largeer

Share This Post

SG247

Làn sóng người tự phát về quê tiếp tục tăng, nhiều địa phương bối rối vì quá tải

Đến 16 giờ chiều 3/10, đã có hơn 20.000 công dân sinh sống, lao động tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh…, tiếp tục về quê ở các tỉnh Bình Phước, Tây Nguyên và miền Trung. Trong đó có tới… 300 người đi bộ. Dù đã rất nỗ lực, nhưng trước làn sóng người về quê tự phát gia tăng rất cao, nhiều địa phương ở miền Tây đã phải kêu cứu do quá tải đáp ứng cách ly, kiểm soát y tế…

Mới đây, Kinh tế đô thị online chia sẻ, trong số hơn 20.000 người qua chốt kiểm soát dịch Covid-19 Tân Lập (Chốt kiểm soát Tân Lập - PV), xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, có khoảng 300 công dân của Bình Phước được các tổ công tác của các huyện, thị xã, TP Đồng Xoài đón về để cách ly tập trung theo quy định, sau khi đã được test nhanh.

Riêng số người về các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, miền Trung được chia thành nhiều đợt, mỗi đợt từ 1.200 - 1.500 người, riêng đợt 3 vào trưa nay có gần 4.000 công dân, đợt 4 vào thời điểm này có hơn 3.000 người được hộ tống về quê hương.

Sau khi qua khỏi cổng chào giáp tỉnh Bình Dương, người dân phải rẽ vào khu vực khai báo y tế và test nhanh (bên trái) tại chốt kiểm soát Tân Lập.

Sau khi qua khỏi cổng chào giáp tỉnh Bình Dương, người dân phải rẽ vào khu vực khai báo y tế và test nhanh (bên trái) tại chốt kiểm soát Tân Lập.

Cán bộ tại chốt kiểm soát Tân Lập cho biết, mọi người khi qua khỏi cổng chào giáp với huyện Phú Giáo (Bình Dương) phải vào khu vực khai báo y tế, rồi test nhanh, đối với người đã tiêm 1-2 mũi vaccine, có giấy giấy xác nhận test âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực trong vòng 72 giờ, không phải phải test. Sau đó mọi người tiếp tục chờ cho đủ đoàn để lực lượng chức năng dẫn đường gần 100 Km lên tận chốt kiểm soát dịch Covid-19 Phú Sơn, xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng (Bình Phước) giáp với huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông để tỉnh bạn tiếp nhận và dẫn đường cho người về Đắk Lắk.

Cũng theo vị cán bộ ở chốt kiểm soát Tân Lập, chỉ riêng từ 15 giờ chiều 2/10 đến rạng sáng 3/10, đã có hơn 15.600 người qua chốt về quê trong tình trạng mưa rất to. “Chúng tôi đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy cảnh đồng bào mình đội mưa về quê. Tất cả công dân này là những người lao động nghèo bị thất nghiệp bởi dịch Covid-19, mất việc làm, không còn thu nhập, không có tiền trả tiền nhà trọ và mua lương, thực phẩm”, cán bộ cho biết.

Anh Bế Văn Diện (Dân tộc Nùng, SN 1984, nhà ở xã Cư Mốt, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk) dùng xe máy chở vợ và con nhỏ từ huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, đi xuyên đêm về quê. Anh Diện cho biết, mặc dù gia đình anh nằm trong diện được nhận hỗ trợ của Chính phủ, nhưng phải đăng ký nhiều lần mới được địa phương nơi anh cùng vợ con ở trọ hỗ trợ.

“Không còn tiền ở trọ, không còn tiền mua lương thực, mua sữa cho con nhỏ, khi được một số người cùng công ty góp lại cho vay một triệu đồng, vợ chồng tôi quyết định đánh liều dùng số tiền này để đổ xăng, mua thức ăn trên quãng đường về nhà. Hôm nay khi đến chốt kiểm soát Tân Lập, được các anh bộ đội cho con tôi sữa và thức ăn, nước uống. Tôi không biết dùng từ gì để cảm ơn”, anh Diện nói trong nước mắt.

