largeer

Share This Post

Diễn đàn Nông sản

Hơn 8,5 triệu hộ gia đình ký cam kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm

Trong giai đoạn 2017 - 2020, việc thực hiện Chương trình phối hợp số 526/CTPH vận động các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản ký cam kết, thực hiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, bỏ tư duy “rau 2 luống, lợn 2 chuồng” ở một bộ phận hộ sản xuất quy mô nhỏ lẻ đã đem lại hiệu ứng rất lớn. Theo đó, kết quả đạt với trên 8,5 triệu hộ gia đình hội viên nông dân, phụ nữ ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Theo Nhân Dân Online thông tin, ngày 30-11, tại Hà Nội, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp số 526/CTPH giữa Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam "Về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020". Theo các báo cáo tại Hội nghị, trong giai đoạn 2017-2020, Hội Nông dân Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp vận động được hơn 8,5 triệu gia đình hội viên ký cam kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm.

Sản xuất rau, trái sạch ở Đà Lạt – Lâm Đồng

Sản xuất rau, trái sạch ở Đà Lạt – Lâm Đồng

Hội Nông dân Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng hơn tám nghìn mô hình sản xuất an toàn; gần sáu nghìn mô hình liên kết sản xuất an toàn; hơn 880 cửa hàng an toàn; gần 15.500 tổ hội/chi hội nghề nghiệp với gần 200 nghìn hội viên tham gia. Trong đó, nhiều mô hình được đạt chứng nhận VietGAP, BlobalGAP, hữu cơ...

Cùng với đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hỗ trợ xây dựng gần 2.400 mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; 720 cửa hàng kinh doanh, giới thiệu nông sản, thực phẩm an toàn.

T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã triển khai công tác giám sát việc sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản, thực phẩm không an toàn tại 19 tỉnh, thành phố, từ đó thực hiện giám sát gần 9.600 cơ sở.

Nhiều nông sản sạch từ kết quả của Chương trình 526 được nhiều người tiêu dùng lựa chọn

Nhiều nông sản sạch từ kết quả của Chương trình 526 được nhiều người tiêu dùng lựa chọn

Cũng thông tin từ Hội nghị trên, thông tin trên dangcongsan.vn cho biết, theo đánh giá, Chương trình 526 vừa qua đã huy động được nguồn lực của xã hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các cấp Hội Nông dân, Phụ nữ là yếu tố quyết định đến kết quả của chương trình. Đây là minh chứng hiệu quả sự phối hợp giữa Chính phủ với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Nhờ đó, hiện tượng "rau hai luống, lợn hai chuồng", lạm dụng hóa chất trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản không còn phát hiện qua hoạt động giám sát và hệ thống thông tin nóng; thôi thúc hội viên hai Hội cách thức sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ mới, liên kết tạo ra sản phẩm an toàn, phát triển bền vững ngành nghề, nâng cao trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật, quy trình sản xuất nông sản an toàn vì sức khỏe bản thân và cộng đồng, đóng góp tích cực vào áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, bền vững. 

Báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố tính đến tháng 10/2020 cho thấy: diện tích nông sản ứng dụng VietGAP và các chuẩn tương đương đã tăng lên 170 nghìn ha (gấp 4 lần so với năm 2019); diện tích nuôi trồng thủy sản đạt chuẩn VietGAP và tương đương là hơn 6.300ha (tăng 1,2 lần so với năm 2019); phát triển được hơn 1.636 chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên cả nước (tăng 122 chuỗi so với năm 2019).

Để tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình phối hợp, các ý kiện tại Hội nghị kiến nghị ngoài tiếp tục thực hiện 5 nội dung của Chương trình 526, cần bổ sung thêm 3 nội dung. Đó là: phổ biến, vận động sử dụng vật tư nông nghiệp nguồn gốc sinh học, sản xuất xanh, phát triển bền vững theo chuẩn VietGAP, BlobalGAP; xây dựng mô hình nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình công nghệ cao 4.0; sản xuất, sơ chế, chế biến theo chuẩn ISO 22000/GMP/HACCP gia tăng giá trị sản phẩm; xây dựng mô hình thương hiệu sản phẩm nông sản quy mô hộ nông dân/phụ nữ làm chủ, an toàn, chất lượng quốc tế, chủ động kết nối phát triển thị trường.

Sản xuất nông sản sạch tại xã Ninh Sở (huyện Thường Tín, Hà Nội)

Sản xuất nông sản sạch tại xã Ninh Sở (huyện Thường Tín, Hà Nội)

Ở một khía cạnh khác, Công Thương Online thông tin, tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ những cách làm hay, các mô hình tốt và tập trung thảo luận, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới để đáp ứng ngày càng cao của toàn xã hội, của thị trường đối với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng tới mục tiêu áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với thực phẩm tiêu dùng trong nước tương đương với tiêu chuẩn thực phẩm xuất khẩu.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: Chương trình đã chứng minh hiệu quả sự phối hợp giữa Chính phủ với Hội Nông dân Việt Nam và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Chương trình 526 triển khai đã thôi thúc hội viên của 2 hội tự ý thức nâng cao trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật, sản xuất nông sản an toàn vì sức khoẻ bản thân và cộng động, đóng góp tích cực vào áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, bền vững như VietGAP, GlobalGAP…

Lực lượng phụ nữ, hội nông dân là rường cột trong việc thực hiện chương trình này. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, trong thời gian tới, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cần đẩy mạnh truyền thông trên phương diện từng đối tượng, từ đó sẽ góp phần tuyên truyền về an toàn thực phẩm tốt hơn.

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công