largeer

Share This Post

SG247

Khu 'đất vàng' Sabeco được định giá hơn 1,2 nghìn tỷ đồng nhưng 'bán'... 196 tỷ đồng?

Theo Danh Kiên / TBCK

Trước khi mất quyền điều hành về công ty của tỉ phú Thái Lan, Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã từng trực tiếp sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) trong hơn hai thập niên.

"Đất vàng" định giá 1,2 ngàn tỷ đồng, giới kinh doanh báo giá khoảng 6.000 tỷ đồng

Khu “đất vàng” này rộng 6.000m2, năm 2004, trên cơ sở đề nghị của Sabeco xin chủ trương đầu tư xây dựng nhà cao tầng, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) có văn bản đồng ý chủ trương di dời văn phòng để đầu tư mới và sử dụng hiệu quả khu đất hơn.

Tháng 12/2007, Văn phòng UBND TP.HCM thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín "chấp thuận, giao Sabeco làm chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu phức hợp. Sabeco có trách nhiệm nộp tiền giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường vào ngân sách TP.HCM theo ý kiến của Bộ Tài chính tại văn bản ngày 6/11/2007".

Ngày 03/2/2007, Chủ tịch HĐQT Sabeco là Nguyễn Bá Thi, HĐQT ban hành nghị quyết số 03/2007/NQ-HĐQT thống nhất chủ trương thay thế đối tác đầu tư và thành lập Công ty cổ phần bất động sản Sabeco (Sabeco Land).

Tuy nhiên, dự án chậm triển khai gây lãng phí trong việc sử dụng tài sản của Sabeco dẫn đến việc Bộ Công Thương quyết định giải thể Sabeco Land.

Được biết, giá trị quyền sử dụng đất của mặt bằng tại địa chỉ 2-4-6 Hai Bà Trưng đã được đánh giá một lần theo giá thị trường Quyết định số 3553/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh ngày 19/7/2011 là 1.236 tỷ đồng.

Theo Thông báo số 119/TB-KTNN ngày 4/2/2015, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Sabeco phải ghi nhận giá trị quyền sử dụng đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng theo Quyết định số 3553 trên báo cáo tài chính 2013 và 2014.

Trước đó, trong báo cáo tài chính của Sabeco vào các năm 2013, 2014, "giá trị định giá khi xác định giá trị doanh nghiệp" ghi khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng là 757 tỷ đồng.

Như vậy, theo Kiểm toán Nhà nước và định giá của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh (năm 2011) thì giá trị thực của khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng phải là 1.236 tỷ đồng.

Hiện nay, theo giới kinh doanh bất động sản, đã từng có giao dịch lên hơn 3 tỉ đồng/m2 cho vị trí hai mặt tiền đường Đồng Khởi - Nguyễn Huệ. Nếu so khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (có vị trí đắc địa bốn mặt tiền đường), giới kinh doanh ước tính mỗi mét vuông đất nơi đây sẽ có giá không dưới 1 tỉ đồng. Như vậy, giá trị thực tế của khu đất vàng này có thể lên đến con số 6.000 tỷ đồng (?!)

…bán 196 tỷ cho doanh nghiệp tư nhân

Tháng 6/2014, từ một văn bản của Bộ Công thương đồng ý chủ trương lựa chọn nhà đầu tư mới thay thế nhóm nhà đầu tư cũ (xin rút), bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco ở thời điểm đó là ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch HĐQT - đã ký báo cáo ngày 8/7/2014, đề xuất nhóm nhà đầu tư thành lập Công ty CP Sabeco Pearl.

Khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng, HĐQT Sabeco dưới thời ông Phan Đăng Tuất chính là những người quyết định góp vốn thành lập Sabeco Pearl để thực hiện dự án.

Công ty CP đầu tư Sabeco Pearl được thành lập vào ngày 14/2/2015 với vốn điều lệ khoảng 567 tỉ đồng.

Ngoài Sabeco, bộ ba nhà đầu tư mới gồm Công ty CP Attland, Công ty CP đầu tư thương mại và dịch vụ Hà An và Công ty CP đầu tư Mê Linh.

Bộ phận quản lý vốn nhà nước của Sabeco đề xuất phương án hợp tác đầu tư với nhóm các nhà đầu tư nói trên bằng cách góp 18% vốn điều lệ bằng tiền mặt, cộng với 8% giá trị được hưởng lợi thế từ khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Theo báo cáo, Sabeco đã đầu tư góp vốn thành lập Công ty CP Đầu tư Sabeco Pearl, một công ty liên kết, trong đó góp vốn bằng tiền mặt là 92 tỷ đồng. Ngoài ra, Tổng Công ty Sabeco Peal cũng đã thống nhất về nghĩa vụ tài chính phải nộp để Sabeco Pearl được quyền sử dụng khu đất tại 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Năm 2012, ông Nguyễn Bá Thi bị Bộ Công thương “trảm” vì liên quan đến nhiều sai phạm mà Thanh tra Chính phủ đã kết luận, ông Phan Đăng Tuất được điều động từ Bộ Công Thương về làm Chủ tịch HĐQT Sabeco. Đề xuất đã được bộ trưởng Bộ Công thương lúc bấy giờ là ông Vũ Huy Hoàng chấp thuận.

