Saigon 247

2020-08-01 22:12:00

Tạo điều kiện thông thoáng cho DN xuất khẩu gạo sang EU

Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định "Quy định chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU để được hưởng ưu đãi hạn ngạch" lần cuối trước khi trình Chính phủ ban hành.

Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu gạo thơm sang EU muốn được hưởng ưu đãi hạn ngạch 30.000 tấn/năm miễn thuế phải được cấp chứng nhận chủng loại gạo thơm do Cục Trồng trọt (thuộc Bộ NN-PTNT) cấp. Nhằm bảo đảm gạo thơm đúng giống và đúng xuất xứ trồng tại Việt Nam, hoạt động kiểm tra được tiến hành từ đồng ruộng thời gian 20 ngày trước khi thu hoạch và độ thuần của giống (% số cây) phải không nhỏ hơn 95%.

Riêng năm 2020, theo dự thảo, doanh nghiệp sẽ được áp dụng điều khoản chuyển tiếp, không phải thực hiện kiểm tra trên đồng ruộng đối với gạo thơm đã được sản xuất trước ngày Nghị định có hiệu lực để có thể tận dụng cơ hội Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA).

Gạo ST 25 ngon nhất thế giới chưa được EU miễn thuế.

Gạo ST 25 ngon nhất thế giới chưa được EU miễn thuế.

Theo công bố của EU về quản lý và phân bổ hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng gạo trong khuôn khổ EVFTA có hiệu lực từ 1-8, EU cấp cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo miễn thuế mỗi năm. Trong đó, hạn ngạch dành cho gạo thơm là 30.000 tấn/năm gồm các giống: Jasmine 85, ST 5, ST 20, Nàng Hoa 9, VD 20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài Nguyên chợ Đào.

Như vậy, các giống gạo thơm nổi tiếng của Việt Nam gần đây như: gạo ST 25 (đạt giải ngon nhất thế giới năm 2019), Lộc Trời 28 (đạt giải nhất ở phân khúc gạo thơm năm 2018),… không nằm trong danh sách này.

Tại hội nghị, một số doanh nghiệp thắc mắc về việc một số giống gạo thơm trong danh sách được ưu đãi nhưng thực tế không còn xuất khẩu cũng như ST5, ST20,… Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, giải thích do quá trình đàm phán EVFTA kéo dài 10 năm nên đã không cập nhật được một số giống gạo thơm mới gần đây.

"Tuy nhiên, đây là hiệp định khung, hằng năm sẽ được rà soát và cập nhật bổ sung. Trước mắt các doanh nghiệp cần thực hiện tốt theo quy định hiện hành của EU, tương lai Việt Nam có thể đàm phán để tăng hạn ngạch, giúp doanh nghiệp có "miếng bánh" lớn hơn" – ông Lê Quốc Doanh thông tin.

Ông Lê Quốc Doanh cũng nhấn mạnh nguyên tắc chung của Nghị định là xác nhận đúng chủng loại gạo thơm và đúng xuất xứ trồng tại Việt Nam, còn lại sẽ tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp.

Gạo là nông sản duy nhất có kim ngạch xuất khẩu tăng trong 7 tháng đầu năm

Báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội 7 tháng đầu năm của Tổng Cục Thống kê cho thấy gạo là mặt hàng nông sản duy nhất ghi nhận tăng trưởng 10,9%, đạt 1,9 tỷ USD. Trong khi đó, những mặt hàng nông sản còn lại đều có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước như rau quả, cà phê, hạt điều, cao su, đặc biệt, cao su giảm 20,3%, đạt 405 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 7 đạt 23 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 2,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 14,5 tỷ USD, tăng 1,5%.

Xuất khẩu hàng hóa 7 tháng đầu năm ước đạt 145,8 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực trong nước tiếp tục là điểm sáng của bức tranh xuất khẩu, đạt gần 50,8 tỷ USD, tăng 13,5%. Trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt hơn 95 tỷ USD, giảm 5,7%.

Vận chuyển gạo phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Vận chuyển gạo phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Hoa Kỳ duy trì vị trí nhà nhập khẩu hàng hóa số 1 của Việt Nam, ước đạt gần 38 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Thứ hai là Trung Quốc đạt gần 24 tỷ USD, tăng 18,4 %. Trong khi đó, xuất khẩu EU giảm 5,9%, đạt 19,5 tỷ USD.

Tính chung 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt gần 140 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu tăng 1,5% đạt gần 62 tỷ USD và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 6,2%, đạt hơn 77 tỷ USD.

Chỉ tính riêng tháng 7, Việt Nam xuất siêu 1 tỷ USD và 7 tháng đầu năm con số này là 6,5 tỷ USD.