largeer

Share This Post

SG247

Dự án ma và những cú lừa - 6

Ở phường Trảng Dài (TP Biên Hòa – Đồng Nai) tình trạng phân lô bán nền trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất đã quá bình thường bởi nó diễn ra hàng ngày. Tuy nhiên giới đầu nậu đã "nâng tầm" bằng cách xây cả dãy nhà phố trên đất nông nghiệp để bán kiếm lời. Đây là câu chuyện có thật và đang diễn ra tại tờ số 55 thửa 205 có diện tích 5.098,5m2, loại đất trồng cây lâu năm do ông bà Nguyễn Văn Sáng và Nguyễn Thị Thật là chủ sử dụng. Việc làm này chính là hành vi vi phạm pháp luật, thu lời bất chính của chủ sử dụng đất. Liệu ông Sáng và bà Thật còn có sự tiếp tay của chính quyền địa phương và cán bộ điện lực hay không khi cả dãy nhà phố 'lụi' này lại có thể ngang nhiên làm đường, kéo điện sinh hoạt như một dự án nhà ở được cấp phép thực thụ?

Tại thửa đất 205 tờ 55 đang được chủ đất nâng tầm bằng cách thay vì chỉ phân lô bán nền thông thường (một thửa đất phân thành nhiều lô, rồi từng người xây dựng nhà riêng lẻ) nay chủ đất đầu tư xây dựng hẳn dãy nhà phố. Nếu thoáng nhìn hoặc không tìm hiểu kỹ nhiều người sẽ lầm tưởng những dãy nhà phố này là một dự án được cấp phép nào đó, bởi nó được chủ đất đầu tư bài bản, từ làm đường, đấu điện, xây dựng theo thiết kế...

Một dãy nhà phố gồm 8 căn được chủ đất xây dựng trên đất nông nghiệp

Một dãy nhà phố gồm 8 căn được chủ đất xây dựng trên đất nông nghiệp

Theo tìm hiểu khu đất tại tờ số 55 thửa 205 có diện tích 5.098,5m2, loại đất trồng cây lâu năm nằm trong quy hoạch đất trồng cây hàng năm khác 5.098m2 theo quyết định công bố quy hoạch số 4738/QĐ-UBND ngày 27/12/2017. Chủ sử dụng đất ông Nguyễn Văn Sáng, bà Nguyễn Thị Thật đã được cấp giấy chứng nhận có số phát hành BY438066, ngày ký 05/02/2015. Thửa đất của ông Sáng và bà Thật nhận chuyển nhượng trọn thửa từ ông Phạm Ngọc Thành và bà Nguyễn Thị Loan. Tuy nhiên đây là đất nông nghiệp không nằm trong quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng thực tế ông Sáng và bà Thật đã đầu tư xây dựng dãy nhà gồm 8 căn 2 tầng, bán với giá nhà từ 1.2 tỷ đến 1.4 tỷ/ căn. Chủ đất cũng làm đường (đường trải đá mi), kéo điện sinh hoạt... Đây chính là hành vi trục lợi gây thất thu ngân sách, phá vỡ quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng, đô thị của địa phương, gây bức xúc và tạo dư luận không tốt.

Giá mỗi căn nhà như thế này đang được rao bán 1,2 tỉ đến 1,4 tỉ đồng

Giá mỗi căn nhà như thế này đang được rao bán 1,2 tỉ đến 1,4 tỉ đồng

Không chỉ xây cả dãy nhà phố trên đất nông nghiệp, có một điều hết sức lạ lùng rằng thửa đất 205 với diện tích 5.098,5m2 đất trồng cây lâu năm rõ ràng là đất nông nghiệp, không được phép phân lô bán nền vậy tại sao chủ sử dụng lại có thể dễ dàng xây dựng một lúc 8 căn nhà liền nhau? Theo quan sát thực tế, dãy nhà đã được trang bị cả đèn đường chiếu sáng. Vậy với một dự án xây lụi như thế này làm sao chủ đất có thể đấu nối điện? Điện lực Đồng Nai chi nhánh Biên Hòa căn cứ vào đâu để cấp điện cho dãy nhà xây lụi này?

Xây

Xây "lụi" trên đất nông nghiệp nhưng vẫn có thể làm đường, kéo điện sinh hoạt một cách dễ dàng

Trong khi đó điều kiện để được cấp điện của công ty điện lực yêu cầu phải có các loại giấy tờ sau: Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc quyết định phân nhà hoặc hợp đồng mua bán nhà;  Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trên đất đã có nhà ở); Hợp đồng thuê nhà. Trường hợp không có một trong các giấy tờ liên quan đến địa điểm mua điện thì Giấy đề nghị mua điện có xác nhận của UBND phường, xã tại nơi đề nghị mua điện.

