largeer

Share This Post

SG247

Không đồng ý với kiểu tóc của học trò, một cô giáo chủ nhiệm đã tự lấy kéo cắt tóc của học sinh ngay trên lớp

Hành động này đã vấp phải sự phản đối từ gia đình và tạo nhiều tranh luận trên mạng xã hội trong những ngày qua.

Baodatviet.vn thông tin, vào ngày 22/3, nam sinh T.X.B (học sinh lớp 8 Trường THCS Quang Trung, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) đã bị cô giáo chủ nhiệm là T.T.H lấy kéo cắt tóc ngay trên lớp học vì cho rằng kiểu tóc của em không phù hợp, trông như 'đầu gấu'…

Sự việc xảy ra, ngành Giáo dục TP Nam Định cũng đã vào cuộc xác minh. Qua nắm bắt sự việc được biết, nam sinh này cắt tóc ngắn nhưng để lại một vài sợi tóc dài lai màu thả lõng thõng xuống mặt. Cô giáo chủ nhiệm cũng đã nhắc nhở và yêu cầu em B phải tự cắt đi. Sau nhiều lần nhắc nhở, em B không thực hiện nên cô H đã lấy kéo cắt phần tóc dài đó đi.

7

Phòng GD&ĐT TP Nam Định cho biết, đã yêu cầu đại diện nhà trường và cô giáo chủ nhiệm gặp gỡ, làm việc với học sinh và gia đình để giải thích, làm công tác tư tưởng, mong sự cảm thông và chia sẻ, để học sinh ổn định tâm lý.

Dù sự việc diễn ra không nghiêm trọng, nhưng có thể thấy, sự quan tâm của dư luận xã hội, nhất là cộng đồng mạng xã hội cũng tạo ra những cuộc tranh luận trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, giáo viên vì muốn tốt cho học sinh nên bất đắc dĩ mới phải lấy kéo cắt phần tóc không phù hợp của học sinh.

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, cô giáo làm vậy là thiếu tôn trọng học sinh, gia đình học sinh. Giáo viên mặc dù nhắc nhở nhưng cũng nên trao đổi trước với gia đình để nhận được sự đồng tình, không nên tự ý dùng kéo cắt tóc học sinh trước mặt bạn bè, gây ảnh hưởng tâm lý đến học sinh, phản ứng từ gia đình học sinh.

Thầy Trần Mạnh Tùng - Giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, đại đa số các thầy cô đều hành nghề với sự tận tâm, nhiệt huyết, trách nhiệm và yêu thương học sinh. Các hình thức kỷ luật nếu có cũng chỉ mong xây dựng nề nếp làm việc hiệu quả, mong các em nên người… Tuy nhiên, nhiều hình thức kỷ luật không còn phù hợp, không hiệu quả, thậm chí vi phạm nghiêm trọng các quy tắc ứng xử. Chẳng hạn như: Đánh, véo tai, vụt bằng thước, kéo tóc… Ngay cả việc vì thấy tóc học sinh dài mà giáo viên tự ý dùng kéo cắt tóc cũng là xâm phạm thân thể học sinh.

Về hệ lụy, theo thầy Trần Mạnh Tùng: 'Khi ứng xử không phù hợp với học sinh sẽ tạo ra nỗi đau về tinh thần có khi còn hơn cả nỗi đau thể xác. Hậu quả thường là học sinh không hợp tác, lì hơn và không thật sự tiến bộ. Về phản ứng xã hội sẽ bị lên án, phụ huynh phản ứng, phẫn nộ, thậm chí có những hành động mất kiểm soát. Về quy định khác, thậm chí còn bị phạt tiền đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học'.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, rõ ràng hành vi của cô trước hết là muốn tốt cho học sinh nên mới làm thế. Nhưng hành động này lại là vi phạm về quyền tự do học sinh cần được tôn trọng. Nếu như thấy học sinh có kiểu tóc không phù hợp, giáo viên cần lấy mục tiêu giáo dục làm đầu, đó là khuyên bảo học sinh, phối hợp, giải thích với phụ huynh và có thể cho ý kiến rằng học sinh cần có kiểu tóc phù hợp khi đi học… Giáo viên tự ý cắt tóc là vi phạm, chưa ứng xử theo cách giáo dục và hoàn toàn áp đặt như giáo dục kiểu ngày xưa.

Từ sự việc trên, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: 'Các phương pháp trong nhà trường đều phải mang tính giáo dục, phải dựa trên tự nguyện từ phía học sinh để tránh lạm quyền, áp đặt. Giáo viên phải nhận thức được trong giáo dục phải tôn trọng học sinh, hướng đến các phương pháp là chủ yếu. Giáo viên phải nắm được các phương pháp giáo dục, tâm lý học sinh, đặc biệt không được giáo dục kiểu áp đặt, quyền uy. Làm sao cho học sinh tự nhận thức, tự rèn luyện và hoàn thiện mình. Ngay cả về phía gia đình cũng không nên áp đặt đối với các em, hãy tôn trọng các em để giúp đỡ, giáo dục các em dần dần'.

Tại Điều 28, Nghị định 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giáo dục, quy định mức xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc kỷ luật người học không đúng quy định… Người vi phạm phải xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể.

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công