largeer

Share This Post

Diễn đàn Hàng hoá tiêu dùng

Phụ huynh ở TP.HCM phải đặt mua SGK ngoài Hà Nội: Một lớp gần 2/3 học sinh thiếu sách

Mặc dù đã bước sang tuần thứ 2 đi học nhưng nhiều học sinh ở TP.HCM vẫn thiếu sách giáo khoa. Nhiều người phải đặt sách hoặc nhờ người mua ở Hà Nội chuyển vào.

Tuổi Trẻ dẫn lời, chị Nguyễn Thu Trang, có con học lớp 3 Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1, TP.HCM), cho biết: "Tôi chuẩn bị sách cho con từ rất sớm, nghĩ đã đầy đủ nhưng con về nói mua thêm sách Luyện tập tin học. Nhìn sau bìa thì sách này không có trong trọn bộ sách lớp 3. Tôi chạy rất nhiều nhà sách, "lùng" muốn hết TP nhưng giờ vẫn chưa có".

Cô Trần Thúy Quỳnh - giáo viên chủ nhiệm lớp 3/5 Trường tiểu học Hòa Bình (Q.1, TP.HCM), hiện lớp cô có hơn 2/3 em chưa có Luyện tập tin học.

9

"Đây là sách của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam. Phụ huynh tìm mua không có, phải đăng ký với trường mua. Đăng ký từ sau hôm học đầu tiên nhưng đến nay sách chưa về. Sách này phải mua lẻ, không nằm trong bộ như phụ huynh biết" - cô Quỳnh nói.

Một số phụ huynh ở Q.Bình Tân, TP.HCM có con vào lớp 1 đến giờ này vẫn bối rối chạy khắp nơi để tìm sách "ráp" đầy đủ trọn bộ như trường áp dụng.

Chị Kim Liên (con học lớp 1 tại một trường tiểu học ở Q.Bình Tân) chia sẻ trường chọn dạy theo bộ SGK "Cánh diều" (NXB Đại Học Sư Phạm TP.HCM), nhưng cuốn Mỹ thuật lại thuộc bộ sách "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" (NXB Giáo Dục Việt Nam), cuốn Giáo dục thể chất thuộc bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực" (NXB Giáo Dục Việt Nam).

"Tôi mua trọn bộ "Cánh diều" rồi, vì cứ nghĩ sách này trường chọn, tuần trước cô giáo nhắn trong nhóm phụ huynh kèm ảnh 2 cuốn sách cần mua. Tôi đi tìm thì nhà sách không bán lẻ mà bán trọn bộ. Đi nhà sách khác thì bảo để lại thông tin họ sẽ gọi" - chị Liên cho biết.

Theo một hiệu trưởng ở Q.Bình Tân, sở dĩ trường chọn nhiều cuốn khác nhau, nhất là với sách lớp 1, không phải làm khó phụ huynh nhưng có những cuốn nằm ở bộ SGK khác lại rất hay.

"Trường chọn chính bộ "Cánh diều", nhưng sách mỹ thuật, thủ công ở bộ SGK khác lại thân thiện, dễ học, truyền cảm hứng hơn. Cái này do giáo viên trong tổ đã xem, đánh giá rồi đề xuất. Việc mua lẻ từng cuốn, nhà trường khó lòng hỗ trợ, bởi khi trường đặt sách cũng đặt trọn bộ. Giờ tách lẻ, những cuốn khác trường không biết xử lý sao" - vị này nói.

Bí quá, không ít phụ huynh đã phải cầu cứu người thân của mình ở Hà Nội tìm mua sách gửi vào hoặc đặt các nhà sách. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công, và hậu quả là học sinh chấp nhận học... chay và không biết khi nào có sách.

Ông Thái Văn Tài - vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) - cho biết năm học này đặc biệt là phải thực hiện giãn cách xã hội đúng thời gian cao điểm triển khai chuẩn bị thực hiện chương trình - SGK mới ở lớp 1.

Thời gian để thực hiện việc tập huấn sử dụng SGK, cung ứng sách diễn ra rất gấp. Để đảm bảo việc cung ứng đủ SGK lớp 1 cho năm học mới, Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu các NXB làm việc với các địa phương để có kế hoạch phát hành SGK đến học sinh.

"Từ tháng 2-2020, Vụ Giáo dục tiểu học đã làm nhiệm vụ thống kê số lượng học sinh mầm non 5 tuổi trên từng địa bàn các tỉnh, TP để gửi các NXB biết được số lượng trẻ sắp vào lớp 1. Chúng tôi cũng yêu cầu các NXB khi cung ứng số lượng đến các địa phương, các NXB phải đảm bảo số dư là 5%, kịp thời trước 15-8. Trên thực tế, các đơn vị đều cung ứng dư 7-10%" - ông Tài chia sẻ.

Về câu chuyện phụ huynh ở TP.HCM phải đặt mua SGK ở Hà Nội vì không thể mua lẻ một số SGK tại các nhà sách ở TP.HCM, ông Tài phân tích: do việc cung ứng SGK lớp 1 năm nay dựa vào số lượng thống kê trẻ trên địa bàn nên ở một số địa phương có tình trạng di dân cao, ở các khu công nghiệp có nhiều công nhân mang con từ quê lên TP học làm cho nhiều nhà trường gặp khó khăn do không nắm được nhu cầu trẻ vào lớp 1.

"Năm nay các đơn vị phát hành sách chọn cách cung ứng trực tiếp đến các trường, nên nhiều nhà sách tại các địa phương ít nhập sách. Nhất là các SGK có số lượng trường chọn ít thì sẽ càng hiếm bán lẻ ở bên ngoài thị trường mà chỉ cung ứng theo hệ thống các trường.

Nếu có tình huống thiếu sách, lẽ ra nhà trường phải chủ động, cùng chịu trách nhiệm xử lý. Ví dụ như lấy sách từ thư viện để cung ứng trước cho học sinh có sách học chứ không thể để tình trạng như báo chí phản ánh" - ông Tài nói.

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công