largeer

Share This Post

SG247

Luật sư Phạm Duy Hiển cật lực lên án hành vi vi phạm pháp luật của các Youtuber

Mới đây, trên báo Thanh Niên có bài viết phản ánh với nội dung môt nữ giáo viên tiểu học ở TP.HCM bị 10 Youtuber giật khẩu trang, quay clip đánh mình ở quận Gò Vấp, TP HCM khiến bà bị thương, phải đến bệnh viện sơ cứu. Luật sư Phạm Duy Hiển đã có những chia sẻ và lên án hành vi có dấu hiệu vi phạm phát luật của các Youtuber.

Ngày 11/2, trên báo Thanh Niên có bài viết “Xôn xao chuyện cô giáo tố bị Youtuber quay clip đánh ở TP.HCM” có nội dung: “bà Đ.T.C (49 tuổi, tạm trú Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết cơ thể vẫn còn đau nhức sau khi bị 10 YouTuber xông vào giật khẩu trang, quay clip đánh khi vừa đi về trước cửa nhà.

Theo lời của bà C, ngày 9.2, bà C. đi về Bình Dương nhận một số tiền. Đến khoảng 16 giờ, bà quay về nhà tại P.6, Q.Gò Vấp thì có 1 YouTuber cầm điện thoại chĩa thẳng mặt bà quay phim. Bà C. dùng 2 tay hất xuống và yêu cầu người này không được quay nữa.

Bà C. kể: "Vậy nhưng người này cứ vừa quay vừa nói "con Đ.L là con lừa đảo", "Con Đ.L đây rồi". Tôi phản kháng nói nhầm người rồi, tôi không phải Đ.L nhưng một người khác trong quán cà phê đối diện lao ra rất nhanh, đưa 2 tay bóp cổ, đè tôi xuống đường. Lúc này, trên lưng tôi vẫn đeo ba lô chứa máy tính và tài liệu. Một số người đàn ông khác to khỏe cũng tới đạp vào đùi tôi. Tôi càng cố giải thích là nhầm người rồi thì họ càng đánh".

Nơi xảy ra sự việc trên địa bàn phường 6, quận Gò Vấp

Nơi xảy ra sự việc trên địa bàn phường 6, quận Gò Vấp

Theo lời bà C., trong số những người đánh bà có một người đã giật khẩu trang, kéo cổ áo khoác bà xuống. Những người xung quanh chứng kiến nhưng không ai can ngăn hay gọi công an cho đến khi em bà từ trong nhà đi ra.

Bà C. cho biết, bà yêu cầu được lấy CMND, các giấy tờ ra để chứng minh bà không phải Đ.L nhưng các YouTuber không chịu. "Họ nói có đốt ra tro vẫn nhận ra tôi là Đ.L. Hơn 10 người nhục mạ tôi như vậy, trong khi tôi không làm gì nên tội", cô giáo tiểu học chia sẻ.

Đến khi vào bệnh viện sơ cứu, bà C. cho biết mình phát hiện mất sợi dây chuyền vàng đeo trên cổ và bọc tiền đeo bên người. "Tôi đi lấy tiền về, có camera ghi lại cảnh nhận tiền từ Bình Dương. Một số tôi để trong cốp xe, một số đeo bên mình để đề phòng, nhưng xảy ra sự việc thì lại mất nữ trang và tiền trên người. Hôm sau tôi phải đi taxi đến trường đau đớn nhận lớp", bà C. cho hay. Bà cũng đã trình báo chi tiết mất tài sản này với cơ quan công an.

Trả lời Thanh Niên cùng ngày, ông Phan Đình An, Chủ tịch UBND P.6, Q.Gò Vấp, TP.HCM cho biết , theo báo cáo từ công an vào ngày 9.2 có xô xát giữa 2 cá nhân với nhau do hiểu nhầm về nợ nần. Cả 2 đã được đưa về Công an P.6 lấy lời khai, chuyển Công an Q.Gò Vấp giám định và chờ kết quả”.

Trước sự việc gây bức xúc dư luận, Luật sư Phạm Duy Hiển, trưởng văn phòng Luật sư Phạm Duy, Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lên án hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các Youtuber đối với bà C.

Luật sư Phạm Duy Hiển cho biết, hành vi ghi hình của các Youtuber khi chưa được sự đồng ý của bà C là vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh và quyền đời sống riêng tư, bí mật cá nhân. Mọi hành vi sử dụng hình ảnh, công khai đời sống riêng tư của người khác dưới bất kỳ hình thức nào mà không có sự đồng ý của người đó (trừ những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 32 Bộ Luật Dân Sự 2015) đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ mà các hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 – 20.000.000 đồng. Biện pháp khác phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Trường hợp sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, với hình phạt có thể là phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Bức xúc trước hành vi vi phạm pháp luật của các Youtuber, Luật sư Hiển nhấn mạnh, người vi phạm có trách nhiệm gỡ bỏ ngay lập tức những nội dung vi phạm đến hình ảnh của người khác, bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra theo quy định tại Điều 592 “Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín vị xâm phạm” và phải xin lỗi, cải chính công khai theo quy định tại Điều 307, Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015.

Đối với hành vi đánh hội đồng của gần 10 Youtuber khiến bà C bị thương có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác có tổ chức theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.

Luật sư Phạm Duy Hiển bày tỏ, hành vi quay clip hình ảnh giáo viên tiểu học bị giật khẩu trang, đánh hội đồng và sử dụng thông tin sai sự thật không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến cá nhân người bị hại mà còn ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội. Bởi, khi clip được phát tán lên mạng xã hội dẫn đến nhiều hiệu ứng xấu không thể lường trước, ảnh hưởng đến cơ quan, tổ chức, công việc của người bị hại.

Do đó, cần xử lý nghiêm hành vi vi phạm của các Youtuber để chấn an dư luận, giữ gìn trật tự xã hội và không gian mạng, bảo vệ hình ảnh cá nhân, bí mật đời sống riêng tư của người dân.

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công