largeer

Share This Post

SG247

Làm rõ uẩn khúc việc cấp "sổ đỏ" cho người mượn đất của UBND quận 12?

Nguồn gốc đất đã rõ thế nhưng không hiểu lý do vì sao hồ sơ xin cấp đất của bà Sương vẫn được chính quyền quận 12 xác nhận và quyết định cấp GCN cho bà Sương?

Xác định nguồn gốc đất là của gia đình ông Châu

Như trước đó Pháp luật Plus đã thông tin phản ánh của ông Lý Văn Châu (SN 1931, ngụ KP 4, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP HCM) về việc dù đất đã được xác nhận nguồn gốc là của gia đình ông cho gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Sương mướn đất, thế nhưng không rõ bằng cách nào bà Sương đã khai báo và được cấp GCN QSDĐ ("sổ đỏ") đối với phần đất 340,4m2 (thửa đất số 552, tờ bản đồ số 56, KP 6, phường Tân Hưng Thuận, quận 12)

Nhiều ý kiến cho rằng việc cấp GCN QSDĐ phần đất 340,4 m2 trên có nhiều nội dung cần được làm rõ.

Cụ thể, việc bà Sương không phải là chủ đất thì liệu có quyền xin cấp GCN QSDĐ và bà Sương cũng không có quyền đứng tên chủ đất trên GCN? Bởi diện tích đất 340,4 m2 mà bà Sương xin cấp GCN nói trên trước đây có nguồn gốc là của bố mẹ ông Châu là bà Nguyễn Thị Ninh và ông Lý Văn Liền để lại.

Khu đất có nguồn gốc của gia đình ông Châu được chính quyền địa phương cấp sổ cho bà Sương.

Theo ông Châu thì năm 1961, mẹ ông ký cho ông Nguyễn Văn Hồ (cha bà Sương) mướn đất với diện tích là 1.045 m2. Sau đó, ông Hồ xây nhà cửa trên đất nói trên để ở. Đến năm 1985, ông Hồ bán căn nhà xây trên diện tích đất 550 m2 cho ông Mục với điều kiện gia đình ông Mục chỉ được quyền ở không được quyền chuyển nhượng. Nếu chuyển nhượng phải có sự đồng ý của ông Châu. Và đến năm 1995, ông Châu đứng ra bán thửa đất dưới căn nhà cho ông Mục. Diện tích còn lại sau khi bán cho ông Mục là 495 m2.

Năm 2004, Nhà nước có chủ trương giải tỏa một phần diện tích đất là 198 m2 để mở rộng đường Trường Chinh. Vì vậy, diện tích đất gia đình ông Châu cho ông Hồ ở nhờ (đã bán 550 m2, bị giải tỏa 198 m2) chỉ còn lại 297 m2 (chưa tính phần diện tích đất bờ kênh trồng cây).

Theo đó việc xác định nguồn gốc đất này được thể hiện trong văn bản 11593/VPĐK-KTĐC ngày 25/7/2018 ( văn bản 11593) và văn bản Trích sao sổ địa bộ số 201 và 202/TS-VPĐK-LT ngày 11/7/2018 của Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở TNMT TP HCM gửi TAND TP HCM.

Cụ thể, theo nội dung tại văn bản số 11593, theo tài liệu bản đồ địa chính năm 2005 thì một phần thửa đất số 49 (thửa chính thức: 552), tờ bản đồ số 56, phường Tân Hưng Thuận, quận 12 chính là một phần các lô đất số 287, 288 tờ bản đồ số 3, Đông Hưng Tân – theo tài liệu trước năm 1975.

Tiếp đó, theo nội dung văn bản trích sao sổ địa bộ số 201, chủ đất của lô đất số 287 trước đấy là bà Nguyễn Thị Ninh (mẹ của ông Châu) còn nội dung văn bản trích sao sổ địa bộ số 202 thì chủ đất của lô đất số 288 trước đấy là ông Lý Văn Liền (bố của ông Châu).

Đất đi mướn vẫn được xét cấp sổ?

Theo Luật sư Nguyễn Văn Bình – Đoàn luật sư TP Hà Nội thì qua hồ sơ vụ việc có thể nhận thấy việc xác nhận nội dung liên quan đến việc cấp GCN cho bà Sương chưa thực sự chính xác, khách quan cụ thể:

Theo hồ sơ thể hiện phần đất tranh chấp có nguồn gốc của gia đình ông Châu.

Theo văn bản ngày 11/9/2013 xác nhận việc cấp GCN cho bà Sương của UBND phường Tân Hưng Thuận có ghi: “Theo tường trình và các chứng từ có liên quan do bà Nguyễn Thị Hồng Sương cung cấp, UBND phường xác nhận như sau: …” và xác nhận tình trạng tranh chấp về đất đai và tài sản gắn liền với đất có ghi: “Hiện nay đất không tranh chấp (trước đây UBND phường đã có biên bản hòa giải thành công vào ngày 30/7/2009)”.

Theo Luật sư Bình thì việc xác nhận trên là chưa thể hiện hết bản chất sự thật về nguồn gốc của phần đất trên. Bởi chính nội dung biên bản hòa giải ngày 30/7/2009 mà phường đề cập trong nội dung xác nhận ngày 11/9/2013 tại phần III có kết luận nêu rõ: “Nếu bà Sương bán nhà và đất tại số nhà 1/23, KP 6, tổ 29, P.Tân Hưng Thuận thì bà Sương sẽ qua thương lượng với ông Lý Văn Châu để bồi hoàn tiền đất theo giá cả lúc bán. Nếu hai bên không thương lượng được và bà Sương không bồi hoàn tiền cho ông Châu thì ông Châu, bà Sương có quyền khởi kiện”.

Kết luận như vậy có nghĩa là các bên đã thừa nhận: Quyền sử dụng đất thuộc về gia đình ông Châu nên bà Sương không được tự ý chuyển nhượng; nếu chuyển nhượng phải thương lượng, bàn bạc và bồi hoàn cho ông Châu theo giá lúc bán. Như vậy, đã là của ông Châu thì tại sao bà Sương lại có quyền tự mình xin cấp GCN và được chính quyền cấp GCN QSDĐ?

Thêm một căn cứ nữa cho thấy, UBND P.Tân Hưng Thuận đã biết rất rõ về nguồn gốc và diễn biến sử dụng thửa đất trên là của gia đình ông Châu nhưng khi xác nhận đã không nêu rõ thông tin này là làm lợi cho bà Sương trong việc cấp GCN. Điều đó được chứng minh cụ thể qua Công văn 356/UBND-ĐC ngày 30/5/2018 của chính UBND phường Tân Hưng Thuận gửi TAND TP HCM (về việc phúc đáp công văn 1239/TATP-TDS ngày 16/3/2018), tại mục 3 gạch đầu dòng thứ 2 công văn có ghi: Về quá trình quản lý sử dụng thửa đất: đất do gia đình ông Lý Văn Châu quản lý sử dụng từ trước năm 1975 và cho ông Nguyễn Văn Hồ thuê đất.

Nguồn gốc đất đã rõ thế nhưng không hiểu lý do vì sao hồ sơ xin cấp đất của bà Sương vẫn được chính quyền quận 12 xác nhận và quyết định cấp GCN cho bà Sương?

Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ những “uẩn khúc” trên, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc.

(Tiêu đề do Saigon247 đặt lại)

Hiếu Nguyễn

Theo Pháp luật PLus

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công