Vậy chủ sử dụng  thửa đất nông nghiệp số 205 nêu trên đã làm cách nào để có thể đấu nối được điện? Chủ đất đã phù phép như thế nào? liệu có sự móc nối với nhân viên nhà điện hay không?

Mới đây Tạp chí TH&CL có bài phản ánh Trảng Dài (Biên Hòa- Đồng Nai): Chung tay lấp suối để phân lô qua đó phản ánh sự liều lĩnh của một số hộ dân đua nhau gạt đồi, chở đá lấp dần một dòng suối sâu cả trăm mét, dài gần1 km và có bề rộng gần 200m.

Tại thời điểm ngày 17/6/2020, rất nhiều công trình xây dựng đã được người dân thực hiện ngay bên vách suối sâu thăm thẳm... Chỉ nhìn thôi đã thấy không an toàn và có thể sập bất cứ lúc nào. Theo lời một chủ thầu xây dựng: Việc san lấp Suối bằng đất và đá non...khi nền đất cao chênh vênh tới gần 50m là rất nguy hiểm có thể gây ra sạt lở bất cứ lúc nào.

Người dân đổ đất xây kè lấn lấp suối lấy đất phân lô

Người dân đổ đất xây kè lấn lấp suối lấy đất phân lô

Những ngôi nhà xây dựng chênh vênh trên đất lấn chiếm

Những ngôi nhà xây dựng chênh vênh trên đất lấn chiếm

Ông Phạm Hùng bí thư phường Trảng Dài cũng đi khảo sát thực tế

Ông Phạm Hùng bí thư phường Trảng Dài cũng đi khảo sát thực tế

Để biết ai đang là chủ những thửa đất 2 bên bờ suối, chúng tôi đã liên hệ với Phòng TN&MT TP Biên Hòa thì được biết chủ nhân của những thửa đất này phải kể đến ông bà  Nguyễn Quốc Hoàn và Doãn Thị Kim Liên là chủ sử dụng của thửa đất số 186, tờ bản đồ số 3 có diện tích 22.368,1m2  và thửa số 4 tờ 3 có diện tích 6.316m2 đất Rừng sản xuất. Thửa 16 tờ 3, diện tích 19.183,3m2 đất trồng cây lâu năm do bà Nguyễn Thị Yến là chủ sử dụng.  Thửa 225, tờ 3 có diện tích 5.761,6m2 đất rừng sản xuất do ông bà Đào Quốc Thái, Vương Ngọc Hiệp là chủ sử dụng. Ngoài ra ông bà Đào Quốc Thái, Vương Ngọc Hiệp cũng là chủ sử dụng thửa đất 221, tờ 3 có diện tích 13.919m2 đất trồng cây hằng năm.

Thửa 25 tờ 3, diện tích 1.175,2m2 đất rừng sản xuất do ông bà Trần Đình Lễ, Mai Thị Thu là chủ sử dụng (thửa đất này vẫn chưa được cấp giấy). Thửa 15 tờ 3 có diện tích 351,8m2 đất trồng cây lâu năm do bà Nguyễn Thị Phượng là chủ sử dụng. Thửa 188, tờ 3 diện tích 662,7m2 đất rừng sản xuất  do ông bà Trịnh Minh Sương, Đinh Thị Thu Hồng là chủ sử dụng

Thửa 157, tờ 3 diện tích 1.617,5m2 đất trồng cây hằng năm khác chưa có giấy chứng nhận, chưa xác định được chủ sử dụng. Thửa 156 tờ 3 diện tích 2.069,9m2 đất rừng sản xuất chưa cấp giấy và chưa xác định được chủ sử dụng. Thửa 46, tờ 3 diện tích 731,8m2 đất trồng câu lâu năm do ông Trần Văn Trình là chủ  sử dụng và thửa 49 tờ 3 diện tích 148,2m2 đất trồng cây hằng năm khác do ông bà Đỗ Ngọc Lan và Nguyễn Thị Ngọc Loan. Thửa đất này vẫn chưa được cấp giấy.

