largeer

Share This Post

Diễn đàn Nông sản

Nhịp đập nông sản 60s: Bơ Booth rụng đầy gốc vì rớt giá, xuất khẩu rau củ tăng trưởng trở lại

Thời gian gần đây nông dân Đắk Lắk sầu lòng vì đặc sản bơ booth từng có giá trăm nghìn/kg giờ rớt giá, chẳng ai mua để rụng đầy gốc. Tuần vừa qua ghi nhận xuất khẩu rau củ tăng trưởng trở lại, vượt mức âm.

Bơ booth rụng đầy gốc

Đắk Lắk đang vào mùa bơ booth (từ tháng 9 đến tháng 11), nhưng nhiều vườn không có thương lái mua bơ, dân đành bỏ mặc cho quả rụng đầy gốc.

Nhiều vườn bơ tại xã Ea Kao, Buôn Ma Thuột gần như bị người dân “bỏ mặc”. Bơ bắt đầu chín nhưng vắng chủ, quả bơ rụng thối, hỏng lăn lóc đầy vườn, rẫy.

Empty

Tại thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’Gar (Đắk Lắk), bà Nguyễn Thị Gác buồn rầu cho biết, đầu tháng 9, thương lái vào nhẩm tính vườn bơ booth của bà ước đạt khoảng 7-8 tạ quả nên trả giá 3 triệu đồng. Thấy rẻ, bà Gác không đồng ý bán. Nào ngờ, giá bơ ngày càng giảm, thương lái thì chẳng thấy đâu còn vườn bơ của bà ngày càng rụng dần vì chín.

Bà Gác chia sẻ: “Năm trước, bơ xấu cũng bán được 5 – 6.000/kg mà không có để bán. Năm nay, bơ loại 1 chỉ có giá 5.000 đồng/kg nhưng cũng chẳng có thương lái nào đến hỏi mua”.

Empty

Còn ông Nguyễn Sơn (thôn Cao Thành, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột) cho biết, mấy năm trước, thương lái chạy đầy đường để tìm mối thu mua bơ. Thậm chí, khi bơ booth mới ra quả non, đã có người tới đặt cọc để giữ vườn.

Năm nay, thương lái vắng bóng hoàn toàn, dăm ba ngày, có khi cả tuần mới có người tới hỏi, lại trả giá rất thấp, chỉ 5.000 đồng/kg bơ booth loại 1. Ông Sơn dự tính, năm nay 5 sào bơ của ông sẽ cho khoảng 5 tấn quả. Thế nhưng, hiện nay ông chỉ mới bán được 1 tấn, còn lại để rụng xuống vườn.

Cũng theo ông Sơn, vì giá bơ booth quá rẻ không bán được nên đa số các vườn đều để bơ tự rụng. Một số hộ thì nhặt hạt bơ để bán, còn vỏ và thịt bơ vun vào gốc cây để làm phân bón.

Một lãnh đạo tại Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk cho hay, hiện tổng diện tích cây bơ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk khoảng gần 7.000 ha. Trong khi đó, định hướng chung của tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030 có khoảng 6.000 ha trồng bơ (nói chung các loại bơ).

Năm nay, bơ booth bất ngờ xuống giá. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân như cung vượt quá cầu, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thị trường tiêu thụ giảm.

Dừa tươi Việt Nam ồ ạt sang Thái Lan

Dừa tươi Việt Nam nhập khẩu vào Thái Lan trong 7 tháng đầu năm 2020 đạt 129 nghìn tấn, trị giá 50,4 triệu USD, tăng tới 377,7% về lượng và 781,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Đó là thông tin từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC).

Empty

Với sự tăng trưởng rất mạnh như trên, dừa tươi Việt Nam đang chiếm tỷ trọng 61,4% trong tổng lượng dừa tươi nhập khẩu vào Thái Lan, tăng khá nhiều so với mức 51,3% trong 7 tháng đầu năm 2019.

Thái Lan là trung tâm chế biến thực phẩm của khu vực Đông Nam Á. Nước này tăng nhập khẩu dừa do nhu cầu về sự đa dạng nguồn nguyên liệu cho chế biến, do đó dừa tươi Việt Nam và Indonesia nhập khẩu vào Thái Lan đều tăng rất mạnh.

Nhập khẩu dừa tươi của Thái Lan trong 7 tháng đầu năm 2020 đạt 210,2 nghìn tấn, trị giá 76,4 triệu USD, tăng 299,5% về lượng và tăng 592,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá nhập khẩu bình quân quả dừa tươi của Thái Lan đạt 363,3 USD/tấn, tăng 73,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Xuất khẩu rau quả hồi phục sau nhiều tháng tăng trưởng âm

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả tháng 8/2020 đạt 276 triệu USD, tăng 24,1% so với tháng 7/2020 và tăng 2,7% so với tháng 8/2019. Như vậy, sau nhiều tháng liên tục tăng trưởng âm, xuất khẩu rau quả trong tháng 8 đã hồi phục trở lại, dù mức tăng còn nhẹ.

Đây là một tín hiệu đáng mừng, vì liên tục trong nhiều tháng trước đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, xuất khẩu rau quả liên tục tăng trưởng âm so với cùng kỳ 2019. Cụ thể, tháng 7/2020 xuất khẩu rau quả đạt 222,4 triệu USD, giảm 9%; tháng 6/2020 đạt 257,3 triệu USD, giảm 7,1% so với tháng 6/2019; tháng 5 đạt 270 triệu USD, giảm 24%…

Empty

Xuất khẩu rau quả hồi phục lại trong tháng 8, có tác động không nhỏ từ thị trường Trung Quốc. Nửa đầu năm nay, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm rất mạnh (giảm 29,3%) so với cùng kỳ 2019 do ảnh hưởng của Covid-19. Tháng 7, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc vẫn còn giảm tới 24,2% so với tháng 7/2019.

Sang tháng 8, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đã hồi phục trở lại khi đạt 161 triệu USD, tăng 0,8% so với tháng 8/2019. Tuy mức tăng trưởng xuất khẩu này còn rất khiêm tốn nếu so với từng tháng của những năm trước, nhưng cũng đã có tác động không nhỏ làm tăng trưởng xuất khẩu rau quả nói chung trong tháng 8, bởi Trung Quốc vẫn đang là thị trường lớn nhất khi chiếm tới 58,2% tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam trong 8 tháng qua.

Ngoài Trung Quốc, xuất khẩu rau quả sang một số thị trường khác tiếp tục tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, xuất khẩu rau quả trong tháng 8 sang Thái Lan tăng tới 352% khi đạt 14,5 triệu USD. Cũng trong tháng 8, xuất khẩu rau quả sang Hồng Kông đạt 8,4 triệu USD, tăng 25,9%; sang Úc đạt 5,3 triệu USD, tăng 32,9%; sang Nga đạt 4,2 triệu USD, tăng 53,4%…

Việc Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8, đã mở ra cơ hội lớn để rau quả Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào một thị trường rất quan trọng là EU. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sau một tháng Hiệp định EVFTA có hiệu lực, trị giá xuất khẩu nhiều loại nông sản sang EU đã tăng mạnh, trong đó hàng rau quả tươi của Việt Nam được đánh giá có rất nhiều tiềm năng tại EU, nhờ được xóa bỏ thuế quan ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công