largeer

Share This Post

SG247

Sao Thái Dương: Từ lùm xùm trục lợi từ viên nang Kovir tới doanh thu nghìn tỷ nhưng lợi nhuận mỏng manh

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, câu chuyện xoay quanh việc viên nang Kovir có được cấp phép dùng để phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19 hay không trở thành đề tài nhận được nhiều sự quan tâm. Ngày 24/7/2021, sản phẩm này lọt vào danh sách 12 loại thuốc được liệt kê tại hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu trong phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19, đính kèm Công văn số 5944/BYT-YDCT của Bộ Y tế. Theo hướng dẫn này, viên nang Kovir có công dụng phòng và điều trị các bệnh lý do virus lây lan qua đường hô hấp, tăng cường miễn dịch, điều hòa miễn dịch trong các bệnh lý virus.

Ngày 27/7/2021, thanhtra.com.vn có bài viết: Sao Thái Dương: Từ lùm xùm trục lợi từ viên nang Kovir tới doanh thu nghìn tỷ nhưng lợi nhuận mỏng manh

Bài viết thông tin lợi nhuận không theo kịp doanh thu cũng như sự tăng trưởng quy mô doanh nghiệp khiến các chỉ tiêu sinh lời của Sao Thái Dương đều ở mức thấp và đang có dấu hiệu co lại.

Ảnh báo Thanh Tra

Ảnh báo Thanh Tra

Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Sao Thái Dương đã tăng 7,5% so với cuối năm trước lên mức 702 tỷ đồng. So với thời điểm cuối năm 2016, quy mô của doanh nghiệp này đã tăng gấp 2,5 lần trong khi vốn chủ sở hữu cũng tăng hơn 30% (chủ yếu trong năm 2017).

Có thể thấy, khả năng sinh lời của Sao Thái Dương đang không tương xứng với quy mô doanh nghiệp này. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đều ở mức thấp và đang có dấu hiệu bị co lại. Kết quả này chủ yếu do lợi nhuận của doanh nghiệp không theo kịp tốc độ tăng trưởng của quy mô doanh nghiệp.

image001

Cùng sự gia tăng tổng tài sản, Sao Thái Dương cũng có sự tăng trưởng khá nhanh về doanh thu trong giai đoạn 2016 - 2019. Từ mức 69,3 tỷ đồng năm 2016, doanh thu đã tăng lên hơn 466 tỷ năm 2017 và đạt 667 tỷ đồng vào năm 2018, tăng trưởng 50% so với năm trước. Con số này năm 2019 là 24% tương ứng doanh thu lên đến 829 tỷ đồng.

Ảnh báo Thanh tra

Ảnh báo Thanh tra

Tuy nhiên, doanh thu năm 2020 của Sao Thái Dương lại bất ngờ chững lại ở mức 824 tỷ đồng dù các sản phẩm được đánh giá không bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch Covid-19 thậm chí còn được hưởng lợi. Dù vậy, biên lãi gộp lại được cải thiện đáng kể từ 38,2% lên 48,2% tương ứng lợi nhuận gộp gần 400 tỷ đồng.

Dù doanh thu khá cao tuy nhiên lợi nhuận thuần của Sao Thái Dương lại tương đối mỏng chỉ vài tỷ đồng, tương đương với tỷ suất lợi nhuận ròng những năm gần đây chưa tới 1%.

Năm 2020, lợi nhuận thuần của doanh nghiệp này thậm chí còn giảm mạnh hơn 50% so với năm trước đó, xuống mức 3,1 tỷ đồng. Con số này thậm chí còn thấp hơn cả kết quả đạt được năm 2018. Điều này cho thấy khả năng quản lý chí phí của Sao Thái Dương dường như đang gặp vấn đề không nhỏ khiến lợi nhuận bị bào mòn.

Liệu Sao Thái Dương có dấu hiệu trục lợi hay không?

Theo báo Giao thông thông tin, tháng 9/2020, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã lên tiếng cảnh báo quảng cáo “nổ” về công dụng hỗ trợ điều trị Covid-19 của thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kovir của Công ty CP Sao Thái Dương. Cụ thể, Sao Thái Dương ra rả phát đi thông điệp: “Kovir hiệu quả cao đối với các bệnh virus từ sau lần uống đầu tiên; hỗ trợ điều trị Covid-19”.

