largeer

Share This Post

SG247

Thực hiện '3 tại chỗ', nhiều nhà thầu xây dựng trở tay không kịp

Từ ngày 15/7, TP.HCM áp dụng quy định chỉ cho phép doanh nghiệp sản xuất khi đảm bảo thực hiện phương châm “3 tại chỗ - 3T” hoặc phương án “1 cung đường - 2 địa điểm”, rất nhiều đơn vị phải tạm ngưng hoạt động vì không kịp và không thể thực hiện.

Sở Xây dựng TPHCM vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng, ban quản lý các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các công trình xây dựng.

Theo đó, các công trình xây dựng chỉ được tiếp tục hoạt động khi đảm bảo 2 điều kiện. Thứ nhất, chủ đầu tư và đơn vị thi công phải vừa đảm bảo được tiến độ thi công, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ” là làm việc tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ. Hoặc các đơn vị phải thực hiện phương châm “1 cung đường-2 địa điểm”, nghĩa là chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi công trường xây dựng đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).

Nhiều doanh nghiệp xây dựng ở TPHCM phải ngừng thi công.

Nhiều doanh nghiệp xây dựng ở TPHCM phải ngừng thi công.

Đồng thời thực hiện xét nghiệm COVID-19 đối với người lao động định kỳ 7 ngày/lần. Thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt cho công nhân vào đầu và cuối mỗi ca (trường hợp nhiệt độ từ 37,5 độ trở lên, đề nghị báo ngay cho cơ quan y tế tại địa phương). Bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế. Khử khuẩn bề mặt, thiết bị, máy móc tiếp xúc trực tiếp với công nhân; vệ sinh công trình xây dựng sau mỗi ca.

Nếu các công trình xây dựng không đảm bảo theo yêu cầu nêu trên thì dừng hoạt động xây dựng toàn bộ công trình. Thanh tra Sở Xây dựng chủ động kiểm tra, nếu chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia hoạt động được xây dựng không đảm bảo các phòng điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 thì buộc dừng toàn bộ hoạt động xây dựng tại công trình và đề xuất xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo ông Lương Nguyên Tâm, Giám đốc Công ty TNHH thương mại quốc tế T-Farm, buồn rầu thông báo: “Không đáp ứng được quy định nên đã tạm ngưng hoạt động rồi”. Dù chỉ có khoảng 25 công nhân nhưng ông cũng không kịp xoay xở do thời gian thực hiện quá gấp. Thực tế, khó khăn lớn nhất trong việc tổ chức ăn nghỉ tại chỗ là tổ chức ăn uống vì nhiều cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp đã ngưng hoạt động để chống dịch, muốn đặt đồ ăn cho công nhân, họ cũng không nhận. Công nhân về nhà còn có thể tự mua đồ nấu ăn, ở lại trong khu công nghiệp không đặt được cơm, lại không có chỗ để nấu thì bó tay. Chưa kể, rất nhiều công nhân không chịu ở lại tập trung, đặc biệt là công nhân nữ vì họ còn phải lo cho gia đình, con cái, mà ở thì không biết đến bao giờ mới được về.

Ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty may mặc Dony, cũng buồn rầu cho tạm ngưng sản xuất. Suốt cả ngày trước đó (14.7), từ sếp đến nhân viên phải chạy quanh để tìm nơi cung cấp suất ăn cho công nhân nhưng thất bại. Công ty nhỏ với hơn 100 nhân công, trước giờ chỉ mua thức ăn ngoài vào. Nay quy định ra đột ngột lại trong bối cảnh giãn cách toàn xã hội, tìm chỗ cung ứng suất ăn an toàn 3 bữa mỗi ngày cho toàn bộ nhân viên “khó hơn lên trời”. Muốn tổ chức nhà bếp, tự nấu ăn thì cũng không thể làm ngay.

Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ phải tạm ngừng hoạt động do không đảm bảo theo quy định 3T thì một số DN kịp đáp ứng cũng chỉ thực hiện một phần nhỏ, còn lại thì thu hẹp đáng kể hoạt động vì tốn nhiều chi phí. Đại diện Công ty Saigon Foods cho hay đơn vị có 5 nhà máy tạo ra một chu trình sản xuất khép kín tại KCN Vĩnh Lộc (Bình Chánh, TP.HCM). Công ty đã tạm cho dừng 2 nhà máy để lấy chỗ sắp xếp cho công nhân ở lại. Khu lưu trú này có thể cung cấp cho khoảng 400 người nhưng công ty chỉ áp dụng cho 200 người ở lại, đạt 10% tổng số lao động bởi hàng loạt chi phí đều phát sinh thêm từ trang thiết bị ngủ nghỉ, chi phí xét nghiệm trước khi vào ở tập trung và sau 7 ngày thực hiện xét nghiệm lại, cung cấp các bữa ăn trong ngày... Thế nên công suất hoạt động của Saigon Foods đã giảm mạnh. Đại diện Saigon Foods chia sẻ: “Trước đây công ty cũng đã suy nghĩ đến phương án này rồi nhưng không thể thực hiện vì tốn quá nhiều chi phí, trong khi từ đầu mùa dịch đến nay đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh, công ty cố gắng giữ ổn định giá bán ra nên càng phải tiết kiệm chi phí hoạt động. Nhưng đến giờ thì phải chấp nhận để duy trì phần nào sản xuất...”.

Theo đại diện Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, từ lúc nhận được văn bản của Sở Xây dựng tới 0h ngày 15/7 chỉ có 12h để chuẩn bị nên không xoay sở kịp. Do đó, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình phải dừng toàn bộ công trình xây dựng tại TPHCM, chỉ tiếp tục thực hiện một số công trình do yêu cầu về tiến độ không thể dừng nhưng cũng chỉ có số ít công nhân ở lại.

“Việc chuẩn bị mặt bằng, bố trí cho công nhân ăn ngủ tại chỗ là rất khó khăn bởi số lượng công nhân xây dựng rất lớn. Hơn nữa, 7 ngày/lần phải xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ công nhân thì chi phí đội lên rất lớn”, vị đại diện này nói.

Đại diện Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng nói rằng, việc dừng thi công toàn bộ công trình sẽ khiến tiến độ dự án bị chậm lại. Tuy nhiên, đây là trường hợp bất khả kháng. Hơn nữa, việc vận chuyển vật liệu xây dựng trong thời điểm hiện tại cũng gặp rất nhiều khó khăn nên việc cho công nhân tạm nghỉ là điều hợp lý.

Phó tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng Coteccons Phan Hữu Duy Quốc cũng cho rằng, doanh nghiệp không thể đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ” trong thời gian 12h khi có yêu cầu từ Sở Xây dựng TPHCM nên nhiều công trường xây dựng tại TPHCM đã tạm dừng thi công. Việc tổ chức cho công nhân ăn uống, ngủ lại ngay tại công trường có thể áp dụng cho những công trình xây dựng nhà ở đơn lẻ quy mô nhỏ. Còn với những công trường lớn có hàng trăm công nhân thì rất khó triển khai.

Ông Quốc nói thêm, việc dừng thi công sẽ tạo ra thiệt hại cho cả nhà thầu và chủ đầu tư, ảnh hưởng tiến độ công trình và lợi ích kinh tế về lâu dài. Mức tổn thất cụ thể tùy thuộc vào quy mô công trình và kế hoạch kinh doanh. Nhưng trong hoàn cảnh này, hầu hết chủ đầu tư cũng cảm thông và chia sẻ cho nhà thầu xây dựng. Đây là rủi ro bất khả kháng không ai mong muốn, buộc phải chấp nhận.

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công