Live stream quảng cáo hàng cấm rầm rộ trên mạng mà không bị xử lý
Thời gian gần đây, những live stream quảng cáo hàng cấm, hàng giả, kém chất lượng xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội khiến người tiêu dùng như lọt vào mê trận. Không khó để bạn bắt gặp những đoạn live stream quảng cáo thuốc lá dùng pin sạc với đầy đủ các loại hương vị trái cây để cai nghiện thuốc lá.
Thông tin trên Phunuonline.com.vn, chỉ cần gõ từ khóa “thuốc lá điện tử” trên công cụ tìm kiếm của Facebook, người dùng có thể bắt gặp hàng loạt trang, nhóm, hình ảnh, video quảng cáo liên quan đến mặt hàng cấm này.

Vợ mới sinh con nên anh Nguyễn Việt (quận Bình Tân, TPHCM) có ý định bỏ thuốc lá. Tình cờ thấy một đoạn live stream (quay và phát trực tiếp) hướng dẫn sử dụng “tinh dầu” hương trái cây được quảng cáo là chất giúp bỏ thuốc nên anh mua về dùng thử. Thực chất, loại “tinh dầu” này là thuốc lá điện tử, chưa được phép lưu hành và có khả năng độc hại.
Trước thực trạng trên, từ cuối tháng 7/2020, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường phòng, chống buôn lậu; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha.
Theo Bộ Y tế, mặt hàng nói trên chưa được phép lưu hành tại Việt Nam, được nhập về qua đường xách tay và buôn lậu nhưng lại được mua bán, quảng cáo, giới thiệu công khai trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử. Bên cạnh đó, có nhiều điểm mua bán công khai trên thị trường TP. Hà Nội và TPHCM. Nhiều điểm bán gần trường học, nhắm vào đối tượng khách hàng là trẻ em, học sinh.
Bộ Y tế cho rằng, việc kinh doanh, quảng cáo ngày càng tràn lan nói trên vi phạm quy định pháp luật, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, nhất là trẻ em, học sinh, sinh viên. Bộ này đề nghị Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và chính quyền các địa phương tăng cường xử lý.

Không chỉ quảng cáo hàng cấm, mới đây, nhiều người dùng mạng xã hội bất ngờ khi thấy Lê Văn Phú (tức Phú Lê, tạm trú tại TP. Hà Nội) quảng cáo cho game (trò chơi) đánh bài. Đáng nói, thời điểm xuất hiện trên quảng cáo, Lê Văn Phú đã bị cơ quan điều tra tạm giữ về hành vi “cố ý gây thương tích”.
Trước đó, “giang hồ mạng” Phú Lê thường xuyên xuất hiện cùng vợ mình trên các live stream quảng cáo thực phẩm chức năng chưa có giấy phép lưu hành và việc live stream quảng cáo này diễn ra công khai trên mạng xã hội trong một thời gian dài.
Sự phát triển của mạng xã hội khiến “không gian mạng” trở thành một kênh tiếp cận khách hàng hữu hiệu. Tuy nhiên, không ít đối tượng bán hàng giả, hàng kém chất lượng lợi dụng “kênh” này để bán hàng.
Quảng cáo hàng cấm, hàng lậu xuất hiện nhan nhản trên các trang mạng xã hội. Cùng với đó, hình thức quảng cáo bán hàng phản cảm cũng đang nở rộ.
Những live stream bán hàng phụ nữ ăn mặc hở hang, thao thao bất tuyệt về chất lượng những chiếc áo thun mình đang bán. Để thuyết phục người mua, người này liên tục chỉ vào ngực, mông và liên tục để lộ hình ảnh thay đồ, chỉ mặc mỗi áo ngực.
Tuy quảng cáo rất phản cảm nhưng lượt live stream của người này được hàng ngàn người theo dõi và rất nhiều comment (bình luận) đặt hàng. Chị Thu Ngân (quận Tân Phú, TPHCM) bức xúc: “Cứ mở Facebook lên là lập tức mấy cô mặc đồ hở hang bán kính, quần áo hiện lên, vì họ chạy quảng cáo. Người lớn xem thì không sao, nhưng việc trẻ em cũng tiếp cận được những quảng cáo trên là rất đáng báo động”.
Vi phạm về quảng cáo trên mạng xã hội xảy ra khá nhiều, nhưng các địa phương lại lúng túng vì chưa biết xử lý thế nào. Mới đây, Phòng Văn hóa và Thông tin quận 3 (TPHCM) đã có văn bản đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính về quảng cáo trên website, mạng xã hội. Phía doanh nghiệp quảng cáo cũng lúng túng với thủ tục xin phép quảng cáo trên trang thông tin điện tử, thương mại điện tử.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, qua rà soát quảng cáo, sở nhận thấy, tại các siêu thị, nhà ga, thang máy chung cư và ở các vỉa hè, bến xe, khu kinh doanh, giải trí… có nhiều màn hình led kết nối internet để quảng cáo. Qua kiểm tra, sở này ghi nhận một số tổ chức, cá nhân đang quảng cáo rượu có nồng độ cồn trên 150 và bia trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; quảng cáo thuốc lá, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng chưa được phép lưu hành; quảng cáo trò chơi điện tử mang tính chất bạo lực, khiêu dâm; quảng cáo vi phạm văn hóa, thuần phong mỹ tục…
Điều đáng nói, có nhiều mẩu quảng cáo trong nhà và ngoài trời (indoor, outdoor) trên màn hình led kết nối internet, thiết bị quảng cáo công nghệ nhưng chưa thể xác định rõ thẩm quyền quản lý và thanh tra, xử lý thuộc ngành thông tin truyền thông, ngành văn hóa - thể thao và du lịch hay các ngành khác.
Luật Quảng cáo được ban hành năm 2012 và một năm sau, Chính phủ đã ban hành Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật, trong đó quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông. Nhưng đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 181/2013/NĐ-CP.
Do đó, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành thông tư hướng dẫn để đơn vị này có cơ sở tham mưu UBND TPHCM ban hành kế hoạch quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin tại TPHCM.