largeer

Share This Post

Diễn đàn Nông sản

Lúa hữu cơ 'hồi sinh' trên cánh đồng hạn mặn ở Gò Công Đông

Gò Công Đông là vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng của hạn, mặn mỗi khi lũ về muộn. Nhưng bằng sự cần cù bám đồng ruộng, chủ động thích nghi trước biến đổi khí hậu, những người nông dân nơi đây đã chuyển sang trồng lúa hướng hữu cơ để 'hồi sinh' vùng đất khắc nghiệt, nâng cao giá trị hạt lúa bù cắt vụ, thu lãi lớn.

Qua 4 năm gắn bó với mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ, những nông dân ở HTX dịch vụ nông nghiệp Tăng Hòa (xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông) nhận thấy cái được lớn nhất khi làm lúa hữu cơ là sức khỏe người sản xuất được đảm bảo, giảm chi phí đầu tư và ít sâu bệnh hại, giá bán cao hơn. Từ đó làm điểm tựa cho mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo sạch của tỉnh Tiền Giang.

Trên những cánh đồng nhiễm mặn ở Tăng Hòa, ít ai ngờ rằng nơi đây có thể làm giàu từ cây lúa hữu cơ. Là người tiên phong áp dụng mô hình này tại địa phương, ông Nguyễn Văn Nhẫn, Giám đốc HTX Tăng Hòa có nhiều kinh nghiệm ứng dụng khoa học kỹ thuật ứng phó với biến đổi khí hậu, đưa nhiều cách làm hay, mới về làm giàu cho các thành viên.

Empty

Tính đến thời điểm này, ông đã có 6 năm gắn bó với mô hình trồng lúa hữu cơ. Làm lúa hữu cơ tuy vất vả công chăm sóc, năng suất không cao hơn so với kiểu đại trà nhưng bù lại chất lượng gạo rất ngon, sức khỏe người sản xuất được đảm bảo, ruộng đồng sạch sẽ, đặc biệt tránh được thiên tai.

Ông Nhẫn kể lại, những vụ lúa đầu tiên, năng suất lúa chỉ đạt 4 - 4,5 tấn/ha (trong khi sản xuất truyền thống đạt từ 6 - 7 tấn/ha), song bù lại giá thành sản xuất thấp do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học.

Qua kinh nghiệm từng vụ, ông nghiên cứu, học hỏi thêm và cải tiến kỹ thuật phù hợp, từ đó năng suất lúa đã tăng từ thấp hơn đến bằng hoặc cao hơn so với sản xuất truyền thống.

Empty

Từ những thành công của bản thân, ông Nhẫn mong muốn được lan tỏa mô hình sản xuất hữu cơ cho tất cả mọi người, đến năm 2017, HTX Tăng Hòa được thành lập, do ông làm Giám đốc. Ban đầu, HTX chỉ có 30 thành viên, đến nay đã tăng lên hơn 60 thành viên sản xuất trên diện tích 400ha, trong đó có gần 200ha trồng theo hướng hữu cơ, sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Đối với giống lúa Nàng hoa 9, trung bình năng suất đạt khoảng 6 tấn/ha. Khi tham gia sản xuất lúa sạch, thành viên sẽ thu lợi nhuận cao hơn so với sản xuất theo kiểu truyền thống khoảng 6 triệu đồng/ha, cho chất lượng gạo đặc trưng, ngon hơn trồng tại các vùng khác.

Sau mỗi vụ thu hoạch, HTX đều lấy mẫu phân tích tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại Công ty Eurofins Sắc ký Hải Đăng. Kết quả thử nghiệm cho thấy, ngoài việc cho cho hàm lượng dinh dưỡng cao, toàn bộ 47 chỉ tiêu về tồn dư hóa chất đều đạt tiêu chuẩn cho phép, không phát hiện về hoá sinh, dư lượng thuốc BVTV và kim loại nặng.

Với quy trình sản xuất nghiêm ngặt, không sử dụng phân hóa học, kích thích sinh trưởng, chỉ được bón phân chuồng ủ hoai mục bằng Trichoderma, sử dụng chế phẩm BVTV solo organic, sản phẩm lúa thu hoạch đảm bảo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Nhờ đó, lúa trên đồng cứng cáp trong nắng gió, “sống khỏe” trước hạn mặn, hạn hán khắc nghiệt. Năng suất thu hoạch tăng lên 55 tạ/ha, rồi 60 tạ/ha. Người nông dân Tăng Hòa ngày càng vững chắc lòng tin khi nhìn ra đồng ruộng, người chưa làm được cũng mong mỏi muốn được tham gia.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiến hành sử dụng máy cấy lúa giúp nông dân giảm lượng lúa giống so với cách gieo sạ thông thường. Trung bình 1 ha lúa sử dụng máy cấy chỉ cần 50kg lúa giống nhưng lại cho năng suất cao hơn.

Mặt khác, khi cấy theo hàng, nông dân sẽ dễ dàng khử lẫn các loại giống khác, đáp ứng yêu cầu về chất lượng lúa giống.

Chị Hồ Huệ, thành viên HTX Tăng Hòa chia sẻ: “Năm 2017, tôi thử nghiệm áp dụng mô hình canh tác hữu cơ trên 1ha, bởi ban đầu cũng chưa thực sự tin tưởng, ngại thay đổi vì từ trước đến nay đã quá quen với canh tác kiểu cũ. Sau khi được HTX, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình canh tác, tôi áp dụng theo và cho kết quả khả quan ngay từ vụ đầu, nên từ những vụ sau, diện tích lúa hữu cơ của gia đình được nhân rộng. Bên cạnh việc được bao tiêu, không lo rớt giá, trồng lúa theo hướng hữu cơ còn phục hồi được hệ sinh thái trên đồng ruộng và đảm bảo được sức khỏe cho người sản xuất lẫn người tiêu thụ”.

Cụ thể, vụ Hè thu vừa thu hoạch, gia đình chị Huệ thu 6 tấn/ha và được HTX thu mua lúa Nàng hoa 9 với giá từ 6.000 - 6.100 đồng/kg, cao hơn bán cho thương lái khoảng 200 đồng/kg.

Từ đó đến nay, chị Huệ luôn đi đầu trong việc làm lúa hữu cơ, ngoài ra chị còn tích cực hướng dẫn các hộ xung quanh, nông dân nơi khác đến tham quan cùng áp dụng quy trình.

Theo ông Nhẫn, đối với mô hình sản xuất lúa hữu cơ, HTX đang liên kết tiêu thụ với 2 doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh gồm: Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Quy Nguyên và Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ nông nghiệp Xuân Hương, một phần nhỏ tiêu thụ trong nước, phần lớn còn lại được đóng gói xuất khẩu đi Nhật, Singapore và châu Âu. Các doanh nghiệp này bao tiêu toàn bộ sản phẩm lúa sạch của HTX và đầu tư phân bón lá miễn phí cho nông dân.

Riêng đối với những thành viên nằm ngoài mô hình sản xuất lúa hữu cơ, HTX liên kết với Công ty Lương thực Tiền Giang và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát (TP. Cần Thơ) để thu mua lúa, giá cao hơn thị trường khoảng 100 đồng/kg.

Thời điểm hiện tại đã có nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa sạch của HTX. Vì thế, vụ tiếp theo, HTX sẽ mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ kết hợp ứng dụng khoa học kỹ thuật lên 100 ha. Thời gian tới, HTX đặt mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo cho riêng mình để tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); liên hệ với các ngành chức năng để đăng ký thêm tiêu chuẩn VietGAP, thiết kế bao bì.

Theo Vnbusiness.vn

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công