Khi được hỏi nếu về đến tỉnh Đắk Lắk vợ chồng anh sẽ bị cách ly, vì chưa ai được tiêm vaccine phòng dịch Covid-19, đồng thời sẽ phải trả phí 120.000 đồng/người/ngày, thì tiền đâu trả? Anh Diện, thật thà nói: “Về được đến nhà là hạnh phúc rồi, không còn sợ đói nữa. Tiền phí phải nộp (nếu có) sẽ gọi điện cho người thân đem đến nộp đủ và trả cho những người bạn đã cho vợ chồng tôi mượn để đổ xăng về quê”.

Còn theo vị cán bộ tại chốt kiểm soát Tân Lập, đến 16 giờ chiều ngày 3/10, đã có hơn 20.000 người qua chốt, có khoảng 300 người từ Bình Dương… phải đi bộ về quê. 300 người phải đi bộ vì họ bị một số doanh nghiệp có chủ là người Trung Quốc không trả tiền công lao động với lý do dịch bệnh. Tất cả những người đi bộ qua chốt để về quê ở các tỉnh Tây Nguyên đều được tỉnh Bình Phước điều xe hỗ trợ chở họ về đến địa phận tỉnh Đắk Nông và cung cấp nước uống, thức ăn miễn phí.

Thanh niên online cũng thông tin, hơn 500 người từ Bình Dương đi bộ về hướng Tây nguyên

Tối 3.10, lãnh đạo Công an H.Đồng Phú (Bình Phước) cho biết đã bố trí 13 lượt xe khách 45 chỗ chở hơn 500 người từ chốt kiểm soát ĐT741 (xã Tân Lập, H.Đồng Phú, giáp ranh với tỉnh Bình Dương) đến chốt kiểm soát giáp tỉnh Đắk Nông để họ tiếp tục hành trình về quê. Trước đó, từ sáng sớm đến chiều tối cùng ngày, phát hiện những người này đi bộ trên tuyến đường ĐT741, hướng Bình Dương qua Bình Phước để về các tỉnh Tây nguyên, nên Đội phản ứng nhanh H.Phú Giáo (Bình Dương) đã huy động ô tô đưa đến chốt kiểm soát ĐT741 để nhờ giúp đỡ, đồng thời vận động thức ăn, nước uống tiếp tế bà con.

Trong dòng người đi bộ về quê, ngoài ở các tỉnh Tây nguyên như Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai; còn có người tìm đường về các tỉnh phía bắc như Hà Giang, Lai Châu. Phần lớn họ là công nhân, lao động tự do đang sinh sống và làm việc tại Bình Dương. Do không có việc làm, thu nhập nên họ quyết định về quê bằng cách đi bộ vì không có phương tiện di chuyển.

Đáng lưu ý, đến chiều tối 3.10, vẫn còn nhiều người đi bộ tiếp tục kéo về khu vực cửa ngõ vào tỉnh Bình Phước. Đến khoảng 22 giờ, lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước tiếp tục đưa phương tiện đón đoàn người đến địa phận giáp ranh với Đắk Nông để tìm phương án giúp người dân về quê. Đại diện Chốt kiểm soát dịch trên QL14, đoạn giáp ranh giữa Bình Phước và Đắk Nông, cho biết: “Tất cả những người dân sau khi đưa đến đây thì cơ quan chức năng Bình Phước và Đắk Nông họp bàn hỗ trợ. Nếu dân Đắk Nông thì bàn giao địa phương này nhận về, còn người ở xa hơn thì Đắk Nông tiếp tục hỗ trợ đưa đến vùng giáp ranh giao cho tỉnh bạn”.

Cùng ngày, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Cà Mau, cho biết: “Hiện nay, số bà con về đến tỉnh rất đông, có thể lên đến hàng chục ngàn người ngay trong nay mai. Do vậy, phương châm giải quyết là: khi người dân về đến địa phương sẽ được đưa vào các trường học tại TP.Cà Mau để phân ra theo từng huyện; sau đó các huyện cử lực lượng công an lên đón bà con của huyện mình về, đảm bảo an toàn nhất cho người dân”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, khi bà con về đến huyện sẽ được tiếp tục đưa vào các trường học để phân loại. Nếu số lượng về huyện nhiều thì tiếp tục phân về các xã, cho cách ly tại các trường học, tiếp tục sàng lọc. Ai đủ điều kiện thì về cách ly tại gia đình, ai không đủ điều kiện thì cách ly tại trường học ở xã.

