largeer

Share This Post

SG247

F0 bị kỳ thị

Chị Hương hé cửa, đón gió vào nhà cho thông thoáng. Hình ảnh này nhanh chóng được hàng xóm gửi ngay lên nhóm chung cư và nhận về bình luận “Ý thức kém”.

“Nhà đó mắc Covid-19”

Chị Phan Thị Hương (tên nhân vật đã thay đổi) sống tại chung cư phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP.HCM. Cuối tháng 11, chị test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 và được cách ly tại nhà. Theo kinh nghiệm của người thân, bạn bè, chị xông nhà bằng lá, vỏ bưởi, sả cho sạch không khí.

“Xông nhà thơm tho xong mình mở cửa phòng cho thoáng. Chưa đầy 5 phút sau đã thấy có người gửi hình ảnh mình mở cửa lên nhóm của chung cư vì cho rằng mình thiếu ý thức bảo vệ mọi người”, chị Hương bức xúc.

Những than phiền thường gặp khi chung cư có F0 cách ly tại nhà.

Những than phiền thường gặp khi chung cư có F0 cách ly tại nhà.

Theo chia sẻ của người đăng ảnh, nhà chị Hương và các căn hộ liền kề đều có người nhiễm Covid-19. Người này dự đoán có thể do luồng gió gây ra và đề nghị chị Hương nên đóng kín cửa trong giai đoạn cách ly tại nhà.

Tủi thân và có chút ngỡ ngàng, chị Hương không tin những hàng xóm văn minh lại có nỗi sợ virus bay theo gió vô căn cứ như vậy.

“Bộ Y tế còn khuyến khích phòng của F0 mở cửa cho thoáng gió, mình chỉ mới hé cửa đã bị chỉ trích nặng nề”.

Sự phân biệt vẫn tồn tại kể cả khi nhà chị Hương xét nghiệm âm tính, hoàn thành cách ly và có giấy xác nhận của phường. Khi con chị đang vui chơi tại khu sinh hoạt chung, một bà mẹ kéo con trai về nhà và không cho chơi cùng.

Bà giúp việc biết ý, đưa cháu bé lên căn hộ để tránh sự phân biệt của các phụ huynh. Nhìn con lủi thủi một mình, nỗi buồn của chị trở thành nỗi bức xúc.

“Chung cư này có gần 100 F0, hàng loạt trẻ nhỏ mắc bệnh, tầng bị cách ly còn nhiều hơn tầng bình thường. Họ cư xử với chúng tôi như thể Covid-19 lây được qua ánh mắt”, chị Hương chán nản chia sẻ.

Trước đây, cư dân ở tầng có F0 cũng phải đi thang máy riêng.

Trước đây, cư dân ở tầng có F0 cũng phải đi thang máy riêng.

Để thay đổi tâm trạng sau 14 ngày cách ly tại căn hộ, gia đình chị quyết định về thăm mẹ ở Đồng Nai, mang theo giấy tờ xác nhận đã khỏi bệnh. Nhiều tháng qua, chị trì hoãn việc thăm nhà vì sợ mang bệnh về cho bố mẹ đã lớn tuổi.

Kết quả, bố mẹ chị nhận được sự cảnh giác của xóm giềng vì có con từ thành phố mới về. Những cô chú xung quanh thường thân tình sang uống ly trà, nay đóng cổng im lìm. Lâu lâu, một vài người nhìn sang chỉ trỏ.

Gia đình chị động viện nhau, “Người ta cảnh giác cũng là cách bảo vệ cho người thân”.

Phản ứng vì sợ hãi thái quá

Thạc sĩ, Tâm lý gia Phan Thị Hoài Yến, Trưởng khoa Tâm thể, Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM) nhận định, sợ hãi thái quá và nhận thức chưa đầy đủ là nguyên nhân của sự kỳ thị. Điều này ảnh hưởng nặng nề đến các F0 đã khỏi bệnh và người thân khi quay lại nhịp sống ban đầu.

Trong khi đó, việc lây nhiễm Covid-19 hoàn toàn có thể xảy ra với chính người đang kỳ thị người khác.

“Chúng ta đã chấp nhận sống chung với Covid-19. Mắc bệnh này không liên quan đến nhân cách, đạo đức, lối sống. Rõ ràng, đó là biểu hiện thiếu bao dung, thân thiện giữa con người với nhau”, thạc sĩ Hoài Yến chia sẻ.

Phân tích hành vi yêu cầu gia đình F0 phải đóng cửa khi cách ly tại nhà, thạc sĩ Hoài Yến khẳng định, đó là “cánh cửa tâm lý”, hoàn toàn không có giá trị về y khoa.

Bên cạnh đó, hiện nay, học sinh tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành đã sẵn sàng đi học trực tiếp, được giao lưu với bạn bè, thầy cô. Nếu cha mẹ dạy con không được chơi với bạn từng là F0, con sẽ nhận thức sai về bệnh Covid-19 và tự tách biệt dần với bạn bè.

Nghiêm trọng hơn, những hành vi, thái độ phân biệt của người lớn sẽ khiến F0 là trẻ em bị tổn thương. Đặc biệt khi trẻ đang trong độ tuổi phát triển về tâm sinh lý.

Trẻ em mắc Covid-19 rất dễ tổn thương khi bị phân biệt.

Trẻ em mắc Covid-19 rất dễ tổn thương khi bị phân biệt.

Theo thạc sĩ Hoài Yến, những thái độ, cư xử thiếu hợp lý trên chỉ khiến cuộc sống thêm tiêu cực, sợ hãi. Thay vào đó, người dân cần biết cách phòng ngừa bệnh phù hợp, tiêm đầy đủ vắc xin Covid-19, thực hiện 5K và hướng dẫn trẻ em phòng bệnh.

“Trên thực tế, F0 đã khỏi bệnh có miễn dịch tốt hơn cả người chưa mắc bệnh tiêm vắc xin Covid-19. Tỷ lệ tái nhiễm ở nhóm này rất thấp và luôn nhẹ hơn lần nhiễm trước đó", bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM nhận định.

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công