HTX tiểu thủ công nghiệp Định Quán - mô hình kinh tế tiên phong đưa nghề mây tre đan về địa phương, tạo công ăn việc làm cho hàng 100 lao động
HTX tiểu thủ công nghiệp Định Quán tại ấp 2 xã Phú Ngọc, huyện Định Quán nhiều năm qua được xem là mô hình kinh tế tiên phong trong việc đưa nghề về địa phương và có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển nghề mây tre đan trên địa bàn huyện. Với việc sản xuất kinh doanh các mặt hàng chính là lục bình, mây, tre, cói…, HTX đã giúp giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại xã Phú Ngọc và các xã lân cận.
Từ nhiều năm trước, HTX còn tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề mây tre đan cho hơn 1.000 lao động nông nhàn, lao động người dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu, vùng xa như La Ngà, Phú Ngọc, Ngọc Định, Phú Hòa, Gia Canh. Chị Nguyễn Thị Thắm là người sáng lập HTX cho biết, đã từng trải qua quãng thời gian tìm đến các cơ sở mây tre đan ở Biên Hòa, Bình Dương, Tp.HCM để xin học nghề rồi trở lại Phú Ngọc nhận hàng về làm rồi chia lại sản phẩm và hướng dẫn cho những người quen trong xã cùng đan lát.
Nắm bắt nhu cầu đan mây tre ngày một nhiều, chị Thắm bắt đầu chuyển dần từ người đan thuê thành người tạo hàng mẫu và đào tạo nghề. Chị đi liên hệ với những doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp sản phẩm đan lát thủ công mỹ nghệ ở trong và ngoài tỉnh để nhận hàng về cho người dân trong huyện.

Những năm tiếp theo, tìm được nguồn cung cấp nguyên vật liệu, cũng như đầu ra của sản phẩm, HTX mạnh dạn nhận những đơn hàng lớn, thu hút thêm nhiều lao động tham gia không chỉ trên địa bàn xã Phú Ngọc mà còn có các xã lân cận.
HTX tiểu thủ công nghiệp Định Quán dù trải qua bao thăng trầm nhưng vẫn đứng vững và phát triển với cơ ngơi hơn 800m2 nhà xưởng và khoảng 16 điểm vệ tinh trên địa bàn 2 huyện Định Quán, Tân Phú.
Có thể nói mô hình kinh tế tập thể này là niềm tự hào của xã Phú Ngọc trong phong trào xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo.Trước đây, xã Phú Ngọc còn 105 hộ nghèo trên tổng số 4.674 hộ dân trên toàn xã.
Bằng các giải pháp giảm nghèo căn cơ như hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, chăn nuôi, dịch vụ, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ chính sách an sinh xã hội...các hộ nghèo nay đã giảm hẳn.
Tại Phú Ngọc cũng xuất hiện nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi cách sản xuất, nâng cao giá trị cây trồng cho năng suất, thu nhập cao hơn.
Cách đây 3 năm, ông Huỳnh Nhật (ở ấp 1) chuyển đổi 5 héc-ta xoài già cỗi, năng suất thấp sang trồng quýt đường để bắt nhịp với phong trào chuyển đổi cây trồng theo nông thôn mới.
Ông Nhật quyết tâm đầu tư vườn khá bài bản, lại chịu khó học tập kinh nghiệm từ các nông dân trong và ngoài xã cũng như tham gia các lớp tập huấn do xã Phú Ngọc tổ chức.
Với những mô hình kinh tế làm ăn bài bản, bộ mặt nông thôn mới đã thay đổi nhiều. Bởi vậy, trong 2 năm tới, xã Phú Ngọc tự tin phấn đấu trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới nâVới sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay đồng lòng của người dân trong phong trào toàn dân chung sức làm giàu, xây dựng nông thôn mới, thời gian tới xã Phú Ngọc tiếp tục tập trung các nguồn lực đầu tư nhằm sớm hoàn thiện các kết cấu hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Sang, Bí thư Đảng ủy xã Phú Ngọc, cho biết: “Trong nhiệm kỳ 2020-2025, xã sẽ chú trọng phát triển kinh tế mang tính đột phá. Đột phá đầu tiên là huy động mọi nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông nông thôn nội đồng. Vừa để đi lại cho nhân dân, vừa để vận chuyển nông sản và có thể sau này giãn cách dân cư của địa phương.
Bên cạnh đó, xã sẽ tập trung vào vấn đề cây trồng, vật nuôi. "Địa phương vẫn xác định 3 loại cây là cây xoài, cây điều, cây mía. Đối với diện tích cây xoài, cây điều già cỗi có giá trị thấp thì địa phương sẽ định hướng chuyển đổi cây trồng có giá trị khác hoặc quy hoạch khu chăn nuôi" ông Sang nói.