Cục An toàn thực phẩm đã khẳng định thông tin như vậy là không chính xác. ''Không có loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào có công dụng dự phòng, điều trị hoặc hỗ trợ điều trị Covid -19", cơ quan này nhấn mạnh.

Sao Thái Dương đã kịp bán 20.000 hộp Kovir qua website của công ty, thu về hơn 20 tỷ đồng trước khi sản phẩm này

Sao Thái Dương đã kịp bán 20.000 hộp Kovir qua website của công ty, thu về hơn 20 tỷ đồng trước khi sản phẩm này "biến mất" (ảnh chụp lại màn hình website)

Tuy nhiên, điều bất ngờ là sản phẩm này (bao gồm cả viên nang mềm, đã từng bị Bộ Y tế cảnh báo như trên và viêm nang cứng) đều “lọt” vào danh sách 12 sản phẩm thuốc có nguồn gốc dược liệu được Cục Quản lý Y dược cổ truyền gợi ý sử dụng trong hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19.

Đáng nói, sản phẩm viên nang cứng Kovir của Sao Thái Dương xuất hiện trong khuyến cáo sử dụng nâng cao sức khỏe và hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 được Cục Quản lý Y dược cổ truyền, Bộ Y tế gửi các tỉnh phía Nam ngày 24/6 nhưng lại sang ngày 25/6 mới được Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cấp phép công bố sản phẩm.

Điều này khiến dư luận vô cùng bức xúc, đặt dấu hỏi về năng lực, trách nhiệm của Cục Quản lý Y dược cổ truyền khi "nhét" Kovir - một sản phẩm chưa được cấp phép và quảng cáo sai sự thật về công dụng hỗ trợ điều trị Covid-19 vào danh sách nói trên!

Đã bán hơn 20.000 hộp Kovir trước khi "biến mất"

Động thái trục lợi của Sao Thái Dương cũng đã bị vạch trần khi liên tục nâng giá sản phẩm Kovir trước và sau khi Bộ Y tế ban hành văn bản kèm danh sách 12 sản phẩm, càng khiến người tiêu dùng phẫn nộ. Cụ thể, theo 1 nhân viên nhà thuốc, trước khi nâng giá lên 250.000 đồng/hộp vào tháng 7/2021, Kovir viên nang mềm chỉ bán giá trên dưới 100.000 đồng/ hộp.

Đặc biệt, viên nang cứng cũng mang tên Kovir còn được chào giá "cắt cổ" 1 triệu đồng/30 viên (đắt gấp 4 lần viên nang Kovir mềm). Dù lãnh đạo doanh nghiệp này bao biện, 2 sản phẩm này thành phần khác nhau, nhưng người tiêu dùng không dễ chấp nhận.

Không chỉ có vậy, Sao Thái Dương còn tung ra 2 bộ sản phẩm hỗ trợ điều trị dành cho F0 và F1 có giá lần lượt 4.185.000 và 1.435.000 đồng.

Đáng nói ở chỗ, 2 bộ này đều giống nhau ở 3 sản phẩm hết sức thông dụng và có chi phí sản xuất rất thấp là dầu gừng; xịt mũi họng và nước xúc miệng, sản phẩm còn lại vẫn mang tên Kovir (2 vỉ 30 viên nang), nhưng giá chênh một trời một vực!

Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian rất ngắn, Sao Thái Dương đã kịp bán ra hơn 20.000 hộp Kovir (sản phẩm viên nang cứng giá 1 triệu đồng/hộp) qua website công ty này.

Trước phản ứng gay gắt của dư luận xã hội, Bộ Y tế ngay sau đó đã hủy công văn liên quan đến danh sách 12 sản phẩm trên.

Cùng với đó, từ chiều 27/7, thông tin về sản phẩm Kovir đã lặng lẽ “biến mất” trên website của Sao Thái Dương.

Chia sẻ về việc tăng giá thuốc và các sản phẩm y tế trong giai đoạn dịch bệnh đang hoành hành, thầy thuốc Nhân dân Nguyên Hồng Siêm, nguyên Chủ tịch Hội Đông y TP. Hà Nội cho biết:

"Giữa cung và cầu trong kinh doanh phải cân đối thì hàng hóa mới lưu thông được. Giờ cung và cầu bất cập, dân sợ mắc Covid-19 nên người ta mua để phòng dù có đắt. Việc đơn vị tăng giá bán thuốc ở thời điểm hiện tại không thực sự hợp lý. Từ đây, chúng ta phải đặt một câu hỏi về đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ".

