định pháp luật, từ đó có báo cáo và đề xuất giải pháp phù hợp.

Riêng tại Đồng Nai, cuối năm 2018, báo cáo của Sở Tài Nguyên - Môi Trường (Sở TN-MT) tỉnh này cho biết, qua kiểm tra cho thấy số lượng thửa đất đã cho phép tách thửa trên địa bàn tỉnh tương đối lớn, chủ yếu tập trung ở địa bàn TP Biên Hòa, thị xã Long Khánh, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Thống Nhất…

Một khu đất nông nghiệp tại xã An Viễn, huyện Trảng Bom được làm đường và có dấu hiệu phân lô bán nền trái phép đã bị xử lý.

Thống kê cho thấy, từ tháng 1/2016 đến tháng 3/2018 tại Văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Đồng Nai đã ký duyệt đơn cho phép người sử dụng đất tách 14.012 thửa đất thành 43.749 thửa. Loại đất cho phép tách thửa chủ yếu là đất ở và đất nông nghiệp.

Báo cáo cũng chỉ rõ, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang xảy ra tình trạng một số trường hợp người sử dụng đất liên kết với nhau làm hạ tầng đường giao thông, kéo điện để phân lô bán nền, hình thành các khu dân cư tự phát, với hệ thống hạ tầng không đảm bảo theo quy định.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND, quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn. Thế nhưng thực tế đến nay, tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều huyện, khiến cho chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý.

Một số trường hợp mặc dù được duyệt tách thửa theo diện tích tối thiểu đối với đất nông nghiệp (500m2), nhưng trên thực tế nhiều trường hợp chủ sử dụng đất đã đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, điện, thoát nước, cây xanh rồi chuyển nhượng cho nhiều người và được cấp giấy chứng nhận theo hình thức đồng sử dụng.

Cũng theo Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, khi lập quy hoạch sử dụng đất, UBND cấp huyện chưa đánh giá hoặc đánh giá không đầy đủ nhu cầu về nhà ở. Điều đó dẫn tới việc quy hoạch đất ở, gần như chiếm diện tích lớn toàn xã, vô tình tạo điều kiện cho người sử dụng đất phân lô bán nền.

Ngoài ra, việc UBND cấp huyện giải quyết cho người sử dụng đất chuyển mục đích một phần diện tích đất, từ đất nông nghiệp sang đất ở để chuyển nhượng, nhưng trong quá trình xem xét giải quyết, UBND cấp huyện không xử lý tách phần diện tích cho phép chuyển mục đích sang đất ở thành thửa riêng là không phù hợp quy định.

Biển cắm của chính quyền địa phương cảnh báo người dân.

Trước những vấn đề nêu trên, Sở TN-MT kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các UBND huyện, thị xã và TP Biên Hòa thực hiện kiểm tra, rà soát nhằm xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tham mưu xử lý, cho phép người sử dụng đất chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phù hợp quy hoạch; Giao UBND các huyện, thị xã, TP chỉ đạo cho các đơn vị liên quan chấn chỉnh việc tham mưu, giải quyết cho người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng một phần đất, từ đất nông nghiệp sang đất ở.

Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng quy định của pháp luật đất đai. Đặc biệt là việc xử lý cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trong trường hợp người sử dụng đất xin chuyển mục đích để tách thửa, chuyển nhượng cho người khác. Tránh để xảy ra tình trạng tách thửa, phân lô bán nền với số lượng lớn, phá vỡ quy hoạch…

Huyện Trảng Bom kiên quyết xử lý

Thực hiện Quyết định 03 của UBND tỉnh Đồng Nai quy định về diện tích tách thửa, đồng thời cũng để quản lý chặt chẽ hơn về việc sử dụng đất đúng mục đích, UBND huyện Trảng Bom đã có công văn số 3973/UBND-VP gửi Phòng Tài nguyên - Môi trường, Phòng Quản lý Đô thị và Chủ tịch UBND các xã yêu cầu rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng, mua bán đất trái phép trên địa bàn; Tổ chức tuyên truyền cho nhân dân biết khu vực cấm phân lô bán nền, cắm biển thông báo ở các thửa đất có dấu hiệu phân lô; Đồng thời yêu cầu các chủ sử dụng đất phải cam kết sử dụng đúng theo mục đích trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nếu phát hiện vi phạm, kịp thời lập biên bản xử lý và báo cáo về UBND huyện xử lý theo quy định.