Những chủ đất này đang thi nhau đổ đất, đá non để lấp suối và qua thực tế khảo sát chúng tôi nhận thấy việc lấp dòng suối lớn này không thể đổ 1 vài xe cát sỏi là xong mà phải huy động rất nhiều máy móc để san ủi. Việc làm này chính quyền địa phương có biết hay không? Liệu có sự bao che làm ngơ cho các đầu nậu tung chiêu làm liều? Ngay tại thời điểm chúng tôi đang ghi nhận sự việc thì ông Phạm Hùng bí thư phường Trảng Dài cũng đi khảo sát.... Như vậy có thể thấy rằng lãnh đạo phường Trảng Dài biết rõ sự việc lấp Suối và xây dựng nhà ngay vách Suối là không đảm bảo an toàn cho người dân. Vậy tiếp theo đây chính quyền phường Trảng Dài có biện pháp gì?  Có yêu cầu khắc phục về nguyên trạng hay không? Hay “nhắm mắt làm ngơ” cho sai phạm?

Trước đó, TH&CL cũng đã từng phản ánh về tình trạng phân lô bán nền trái phép, tại P.Trảng Dài. Theo bài báo tình trạng các chủ đất ngang nhiên thuê xe ben chở đất, đá, xà bần..., thuê máy ủi san lấp suối với mục đích tạo mặt bằng, sau đó cấu kết với các đầu nậu, ‘cò mồi’ vẽ sơ đồ dự án, công khai rao bán. Việc làm này được phối hợp nhịp nhàng khi chủ đất san ủi, đổ xà bần, thì các đầu nậu vẽ sơ đồ phân thành nhiều lô đất nhỏ có diện tích từ 60m2, 100m2 thậm chí 200m2 và công khai chào bán.

Việc thu mua đất nông nghiệp với giá rẻ, nhưng sau khi phân lô bán nền thì lợi nhuận mà các đầu nậu thu về là siêu khủng. Bởi theo lời một cò đất thì, cứ 60m2 đất trong hẻm sâu có giá 500-600 triệu đồng/lô, còn đất gần đường lớn có giá từ 800 đến hơn 1 tỷ đồng/lô, tùy theo vị trí và diện tích.

Trở lại với việc xây dãy nhà phố trên đất nông nghiệp của ông Sáng bà Thật theo Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định: hành vi tự ý hủy hoại, chuyển đổi mục đích sử dụng đất có thể bị phạt

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

Đồng thời buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 của Luật đất đai.”

Đối với người mua cũng sẽ chịu mức xử phạt hành chính 2 triệu đồng và buộc tháo dỡ công trình vi phạm.

Vậy đối với chủ sử dụng đất vi phạm có thể bị phạt với mức 10- 30 triệu đồng cao nhất lên đến 60 triệu đồng, buộc khắc phục hậu quả trả về nguyên trạng Dư luận cho rằng nếu người mua bị xử phạt hành chính 2 triệu đồng và buộc tháo dỡ công trình vi phạm vậy ở trường hợp thửa 205 này người đứng ra xây cả dãy phố như vậy sẽ chịu mức xử phạt hành chính như thế nào? biện pháp khắc phục ra sao?

Thiết nghĩ chính quyền địa phương cần tích cực hơn nữa công tác chấn chỉnh tình trạng phân lô bán nền, xây dựng trái phép để lập lại trật tự trong công tác quản lý đô thị. Đối với người dân nên tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin, tránh trường hợp mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay, thông qua hình thức lập vi bằng tránh tiền mất tật mang.

Dưới đây là những hình ảnh mà chúng tôi ghi nhận được từ việc xây nhà phố trên đất nông nghiệp:

Vẫn có những căn nhà đang được tiếp tục xây dựng trên đất nông nghiệp

Vẫn có những căn nhà đang được tiếp tục xây dựng trên đất nông nghiệp

Hình ảnh cho thấy dãy nhà phố

Hình ảnh cho thấy dãy nhà phố "lụi" mọc lên giữa khu đất nông nghiệp

Liệu có sự móc ngoặc giữa chủ đất với nhân viên nhà điện hay không khi nhà xây lậu vẫn đủ điều kiện kéo điện sinh hoạt?

Liệu có sự móc ngoặc giữa chủ đất với nhân viên nhà điện hay không khi nhà xây lậu vẫn đủ điều kiện kéo điện sinh hoạt?

Empty
8 căn nhà xây lậu với giá từ 1,2 tỉ đến 1,4 tỉ đồng có thể thấy chủ đất đã bỏ túi một số tiền rất lớn

8 căn nhà xây lậu với giá từ 1,2 tỉ đến 1,4 tỉ đồng có thể thấy chủ đất đã bỏ túi một số tiền rất lớn

Empty
CHủ đất vẫn tiếp tục treo biển rao bán nhà

CHủ đất vẫn tiếp tục treo biển rao bán nhà

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công