largeer

Share This Post

SG247

Ngày thứ 26 liên tiếp không có ca lây lan trong cộng đồng, dịch COVID-19 vẫn dễ bùng phát vào mùa lạnh

Tính tới sáng 28/9, Việt Nam ghi nhận 1.074 trường hợp mắc COVID-19. Nước ta bước sang ngày thứ 26 liên tiếp không có ca lây lan trong cộng đồng, dịch đã được kiểm soát tại các địa phương. Tuy nhiên mùa lạnh sắp tới sẽ rất dễ khiến dịch lây lan nếu phát sinh mầm bệnh.

Theo TS Đặng Quang Tấn – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời gian tới nước ta có thể ghi nhận các trường hợp mắc mới từ các ổ dịch cũ hoặc lây nhiễm từ trường hợp nhập cảnh. Đặc biệt khi Việt Nam mở lại các đường bay thương mại quốc tế.

Các chuyên gia cũng nhận định công tác phòng, chống dịch sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi mùa đông sắp đến, bởi đây là điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus phát triển, lây lan.

Để tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu kép vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Y tế khuyến cáo cộng đồng tiếp tục thực hiện các giải pháp như: Chỉ đạo các địa phương xây dựng các phương án tổ chức cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm COVID-19 và cách ly theo dõi sức khỏe phù hợp đối với nhóm đối tượng nhập cảnh khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế.

Chuyên gia nhận định, dịch COVID-19 tại Việt Nam sẽ khó kiểm soát hơn vào mùa đông. (Ảnh minh họa)

Chuyên gia nhận định, dịch COVID-19 tại Việt Nam sẽ khó kiểm soát hơn vào mùa đông. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, cộng đồng cần thực hiện đầy đủ các khuyến cáo phòng, chống dịch trong tình hình mới, thực hiện tốt thông điệp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế.

Theo Tiểu Ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19, tính tới thời điểm này, cả nước hiện có 16.829 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được cách ly. Nước ta có 999/1.074 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Trong số các bệnh nhân còn lại, 3 người có kết quả xét nghiệm âm tính 1 lần, 4 người âm tính lần 2 và 12 ca âm tính lần 3 với SARS-CoV-2.

Hiện, số ca tử vong ở nước ta là 35 ca. Đa phần các trường hợp tử vong đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, tiểu đường type 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.

Theo Bộ Y tế, đến nay, dịch COVID-19 trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu chững lại, đặc biệt tại một số nước sau khi thực hiện nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch đã bùng phát dịch trở lại, dự báo trong thời gian tới số ca bệnh còn tiếp tục gia tăng. Tại Việt Nam, nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn luôn hiện hữu; vì vậy, cần có giải pháp phù hợp chung sống an toàn.

“Để luôn chủ động phòng dịch, trước mắt cần đặc biệt tập trung phòng chống tại các bệnh viện, nhất là tại các khoa Hô hấp, nơi có nguy cơ cao dễ bắt nguồn các đợt dịch, vì những người mắc bệnh sẽ đi bệnh viện khám trước tiên, trong khi bệnh viện phần lớn là người sức khoẻ yếu, người già, dễ mắc bệnh và biến chứng nặng. Bệnh viện cũng là khu vực có đặc điểm nhỏ hẹp, không thông thoáng khí, sử dụng điều hoà nhiệt độ tập trung, nên dễ lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, phải kiểm soát chặt những người từ nước ngoài vào cả từ cửa khẩu chính thức và không chính thức”, PGS. Nguyễn Huy Nga khuyến cáo.

Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú ý đến những người cao tuổi, người có bệnh nền phải tiếp tục bảo vệ sức khoẻ và thực hiện các biện pháp phòng dịch thật tốt, liên tục dùng khẩu trang y tế và sát khuẩn tay. Với trẻ em và những người chưa tiêm phòng cúm, nếu có điều kiện nên tiêm mũi vắc xin phòng cúm; đặc biệt các cán bộ y tế trong bệnh viện là những đối tượng nguy cơ cũng nên được tiêm phòng cúm đầy đủ để tránh những dấu hiệu nhầm lẫn trong mùa đông tới.

Để phòng chống dịch trong trạng thái “bình thường mới”, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, nhất là khi đi ra ngoài và khi về nhà. Bên cạnh đó, hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết; hạn chế tụ tập đông người; giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét tại các khu vực công cộng.

Mỗi hộ gia đình cần thực hiện vệ sinh nhà cửa, lau bề mặt, nền nhà, vật dụng bằng các chất tẩy rửa thông thường. Đặc biệt đối với vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, công tắc điện... vệ sinh ít nhất 1 lần/ngày... Người dân cũng cần kiểm tra thân nhiệt hàng ngày, thông báo kịp thời với cơ sở y tế các trường hợp có dấu hiệu sốt, ho, khó thở.

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công