largeer

Share This Post

SG247

Số ca bệnh sốt xuất huyết phải nhập viện tăng trong khi bác sĩ, điều dưỡng nghỉ việc khiến nhiều cơ sở y tế ở Đồng Nai quá tải

Đang chịu áp lực nặng nề nhất trong công tác điều trị SXH là Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Chỉ riêng 3 tháng gần đây, bệnh viện tiếp nhận hơn 6,1 ngàn ca bệnh SXH, trong đó có hơn 2,5 ngàn ca điều trị nội trú. Đặc biệt, số ca sốc SXH lên đến gần 700 ca.

Báo Đồng Nai dẫn lời ThS-BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc bệnh viện cho biết, quy mô của bệnh viện điều trị cho khoảng 100 bệnh nhân SXH/ngày là vừa sức. Tuy nhiên hiện nay, con số thực tế là 220 bệnh nhân, riêng số ca bệnh nặng và rất nặng là 60.

Lãnh đạo Sở Y tế đề nghị các cơ sở điều trị trong tỉnh lên kế hoạch ứng phó với việc tăng số lượng bệnh nhân; đồng thời đảm bảo thuốc, vật tư y tế… để điều trị bệnh. Nếu có khó khăn thì kịp thời báo cáo Sở Y tế để xử lý.

Do số bệnh nhân đông nên bệnh viện phải phân loại để chuyển bệnh vào một trong 3 tầng điều trị. Khoa Bệnh nhiệt đới sẽ tiếp nhận, điều trị những bệnh nhân bị SXH nhẹ và một số trường hợp sốc SXH. Khoa Cấp cứu trước đây chỉ giữ bệnh nhân tối đa trong 3 giờ đồng hồ nhưng nay do các khoa khác đều quá tải nên phải làm luôn nhiệm vụ điều trị cho các ca sốc SXH mức độ vừa có tụt huyết áp. Khoa Hồi sức tích cực - chống độc điều trị cho các ca sốc SXH nặng, suy đa cơ quan, có bệnh nền kèm theo.

images2466956_7A

BS Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới cho hay, khoa chỉ có 8 bác sĩ nhưng đang phải điều trị cho 130 bệnh nhi SXH, trong đó có 10 ca sốc. Số bệnh nhân tăng liên tục khiến khoa phải kê thêm giường ngoài hành lang cho bệnh nhân nằm.

ThS-BS Phạm Thị Kiều Trang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc thì bộc bạch, trong số hơn 20 ca sốc SXH tại khoa có 2 ca rất nặng đang phải thở máy. Mỗi điều dưỡng trong khoa được phân công theo dõi 5 bệnh nhân. Vì các ca bệnh đều nặng nên điều dưỡng phải túc trực để theo dõi, mỗi giờ phải đếm mạch, đo huyết áp, đo nhịp thở, tính lượng nước tiểu của bệnh nhân. Ngoài ra, phải đo nhiệt độ cho bệnh nhân 3 giờ/lần, nếu có diễn tiến xấu thì phải làm thêm các xét nghiệm để kịp thời cứu chữa bệnh nhân.

Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, theo BS Hoàng Thị Phương Trúc, Phó trưởng khoa Nhiễm, khoa đang điều trị cho hơn 50 bệnh nhân SXH, trong đó một nửa là bệnh nặng. Do khoa chỉ có 6 bác sĩ, 9 điều dưỡng trực nên không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân SXH. Những ca bệnh nhẹ hoặc trung bình sẽ phải chuyển đến các khoa: Nhi, Nội tổng hợp, Nội thần kinh và Nội tim mạch để điều trị.

BS Trần Thị Hiên, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành cho biết, khoa đang điều trị cho 41 bệnh nhân SXH, hầu hết là người lớn. Do số bệnh nhân đông mà nhân lực ít nên các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa rất vất vả. Toàn khoa chỉ có 4 bác sĩ, 7 điều dưỡng và 1 hộ lý. Trong số 4 bác sĩ có 1 bác sĩ được phân công làm việc tại phòng khám nhiễm, chỉ còn 3 bác sĩ làm việc tại khoa. Số lượng bác sĩ và điều dưỡng ít nên khoa phải sắp xếp đi tua 3, tức là bác sĩ, điều dưỡng trực 1 ngày 1 đêm, sau đó nghỉ 1 ngày, ngày hôm sau làm giờ hành chính, hôm sau nữa lại tiếp tục trực 1 ngày 1 đêm.

“Dịch SXH năm nay không chỉ tăng về số ca mà cả số ca bệnh nặng cũng rất nhiều. Có nhiều ca bệnh nặng, men gan tăng rất cao, tiểu cầu thấp nên các bác sĩ, điều dưỡng phải liên tục theo dõi sát diễn biến sức khỏe của bệnh nhân, hầu như không có thời gian để nghỉ ngơi” - BS Hiên chia sẻ.

Theo BS Nguyễn Trọng Nghĩa, từ đầu năm đến nay, bệnh viện có 6 bác sĩ và 30 điều dưỡng đã nghỉ việc. Trước áp lực lớn, bệnh viện đã huy động tất cả bác sĩ nội khoa để tham gia điều trị SXH nhưng đây chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, các bác sĩ nội khoa còn phải tham gia điều trị nhiều bệnh khác. Điều dưỡng thiếu hụt trầm trọng nên những người ở lại phải thay nhau trực liên tục trong khi số tiền trực lại rất thấp, chỉ khoảng 100 ngàn đồng/đêm. Nếu tình trạng này kéo dài e rằng nhân viên y tế khó lòng chịu nổi.

Trước khó khăn và đề xuất của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Lê Quang Trung cho hay, Sở đang làm đề án để hỗ trợ thêm về vật chất cho nhân viên y tế; đồng thời động viên nhân viên y tế tiếp tục vượt khó, gắn bó với bệnh viện, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công