An Khê

2025-05-20 08:30:00

Nguy hiểm trong phòng điều hòa kín – thật hay tin đồn?

Việc ngủ trong phòng bật điều hòa và đóng kín cửa là thói quen phổ biến trong nhiều gia đình hiện nay. Tuy nhiên, không ít người lo ngại điều này có thể gây nguy hiểm, thậm chí "chết ngạt". Vậy thực hư thế nào?

Theo tìm hiểu, dưới góc nhìn khoa học, việc ngủ trong phòng điều hòa kín không gây nguy hiểm đến tính mạng – nếu bạn hiểu đúng và duy trì thông khí hợp lý. Cùng tìm hiểu kỹ về điều hoà không khí dưới đây nhé!

Điều hòa không sinh khí độc – CO₂ đến từ đâu?

Trước hết, cần làm rõ: máy điều hòa không sinh ra CO₂ và cũng không tiêu hao oxy trong phòng. Nguồn CO₂ duy nhất đến từ hô hấp của con người. Khi bạn ngủ trong một căn phòng kín, lượng khí CO₂ từ hơi thở sẽ dần tích tụ nếu không có sự lưu thông không khí.

Ví dụ thực tế: Một căn phòng ngủ tiêu chuẩn rộng 20 m², cao 3 m chứa khoảng 60.000 lít không khí. Trong suốt 8 giờ ngủ, một người trưởng thành sẽ thải ra khoảng 120–160 lít CO₂, tương đương nồng độ khoảng 2.600 ppm. Đây là mức vẫn trong giới hạn an toàn, đặc biệt nếu phòng có các khe hở nhỏ qua cửa, tường hoặc trần.

Ngưỡng CO₂ bao nhiêu thì nguy hiểm?

Theo quy định của Cục An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Hoa Kỳ (OSHA):

  • Nồng độ CO₂ dưới 5.000 ppm trong 8 giờ là an toàn.
  • Trên 40.000 ppm mới có nguy cơ gây ngạt và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Điều này đồng nghĩa với việc: trong điều kiện sinh hoạt thông thường, kể cả khi cửa đóng, rất khó đạt đến mức CO₂ nguy hiểm, nhất là khi nhà ở vẫn có các khe thông khí tự nhiên.

nguoi-lon-khi-ngu-de-26-27-do

Rụng tóc, ngạt thở do điều hòa? chưa có bằng chứng khoa học

Một số ý kiến lan truyền trên mạng xã hội cho rằng, ngủ máy lạnh trong phòng kín gây rụng tóc, thậm chí “chết ngạt trong khi ngủ”. Tuy nhiên,  theo TS. Nguyễn Hồng Vũ – chuyên gia y sinh học – chia sẻ trên kênh Alo Bác sĩ 

Chưa có bằng chứng nào cho thấy mức CO₂ khoảng 2.000–5.000 ppm gây rụng tóc hoặc nguy hiểm đến tính mạng. Ở mức này, người nhạy cảm có thể cảm thấy hơi mệt, đau đầu nhẹ hoặc tỉnh dậy không sảng khoái, nhưng hoàn toàn không gây ngạt thở.”

Làm sao để ngủ điều hòa an toàn và dễ chịu?

Mặc dù không nguy hiểm, việc thông khí hợp lý sẽ giúp giảm tình trạng mệt mỏi khi ngủ dậy và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Dưới đây là những cách đơn giản nhưng hiệu quả:

  • Tạo khe hở nhỏ gần trần nhà (khoảng 5–10 cm²) để khí CO₂ dễ dàng thoát ra ngoài.
  • Mở hé cửa sổ hoặc cửa ra vào khoảng 0,5–1 cm, kết hợp sử dụng quạt đối lưu để luân chuyển không khí.
  • Lắp quạt thông gió mini đặt ở vị trí cao, giúp đưa khí thải ra ngoài mà không ảnh hưởng nhiều đến hiệu suất làm mát.
  • Nếu điều hòa có chế độ Fresh Air (lấy gió ngoài), nên sử dụng định kỳ để tăng cường trao đổi không khí.

Lời khuyên khi sử dụng điều hoà: Ngủ trong phòng bật điều hòa và đóng kín cửa không gây nguy hiểm đến tính mạng, như một số tin đồn thiếu căn cứ. Tuy nhiên, để tránh cảm giác mệt mỏi, đau đầu do CO₂ tích tụ, bạn nên đảm bảo phòng có khe thoáng hoặc biện pháp lưu thông khí phù hợp.

Điều hòa không “giết người”, nhưng thiếu hiểu biết về thông khí thì hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và sức khỏe lâu dài. Khoa học là chìa khóa giúp bạn an tâm tận hưởng giấc ngủ mát mẻ, an toàn trong mùa hè.