largeer

Share This Post

Diễn đàn Nông sản

HTX Nông nghiệp xanh - Đồng Nai: Hiệu quả trông thấy của mô hình trồng nấm bằng bông 

HTX Nông nghiệp xanh (xã Lộc An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) lựa chọn bông để trồng nấm vừa bảo đảm được chất lượng sản phẩm, vừa giảm tải lượng rác thải công nghiệp ra môi trường. Việc phát triển từ quy mô hộ gia đình lên tổ hợp tác rồi lên HTX đã cho thấy những bước đi hiệu quả, bền vững của mô hình trồng nấm của HTX Nông nghiệp xanh trong thời gian qua.

Bảo đảm quy trình sản xuất

Bà Nguyễn Thị Liên, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh cho biết trước đây, nghe nói trồng nấm bằng bông thải thay cho trồng nấm bằng rơm để tăng thu nhập gia đình thì không ít người dân e ngại vì sợ mất vệ sinh.

Tuy nhiên, sau quá trình nghiên cứu và được hỗ trợ của ngành chức năng, HTX đã giúp người dân hiểu rằng trồng nấm bằng bông thải không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Trồng nấm bằng bông vẫn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và góp phần bảo vệ môi trường.

Trồng nấm bằng bông vẫn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và góp phần bảo vệ môi trường.

Để có nguyên liệu bông an toàn, thay vì thu mua bông thải y tế, HTX phải liên kết với các doanh nghiệp may mặc nhằm thu mua bông, vải từ quá trình sản xuất chăn, gối thừa... Vì sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên quy trình phải bảo đảm an toàn ngay từ ban đầu. Bông sau khi đưa về phải trải qua nhiều công đoạn như xay, ủ vôi sau đó hấp, sấy để loại bỏ vi sinh độc hại. Trong quá trình xử lý, HTX còn tiến hành đo nồng độ pH, canh nhiệt độ, độ ẩm để bảo đảm cho quá trình cấy mô giống...

Nấm vốn là loại thực vật ưa sạch nên nếu bông không được xử lý theo quy trình bảo đảm vệ sinh thì nấm sẽ nhanh chóng bị nhiễm bệnh và chết. Từ đó người chịu thiệt chính là các thành viên. Nắm được điều này nên ai cũng tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất từ xử lý nguyên liệu đến chăm sóc, thu hoạch…

Đặc biệt, giá và nguồn bông nguyên liệu tương đối ổn định nên việc mua và vận chuyển dễ dàng, không phụ thuộc vào mùa vụ như khi sử dụng rơm truyền thống.Nếu như trồng nấm bằng rơm, dù đã trải qua công đoạn xử lý thì HTX vẫn tốn rất nhiều diện tích. Tuy nhiên khi sử dụng bông, điều này đã được giải quyết. Theo đó, thay vì trồng nấm rơm ngoài trời, HTX sử dụng diện tích nhà kín nhằm cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài, từ đó giảm tác động từ thời tiết, dịch bệnh.

Tận dụng bông để trồng nấm là cách làm hay tại HTX Nông nghiệp xanh

Tận dụng bông để trồng nấm là cách làm hay tại HTX Nông nghiệp xanh

“Trồng nấm rơm bằng bông vải trong nhà kín không đòi hỏi diện tích đất lớn nên dễ dàng triển khai. Nhờ đó, công chăm sóc nhẹ hơn, dễ quản lý dịch bệnh hơn so với trồng nấm rơm truyền thống”, bà Liên cho biết.

Trước đây, trồng nấm rơm ngoài trời mỗi năm chỉ sản xuất được 2-3 vụ vì phải phụ thuộc thời tiết. Đi kèm với đó là phải có thời gian cách ly khá dài để tránh lây lan các mầm bệnh giữa các vụ. Do trồng ngoài trời, dễ bị ảnh hưởng bởi mưa lũ nên nấm dễ bị hư hỏng, năng suất thấp.

Ngược lại, trồng nấm rơm bằng vải bông trong nhà kín thời gian cách ly ngắn (khoảng 1 tháng) và có thể trồng được quanh năm nên lợi nhuận cao hơn. Đặc biệt, trồng nấm rơm trong nhà còn chủ động được thời điểm sản xuất, bán giá cao hơn so với bình thường.

Vừa lợi ích kinh tế, vừa bảo vệ môi trường

Do được trồng theo công nghệ sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học nên đầu ra sản phẩm rất thuận lợi. Hiện, vào giai đoạn cao điểm, HTX cung cấp cho thị trường 300kg nấm rơm tươi/ngày và 6-7 tấn nấm rơm giống/tháng. Sản phẩm ngoài cung cấp cho các chợ và người tiêu thụ nhỏ lẻ, HTX còn xuất khẩu sang Campuchia, cung cấp cho các chuỗi cửa hàng nông sản sạch, các trang trại, trường học…

Việc HTX đứng ra mua bông, vải thải làm nguyên liệu trồng nấm thay cho rơm rạ không chỉ mang lại việc làm và thu nhập cho nhiều người mà còn giảm chất thải công nghiệp, tạo sản phẩm hữu ích.

“Phế thải công nghiệp ngày càng gia tăng. Nếu cứ tiếp tục tình trạng này sẽ tác động tiêu cực đến môi trường. Việc tận dụng bông, vải thừa để trồng nấm chính là cách chung tay vào xử lý rác thải công nghiệp một cách hiệu quả”, bà Liên chia sẻ.

Đặc biệt, đất sau khi trồng nấm có thể tận dụng làm phân bón cho các loại cây trồng hoặc trồng rau. Điều này giúp quy trình sản xuất của HTX trở nên tuần hoàn, hạn chế chất thải và đa dạng thêm nguồn nông sản để cung cấp cho thị trường.

Hiện ngoài sản xuất, HTX còn đẩy mạnh tư vấn, chuyển giao kỹ thuật cho người dân và những đơn vị có nhu cầu để nhân rộng mô hình. Thời gian tới, HTX sẽ mở rộng diện tích đi đôi với đầu tư công nghệ cao, qua đó nâng cao thương hiệu sản phẩm cũng như chất lượng môi trường.

Theo Vnbusiness

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công