largeer

Share This Post

SG247

Dự án thi công đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây thiếu đất làm vật liệu san lấp, Bộ GTVT đề nghị Đồng Nai ưu tiên cấp phép mỏ cung cấp vật liệu thi công đường cao tốc

Trước tình trạng thi công đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây thiếu đất làm vật liệu san lấp, ảnh hưởng đến tiến độ đề ra, Bộ Giao thông vận tải (GT-VT) vừa có văn bản số 2294/BGTVT-CQLXD gửi lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đề nghị ưu tiên các thủ tục cấp phép mỏ, bảo đảm cung cấp vật liệu cho dự án.

Theo Nhân dân điện tử, lãnh đạo Bộ GT-VT đề nghị đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan liên quan của địa phương, ưu tiên tạo mọi điều kiện thuận lợi đẩy nhanh thủ tục cấp phép, gia hạn, nâng công suất mỏ…bảo đảm cung cấp vật liệu xây dựng cho dự án, đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 21-3-2021. Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai khẩn trương giải phóng mặt bằng phần còn lại (khoảng 2%), bàn giao cho đơn vị thi công.

IMG

Theo Thứ trưởng GT-VT Nguyễn Ngọc Đông, để bảo đảm dự án thành phần đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đúng tiến độ đề ra, phải cơ bản hoàn thành việc thi công khâu đắp nền đường trước mùa khô 2021. Hiện nay, Bộ GT-VT đang chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, nguồn cung ứng vật liệu của địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là vật liệu đất đắp nền đường. Nguyên nhân do một số mỏ vật liệu cung cấp cho dự án chỉ được khai thác khối lượng thấp hoặc một số mỏ chưa được địa phương cấp phép.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính cấp phép hoạt động khai thác vật liệu san lấp để phục vụ thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn.

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát, bỏ bớt các thủ tục không cần thiết để thống nhất ban hành quy định về cấp giấy phép đất làm vật liệu san lấp sao cho vẫn bảo đảm việc đánh giá trữ lượng, chất lượng, bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn khai thác.

Trước mắt, để có nguồn san lấp phục vụ thi công các công trình giao thông trọng điểm và phục vụ nhu cầu của địa phương, chấp thuận cho UBND tỉnh Đồng Nai được cấp giấy phép hạ độ cao sử dụng làm đất làm vật liệu san lấp ở khu vực gò đồi có đất đạt yêu cầu kỹ thuật, không thay đổi mục đích sử dụng đất sau khi kết thúc thực hiện khai thác….

Trước đó, Báo Chính Phủ online cũng thông tin, tiến độ thi công dự án cao tốc Bắc-Nam phụ thuộc lớn vào nguồn cung ứng vật liệu. Do đó, việc địa phương sớm hoàn thiện thủ tục cấp phép cho các mỏ vật liệu quy hoạch để khai thác phục vụ thi công là việc rất quan trọng và cấp bách.

Để đáp ứng nhu cầu vật liệu đất đắp phục vụ thi công các dự án cao tốc Bắc-Nam, Bộ GTVT liên tục có văn bản đề nghị các địa phương nơi có cao tốc đi qua quan tâm, ưu tiên tạo mọi điều kiện thuận lợi, hoàn tất các điều kiện, thủ tục còn thiếu cho các mỏ đã được cấp phép nhưng chưa khai thác được (do chưa GPMB mỏ, chưa có đường tiếp cận...), cấp phép khai thác (các mỏ đã có trong quy hoạch), nâng công suất khai thác mỏ (các mỏ đang khai thác có công suất nhỏ), gia hạn giấy phép mỏ (các mỏ đã hết hạn khai thác nhưng còn trữ lượng) để bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu phục vụ thi công.

Đồng thời, cơ quan này cũng kiến nghị các sở, ban, ngành và các địa phương có liên quan thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về giá vật liệu xây dựng; có giải pháp, chế tài kịp thời và phù hợp để chống độc quyền, đầu cơ, tùy tiện nâng giá vật liệu xây dựng.

