Khai mạc Lễ hội áo dài TP Hồ Chí Minh lần thứ 7 năm 2020, với chủ đề “Tôi yêu áo dài Việt Nam”
Lãnh đạo TP.HCM mong muốn sau lễ hội, áo dài sẽ tiếp tục trở thành trang phục được lựa chọn thường xuyên của người dân và du khách quốc tế khi đến với Việt Nam và TP.HCM.
Tối 11/10, tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, UBND và Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã tổ chức khai mạc Lễ hội áo dài TP Hồ Chí Minh lần thứ 7 năm 2020, với chủ đề “Tôi yêu áo dài Việt Nam”.
Sự kiện này cũng đánh dấu bước khởi động cho chuỗi các hoạt động của Lễ hội áo dài TP Hồ Chí Minh nhằm tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống và tình yêu với áo dài – một nét di sản văn hoá phi vật thể, trang phục truyền thống độc đáo của người dân Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết, Lễ hội áo dài TP Hồ Chí Minh là hoạt động thiết thực chào mừng sự kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đồng thời hướng đến hưởng ứng chủ đề năm 2020 của Thành phố – Năm đẩy mạnh văn hoá và xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

"Qua 6 lần tổ chức và ngày càng nâng cao chất lượng, Lễ hội áo dài TP Hồ Chí Minh đã trở thành một trong những thương hiệu uy tín của du lịch TP Hồ Chí Minh, là sự kiện du lịch thường niên được du khách trong, ngoài nước đánh giá cao và mong đợi. Đây còn là một trong những sản phẩm cốt lõi của du lịch văn hóa đã được xác định trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh đến năm 2030", ông Nguyễn Thành Phong khẳng định.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, thực hiện chủ trương phát triển du lịch thông minh, đồng thời đảm bảo các biện pháp an toàn phòng dịch, các hoạt động của Lễ hội áo dài TP Hồ Chí Minh năm 2020 được tổ chức với nhiều ứng dụng công nghệ thông minh bên cạnh các chương trình theo hình thức truyền thống. Qua đó, mang đến cho du khách những trải nghiệm ấn tượng về một lễ hội đặc sắc, khác biệt, để hình ảnh chiếc áo dài được lan toả sâu rộng trong cộng đồng và du khách.
“Chúng tôi hy vọng sau lễ hội hôm nay, áo dài sẽ tiếp tục trở thành trang phục được lựa chọn thường xuyên của người dân TP Hồ Chí Minh, du khách quốc tế khi đến với Việt Nam và TP Hồ Chí Minh. Góp phần bảo tồn, phát huy và quảng bá tinh hoa văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế”, ông Nguyễn Thành Phong nói.
Theo Sở Du lịch TP.HCM sau đêm khai mạc, chuỗi hoạt động diễn ra tại các điểm du lịch như Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bưu điện thành phố, các trường Trung học phổ thông, khu công nghiệp với sự tham gia của các nghệ sĩ, người nổi tiếng nhằm truyền cảm hứng về vẻ đẹp, về tính ứng dụng của chiếc áo dài Việt Nam đến thế hệ trẻ.Các Bảo tàng chứng tích Chiến tranh, Bảo tàng áo dài, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ giảm giá vé cho du khách cũng như công chúng thành phố mặc dài đến tham quan, tổ chức khu triễn lãm áo dài theo chủ đề…
Sở Công Thương TP.HCM phối hợp Sở Du lịch vận động các doanh nghiệp, trung tâm thương mại có nhiều hình thức khuyến mại như giảm giá bán vải áo dài, các phụ kiện và trang sức đi cùng với áo dài…
Các doanh nghiệp du lịch tổ chức các chương trình tour kích cầu tham quan Bảo tàng Áo dài, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh… cho du khách.
Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn và các đơn vị lữ hành khách sạn trên địa bàn thành phố phối hợp cùng Sở thiết kế các tour du lịch mới cho du khách hoặc bổ sung thêm nội dung tour gắn với việc tạo điều kiện cho du khách tìm hiểu về áo dài. Góp phần quảng bá áo dài truyền thống của dân tộc.
Bà Võ Ngọc Thuý, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, qua sáu năm, đây là năm đầu tiên lễ hội tổ chức trực tuyến kết hợp sự kiện qua chiến dịch “Tôi yêu Áo dài Việt Nam”. Với ứng dụng công nghệ cá nhân hoá, những người yêu áo dài trên toàn thế giới có thể tự sản xuất video clip của riêng mình dựa trên những video mẫu có sẵn để quảng bá, giới thiệu nét đẹp của tà áo dài và văn hóa áo dài.
“Chúng tôi kỳ vọng 10.000 video được thực hiện từ những người yêu Áo dài trên cả nước và thế giới sẽ mang lễ hội đi khắp thế giới thông qua công nghệ” - bà Thuý nói.
Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 7 kéo dài từ ngày 11-10 đến 20-11.