Ông Phan Đăng Tuất (sinh năm 1957) giữ chức chủ tịch HĐQT Sabeco từ ngày 1/5/2012, thay ông Nguyễn Bá Thi.
Đến tháng 8/2015 ông Tuất thôi làm Chủ tịch Sabeco và cũng thôi làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp sau hơn 3 năm giữ vị trí. Sau đó, ông được Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm giữ chức vụ Vụ trưởng – Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương kể từ ngày 1/11/2015.

Ngoài ông Phan Đăng Tuất, HĐQT Sabeco thời điểm đó còn có 5 thành viên khác gồm bà Phạm Thị Hồng Hạnh (Tổng giám đốc), ông Bùi Ngọc Hạnh, ông Lê Hồng Xanh, ông Nguyễn Bích Đạt, và ông Vũ Quang Hải (con trai Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, được bầu bổ sung hồi tháng 2/2015).

Trong khi đó, Ban Tổng Giám đốc Sabeco gồm: bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Tổng Giám đốc; các Phó Tổng Giám đốc: Lê Hồng Xanh, Vũ Quang Hải, Nguyễn Minh An, Nguyễn Thành Nam.

Ban Kiểm soát của Tổng Công ty có 3 thành viên do ông làm Trưởng ban. Một trong số những hoạt động của Ban Kiểm soát là “nắm bắt kịp thời về tình hình quản trị điều hành, chú trọng tổ chức thu thập thông tin và thẩm tra xác minh thông tin thận trọng, phân tích đánh giá kỹ lưỡng, đưa ra các ý kiến đóng góp đối với lãnh đạo hoặc các cá nhân có trách nhiệm, hoặc tổng kết báo cáo lãnh đạo Tổng công ty,…”

Theo phương án, Sabeco sẽ được nhận kết quả kinh doanh tương ứng với số vốn góp bằng 26% vốn điều lệ. Các cổ đông còn lại sẽ góp vốn bằng tiền mặt, và nộp tiền sử dụng khu đất khoảng 1.236 tỉ đồng.

Sabeco cũng nói rõ về nguồn vốn của chính mình trong dự án này là "không phải góp vốn đầu tư (dự kiến 3.000 tỉ đồng)".

Các cổ đông còn lại cam kết thu xếp nguồn tiền cho việc triển khai dự án. Đặc biệt, Sabeco báo cáo với Bộ Công thương "Sabeco sẽ chuyển giao quyền sử dụng khu đất cho CTCP (tức Sabeco Pearl - PV) khi được thành lập để khai thác dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng".

Ngày 11/2/2015, hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Sabeco và nhóm các nhà đầu tư chính thức

Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến xấp xỉ 2.423 tỉ đồng. Căn cứ để Sabeco tham gia thành lập Sabeco Pearl được đơn vị này khẳng định "tuân thủ theo chỉ đạo của Bộ Công thương, không vi phạm Luật đất đai 2013, không vi phạm nghị định 94/NĐ-CP về đầu tư ngoài ngành".

Đặc biệt, căn cứ hợp đồng cũng được thực hiện dựa trên một loạt nghị định, nghị quyết, công văn của Bộ Công thương và Sabeco phát hành liên tục từ năm 2013-2015.

Theo báo cáo của Sabeco, khu đất "vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng chỉ được dùng vào mục đích sản xuất kinh doanh và giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ là tạm thời. Sabeco không được tự ý chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê lại, thế chấp sử dụng đất.

Ngày 31/12/2016, Sabeco đã thanh lý toàn bộ cổ phần sở hữu trong Công ty Sabeco Pearl cho Công ty Cổ phần Attland theo Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/HĐ-SABECO/2016 ngày 29 tháng 9 năm 2016 với giá bán là 13.347 VNĐ/cổ phiếu. 196,64 tỉ đồng là số tiền Sabeco thu về sau khi bán 14.733.342 cổ phần tại CTCP Sabeco Pearl (nắm khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng) cho chính các cổ đông sáng lập.

Lúc này, cơ quan chức năng cần làm rõ việc chuyển nhượng khu đất "vàng" của Sabeco tại 2-4-6 Hai Bà Trưng đã gây thiệt hại cho Nhà nước con số bao nhiêu ngàn tỷ đồng? Những cá nhân nào được hưởng lợi từ việc "thâu tóm" khu đất vàng với giá rẻ mạt như trên?

Ngày 27/8, Bộ Công an vừa tống đạt quyết định khởi tố ba bị can liên quan đến dự án "đất vàng" tại địa chỉ 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh về hành vi "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".

Các bị can bị khởi tố nhưng được cho tại ngoại gồm bà Nguyễn Lan Châu - chuyên viên Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh; ông Lâm Nguyên Khôi - nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh và ông Nguyễn Quang Minh - nguyên Trưởng phòng Hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh.

Các bị can bị khởi tố vì liên quan đến việc khu "đất vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1 "biến mất" vào tay tư nhân.

Trước đó, liên quan đến lô "đất vàng" này, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can ông Nguyễn Hữu Tín (sinh năm 1957, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh); ông Đào Anh Kiệt (sinh năm 1957, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP) cùng 3 người khác tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai", quy định tại điều 229 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công