Không phải mới đây Bộ GTVT nêu ra vấn đề này mà tại buổi kiểm tra hiện trường thi công tuyến cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây cùng Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 21/1, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cũng khẳng định, dự án cao tốc Bắc-Nam được Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Chính phủ cũng đã giao cho các cơ quan chức năng theo dõi, giám sát quá trình triển khai dự án. Vì vậy, mọi bước, mọi thủ tục đều vừa phải đúng quy định, vừa phải bảo đảm tiến độ.

“Nếu phải ra hạn tiến độ mà không có lý do chính đáng thì sẽ được coi là gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vì thế, giá vật liệu nếu không có cơ sở cũng sẽ không được điều chỉnh. Các dự án cao tốc đang triển khai, chúng tôi thấy rằng vấn đề phát sinh tại tất cả các dự án là mỏ vật liệu. Mặc dù công tác chuẩn bị đã làm rất kỹ, nhưng khi triển khai đồng loạt thì đều xảy ra tình trạng thiếu mỏ, vật liệu tăng giá, làm ảnh hưởng đến tiến độ, mức đầu tư", Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.

Để giải quyết tình trạng thiếu vật liệu cho “đại công trường” cao tốc Bắc-Nam, các địa phương cũng đang rốt ráo vào cuộc.

Ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh Bình Thuận xác định cao tốc Bắc-Nam là công trình đặc biệt có ý nghĩa đối với việc phát triển kinh tế địa phương. Do đó, riêng để phục vụ nguồn vật liệu cho cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết, năm 2021, Bình Định đã đấu giá 59 mỏ, trong đó có 4 mỏ đá và các mỏ vật liệu khác.

Tỉnh Bình Thuận cũng khẳng định, trong thời gian sớm nhất, những mỏ đã có trong quy hoạch sẽ ưu tiên cung cấp phục vụ thi công. Còn lại, các mỏ chưa được cấp phép cần có cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian cấp phép.

Với tỉnh Đồng Nai, địa phương đang có hàng loạt công trình giao thông lớn như: sân bay Long Thành, cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, chuẩn bị triển khai các tuyến cao tốc Dầu Giây-Đà Lạt, Biên Hòa-Vũng Tàu và nhiều công trình giao thông trọng điểm khác. Do đó, Đồng Nai là địa phương cần rất lớn nguồn đá xây dựng, vật liệu san lấp để thi công các dự án.

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai đã có văn bản gửi Chính phủ, đề nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính cấp phép hoạt động khai thác vật liệu san lấp để phục vụ thi công các công trình trọng điểm nằm trên hoặc đi qua địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng hiện nay đất làm vật liệu san lấp (đặc biệt là đất phún sỏi đỏ dùng làm đường giao thông) chưa bảo đảm đủ khối lượng theo yêu cầu các công trình. Lý do là các khu đất làm vật liệu san lấp có diện tích không lớn (từ 2 ha đến 5 ha), chiều dày tầng đất làm vật liệu san lấp dao động từ 3 m đến 10 m. Tuổi thọ mỏ thường theo tiến độ thực hiện dự án (dưới 5 năm) mặt bằng kết thúc khai thác không thay đổi mục đích sử dụng đất ban đầu.

Trong khi đó, thời gian thực hiện việc cấp giấy phép khai thác vật liệu san lấp, theo quy định về khoáng sản, môi trường, đất đai, đầu tư, xây dựng chưa theo kịp yêu cầu tiến độ của các dự án.

"UBND tỉnh Đồng Nai kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo thực hiện quy trình cho phép khai thác vật liệu san lấp theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính. Chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan rà soát bỏ bớt các thủ tục không cần thiết để thống nhất ban hành quy định về cấp giấy phép đất làm vật liệu san lấp sao cho vẫn bảo đảm việc đánh giá trữ lượng, chất lượng và bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn khai thác như trước đây đã được quy định tại Điều 63 Nghị định số 68-CP năm 1996 và Điều 63 Nghị định số 76/2000/NĐ-CP năm 2000 của Chính phủ", văn bản nêu.

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công