Giấc mơ xuất khẩu thịt lợn ngày càng xa vời
Việt Nam đứng 5 thế giới về sản lượng thịt lợn móc hàm. Thế nhưng, trong thị trường thịt lợn toàn cầu quy mô 28,5 tỷ USD, mỗi năm Việt Nam chỉ thu về 45 triệu USD từ xuất khẩu thịt lợn. Điều đáng nói, năm 2020, nhập khẩu thịt lợn tăng gấp 3 lần, trong khi gần như không có xuất khẩu. Câu hỏi đặt ra là giải pháp nào để Việt Nam trở thành "cường quốc" xuất khẩu thịt lợn?
Theo Vneconomy.vn, nông dân chăn nuôi lợn liên tục bị những "cơn bão" không từ trên trời rơi xuống mà từ chính nền chăn nuôi gây ra. Đó là "bão rớt giá" năm 2017 -2018; dịch tả lợn châu Phi năm 2018-2019. Năm 2020, giá thịt lợn tăng cao ngất ngưởng nhưng nông dân chăn nuôi không được hưởng lợi gì bởi không còn lợn để bán.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nhập khẩu thịt lợn liên tục tăng mạnh những tháng vừa qua. Riêng tháng 9/2020, nhập khẩu thịt lợn tăng hơn 350% so với tháng 9/2019. Giá trị nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi 10 tháng 2020 đạt 2,69 tỷ USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ 2019.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 8 tháng đầu năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 64.660 tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 152,56 triệu USD, tăng 272,6% về lượng và tăng 352,6% về trị giá so với cùng kỳ 2019. Trong đó, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu thịt heo từ 5 thị trường lớn, gồm Nga, Brazil, Canada, Mỹ và Ba Lan. Hiện Việt Nam đã chấp thuận cho 24 quốc gia được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam. Không chỉ nhập khẩu thịt lợn đông lạnh, trong mấy tháng qua, các doanh nghiệp đã nhập khẩu 800.000 con lợn thịt sống.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 10 tháng 2020 đạt 256 triệu USD, giảm 21,4% so với cùng kỳ 2019. Đặc biệt, những năm trước Việt Nam xuất khẩu được lợn sữa và lợn thịt sang một số quốc gia và vùng lãnh thổ lân cận nhưng năm nay, gần như không xuất khẩu thịt lợn.
Trong Chiến lược ngành chăn nuôi giai đoạn 2008-2020 đề ra mục tiêu đến năm 2020, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đem về 1,2 – 1,5 tỷ USD/năm, trong đó xuất khẩu thịt lợn 500 – 800 triệu USD/năm. Thế nhưng, mục tiêu trên đã thất bại.
Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi, chăn nuôi lợn đang bộc lộ rất nhiều khiếm khuyết. Trước hết, công tác dự báo thị trường cung cầu để điều tiết sản xuất còn rất kém, thường xuyên để xảy ra tình trạng số lượng đầu lợn biến động thất thường, lúc tăng vượt quá nhu cầu thị trường, lúc lại sụt giảm nguồn cung. Trong đó, khâu điều tiết sản xuất lợn giống cho thấy rõ điều đó.
Thứ hai là khâu phòng chống dịch bệnh rất kém, năng lực bộ máy quản lý nhà nước về dịch bệnh chưa phù hợp, khiến dịch bệnh thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại cho người chăn nuôi lợn.
Thứ ba, giá thành sản xuất chăn nuôi lợn ở nước ta quá cao so với mức bình quân trên thế giới, khiến thịt lợn trong nước không thể cạnh tranh với thịt lợn nhập khẩu.