Theo ghi nhận thực tế, tại các xã Giang Điền, Hố Nai, Quảng Tiến, sau khi có Quyết định 03 của UBND tỉnh và công văn 3973 của UBND huyện Trảng Bom chỉ đạo các xã tăng cường kiểm tra, giám sát, thì tình hình phân lô bán nền trái phép có phần lắng xuống, tuy nhiên vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn. Còn tại xã An Viễn vẫn có nhiều công ty dịch vụ mua bán nhà đất đang hoạt động.

Để ngăn chặn tình trạng này, chính quyền xã An Viễn đã tăng cường công tác tuyên truyền, cắm nhiều biển Thông báo nghiêm cấm việc làm đường, phân lô trái phép trên đất nông nghiệp, đề nghị không giao dịch mua bán đất đai bằng hình thức giấy tay, vi bằng.

Ông Trịnh Viết Phương - Chủ tịch UBND xã An Viễn cho biết: “Thực tế hiện nay, kinh tế - xã hội tại địa phương cũng phát triển, nhu cầu về nhà ở theo đó cũng tăng rất cao, do xã tiếp giáp với Khu công nghiệp Giang Điền. Qua kiểm tra, trên địa bàn xã có nhiều khu đất nông nghiệp đã được lập bản vẽ phân nền, rao bán. Tại một số khu đất, chủ đất lợi dụng ngày nghỉ của Uỷ ban xã, hoặc tranh thủ vào ban đêm để đổ đất làm đường. Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện và đã lập biên bản yêu cầu chủ đất trả lại hiện trạng ban đầu”.

Nhiều nơi có dấu hiệu phân lô, bán nền trái phép được chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo.

Ông Phương cũng cho biết, xã An Viễn có diện tích 2.219,7ha nhưng chỉ có 2 cán bộ địa chính, trong đó một người phụ trách công tác xây dựng nông thôn mới, một người phụ trách công tác quản lý đất đai. Số lượng cán bộ quản lý mỏng nên cũng khó kiểm soát hết, vì vậy còn ít nhiều thiếu sót trong việc quản lý đất đai trên địa bàn, để xảy ra một số sai phạm. Bên cạnh, nhiều trường hợp mua bán đất trên bản vẽ bằng giấy tờ tay nên dù có phát hiện vẫn khó để xử lý.

Để ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền trái phép, xã An Viễn đã phối hợp với các Trưởng ấp, yêu cầu thường xuyên kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện có dấu hiệu phân lô bán nền lập tức báo cáo về UBND xã để ngăn chặn, xử lý theo quy định.

Cán bộ địa chính xã An Viễn đi ghi nhận thực tế cùng phóng viên.

“Song song với việc làm đó, chúng tôi còn gửi thư mời đến các công ty, doanh nghiệp làm dịch vụ mua bán, kinh doanh bất động sản trên địa bàn xã, đề nghị các đơn vị cung cấp Giấy phép kinh doanh, Chứng chỉ hành nghề… Đơn vị nào có đầy đủ giấy phép thì cho hoạt động, còn đơn vị nào không có thì yêu cầu tháo biển, đóng cửa giao dịch” - ông Phương cho biết.

Còn ông Lê Văn Lộc, cán bộ địa chính xã An Viễn thông tin: “Trong thời gian qua, chúng tôi tăng cường kiểm tra và đã phát hiện ra vài trường hợp chủ đất làm đường, phân lô. Chúng tôi đã lập biên bản và phối hợp đưa phương tiện về Uỷ ban xã xử lý, đồng thời yêu cầu các chủ đất tự phá bỏ những con đường trên đất nông nghiệp để trả lại hiện trạng ban đầu. Bên cạnh đó, chúng tôi còn mời một số chủ đất khác đến xã cam kết không được mở đường, phân lô bừa bãi”.

Kiến Dân - Bảo Hà

Theo Pháp luật Plus

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công