Sao Thái Dương liên tiếp trúng thầu sản phẩm phòng chống dịch

Giữa lúc dịch bệnh đang "nước sôi lửa bỏng", việc Bộ Y tế ban hành văn bản "cài cắm" danh mục 12 sản phẩm "hỗ trợ điều trị dịch Covid-19" không chỉ "tạo điều kiện" cho doanh nghiệp trục lợi từ người tiêu dùng, mà còn có dấu hiệu định hướng, gợi ý các cơ sở y tế mua sắm, đấu thầu những sản phẩm phục vụ chống dịch.

Cụ thể, Công văn 5499 chỉ đạo:"Sở Y tế các tỉnh, thành phố căn cứ vào danh sách này (12 sản phẩm nói trên - PV) để tham khảo lựa chọn mua sắm, đấu thầu, tiếp nhận ủng hộ để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 cũng như đội ngũ y, bác sỹ và đối tượng cách ly".

Công văn 5499 của Bộ Y tế có

Công văn 5499 của Bộ Y tế có "gợi ý" lựa chọn các sản phẩm trong danh sách cơ quan này cung cấp để mua sắm, đấu thầu, nhận tài trợ...

Do vậy, dư luận không thể không đặt dấu hỏi: Việc ban hành văn bản như thế này có sự liên quan nào đến việc Sao Thái Dương được chỉ định thầu nhiều gói sản phẩm phục vụ chống dịch vừa qua tại nhiều địa phương?

Thực tế đã cho thấy, viên nang Kovir đã được Bộ Y tế đưa vào sử dụng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bắc Giang, Bắc Ninh; Dù rằng, đến nay vẫn chưa có bất cứ nghiên cứu nào của Bộ Y tế hay cơ quan có thẩm quyền nào về tác dụng, hiệu quả của sản phẩm này trong điều trị bệnh nhân Covid-19.

Còn theo tìm hiểu của VTC, từ đầu năm 2021 đến nay, Sao Thái Dương đã trúng liên tiếp 5 gói thầu tại nhiều bệnh viện, trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh với giá trị nhiều tỷ đồng. Đáng chú ý, hầu hết các gói thầu đơn vị này trúng là chỉ định thầu hoặc mua sắm trực tiếp, không qua mạng.

Cụ thể, ngày 23/6, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu “Mua sắm 10.000 test sinh phẩm Realtime RT-PCR" của nhà thầu Sao Thái Dương. Gói thầu này có giá 3 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Công ty Sao Thái Dương được chỉ định thầu.

Trước đó 2 ngày, đơn vị này đã lựa chọn Công ty Sao Thái Dương cho gói thầu “Mua sắm 15.000 test sinh phẩm Realtimes RT-LAMP COVID-19". Theo hồ sơ, gói thầu có giá hơn 5,7 tỷ đồng, vốn ngân sách. Nhà thầu được chỉ định rút gọn, không sơ tuyển, không qua mạng.

Trong tháng 6, Công ty Sao Thái Dương cũng trúng gói “Hóa chất xét nghiệm COVID-19” tại BV Bạch Mai giá hơn 5,4 tỷ đồng. Vốn từ nguồn thu dịch vụ khám chữa bệnh. Nhà thầu được lựa chọn theo hình thức mua sắm trực tiếp.

Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, ngày 25/6, Liên danh Công ty Sao Thái Dương, Công ty cổ phần Y tế Đức Minh, Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, Công ty TNHH Thiết bị Y tế Phương Đông trúng gói “Hóa chất xét nghiệm sàng lọc COVID-19” với tổng giá trị hơn 25,1 tỷ đồng.

Ngày 4/3, Công ty Sao Thái Dương trúng gói thầu số 2 “Hóa chất xét nghiệm Sars-Covy-2 với giá 2,4 tỷ đồng. Gói thầu do Giám đốc Bệnh viện Đức Giang phê duyệt theo hình thức mua sắm trực tiếp, trong nước không sơ tuyển, không qua mạng.

Hầu hết những gói thầu mua sắm trên, Công ty Sao Thái Dương đều trúng với giá bằng giá gói thầu.

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công