Tại Sóc Trăng, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết chỉ trong vài ngày qua tỉnh ghi nhận gần 30.000 người dân tự về quê; trong đó riêng đêm 2.10 có khoảng 20.000 người. Sau khi xét nghiệm (XN), người ở địa phương nào sẽ được lực lượng chức năng dẫn đường đưa về địa phương đó, cách ly tập trung tại các trường học được trưng dụng làm khu cách ly.

Để giảm tải cho các khu cách ly tập trung, một số địa phương quy định những người trở về từ vùng dịch nếu có chứng nhận đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 (trong đó liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc có giấy xác nhận đã được điều trị khỏi bệnh Covid-19, XN PCR có kết quả âm tính, thì được về nhà cách ly tại nhà. Đối với người đã tiêm mũi 1 vắc xin phòng Covid-19 thì thực hiện cách ly tập trung 7 ngày kể từ ngày về địa phương thực hiện XN 3 lần vào ngày 1, ngày thứ 3 bằng test nhanh kháng nguyên, ngày thứ 7 XN bằng phương pháp PCR; nếu kết quả XN âm tính thì tiếp tục cách ly y tế tại nhà 7 ngày…

Người dân Cà Mau về quê đang chờ lực lượng công an huyện đón về địa phương cư trú: GIA BÁCH

Người dân Cà Mau về quê đang chờ lực lượng công an huyện đón về địa phương cư trú: GIA BÁCH

Kiến nghị tạm ngưng cho người dân tự về quê

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, thông tin chỉ từ 30.9 - 3.10, địa phương tiếp đón gần 11.000 người dân từ TP.HCM, Bình Dương, Long An… về tỉnh bằng xe gắn máy, qua XN ghi nhận gần 50 F0. “Mọi việc quá bất ngờ, không thể ngờ rằng lượng người về quê đông như vậy, tỉnh phải tận dụng các trường học làm điểm cách ly người dân. Tôi có kiến nghị với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cần hỗ trợ ngay cho các tỉnh ĐBSCL sinh phẩm, thiết bị XN vì số lượng người dân về quá nhiều nên các tỉnh không thể đảm đương nổi. Phải hỗ trợ các tỉnh vắc xin để tiêm phủ cho người dân, tăng cường đề kháng cho người dân tại tỉnh và những người trở về đợt này. Đồng thời phải có chính sách hỗ trợ lao động tại TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ để họ an tâm ở lại làm việc”, ông Nghĩa nói.

Việc xuất hiện nhiều người nhiễm Covid-19 trong dòng người tự phát trở về quê cũng khiến cho lãnh đạo nhiều địa phương ở miền Tây lo lắng. Đơn cử tại An Giang, qua xét nghiệm 7.000 người ghi nhận hơn 30 F0; Vĩnh Long phát hiện 4 F0; Cà Mau kết quả xét nghiệm hơn 1.000 người trong tổng số 6.000 người về quê, phát hiện 25 F0…

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, chia sẻ: “Tôi đã kiến nghị T.Ư tạm dừng cho dân về quê ít nhất 14 ngày vì các khu cách ly và các trường học của tỉnh đã quá tải”. Tương tự, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cũng cho rằng năng lực tiếp nhận của tỉnh có hạn, nếu người dân tiếp tục về sẽ… vỡ trận. “Sóc Trăng đã kiến nghị Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tạm ngưng cho người dân tự về quê. Thời gian tạm ngưng tiếp nhận 15 ngày. Trong thời gian này, các địa phương chuẩn bị mọi mặt và lo chu đáo cho số bà con đã về. Sau khi ổn định, tỉnh sẽ xin ý kiến tiếp”, ông Lâu thông tin.

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công