largeer

Share This Post

Pháp Luật

Tiết lộ bí mật cá nhân trong dịch vụ hàng không: 500 nghìn đồng mua được thông tin 2.000 khách hàng VietJet (Kỳ 5)

Chỉ cần bỏ ra số tiền 500 nghìn đồng/ngày, người mua sẽ được cung cấp danh sách ghi đầy đủ thông tin mã chuyến bay, giờ cất - hạ cánh, số điện thoại của hàng nghìn hành khách của Hãng hàng không VietJet khởi hành và hạ cánh ở sân bay Nội Bài.

Ba ngày sau cuộc gặp gỡ, trao đổi với Đức, nhóm PV đặt vấn đề mua thông tin hành khách các chuyến bay.

Gói thông tin hành khách của Hãng hàng không VietJet cất - hạ cánh tại sân bay Nội Bài được Đức “chốt” 500 nghìn/ngày. Nhóm PV đề nghị được sử dụng 3 ngày để thử tính hiệu quả trước khi đầu tư lớn. Đức đồng ý.

Thông tin hành khách đi trên các chuyến bay của Hãng hàng không VietJet cất - hạ cánh tại sân bay Nội Bài được gửi qua tin nhắn Zalo

Thông tin hành khách đi trên các chuyến bay của Hãng hàng không VietJet cất - hạ cánh tại sân bay Nội Bài được gửi qua tin nhắn Zalo

Sau hơn 1 ngày chờ đợi, đến 23h26 phút ngày 5/7, Đức nhắn tin cho chúng tôi qua Zalo. Tin nhắn đính kèm file excel: Data ngày 7/7 = 2278 sms đã xóa số đại lý, kèm theo lời phân trần: “Anh bận nên gửi muộn”. Mở file Đức gửi, chúng tôi nhìn thấy danh sách thông tin của hơn 2.000 hành khách đi trên các chuyến bay của Hãng hàng không VietJet cất - hạ cánh tại sân bay Nội Bài trong ngày 7/7/2020. Danh sách liệt kê đầy đủ số điện thoại, mã chuyến bay và giờ đón - tiễn.

Sáng 6/7, chúng tôi tiến hành kiểm tra độ chính xác của thông tin bằng cách chọn ngẫu nhiên các số điện thoại trong danh sách và gọi điện, nhắn tin. Cụ thể, chúng tôi gọi cho các số điện thoại có đuôi 089; 515; 990; 445; 000; 954;...

Kết quả, người nhận cuộc gọi đều xác nhận thông tin về lộ trình đi lại chính xác như thông tin ghi trong danh sách mà chúng tôi có được. Thậm chí, có người còn tỏ ra bực bội, khó chịu vì lịch trình đi lại được người khác nắm rõ.

Qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy hầu hết các số điện thoại có đăng ký tài khoản mạng xã hội Zalo, từ đó có thể biết được tên người sử dụng và nhiều thông tin cá nhân khác.

0h44 phút ngày 7/7, Đức tiếp tục gửi thông tin của hơn 2.000 hành khách VietJet cất - hạ cánh tại sân bay Nội Bài trong ngày 8/7. Tiếp đó, vào 23h03 phút ngày 7/7, danh sách thông tin của 2.729 hành khách VietJet bay ngày 9/7 được Đức gửi về cho chúng tôi qua Zalo.

Trước đó, trong 2 cuộc gặp trực tiếp để trao đổi mua bán với Đức, chúng tôi dạm hỏi về mức giá khi mua thông tin khách hàng của các hãng hàng không.

- Mua thông tin có đắt không?

“Mua của VietJet là 50 triệu/tháng. Tôi chỉ làm VietJet. Các hãng khác cũng có nhưng mà đắt. Một gói thông tin khách hàng của Bamboo Airways và Vietnam Airlines có giá 80 triệu/tháng, nhưng lại không chi tiết như VietJet. Nó không lấy theo mã tầu bay, gửi rất khó vì mình không biết khách đi giờ nào, về giờ nào. Còn VietJet thì cho thông tin chi tiết từng chuyến bay”, Đức nói.

- Làm thế nào có thể mua được?

“Cái này không phải ai cũng mua được đâu. Phải mất thời gian quan hệ, lâu rồi thì mới có cửa mua được. Người ta có quyền truy cập vào hệ thống, sau đó chụp ảnh gửi ra. Một ngày có bao nhiêu chuyến thì sẽ gửi hết. Sau đó mình sử dụng phần mềm chuyển file ảnh thành file excel để tiện thao tác”.

- Có bao giờ hành khách đi xe thắc mắc rằng anh lấy thông tin từ đâu không?

“Đương nhiên họ thắc mắc nhiều vì nó liên quan đến tính bảo mật của người ta. Nhưng đó là người ta nói, còn việc mình làm thì mình cứ làm. Có người còn gọi điện mắng”.

Có thể thấy, việc lộ thông tin khách hàng từ các hãng hàng không nói chung, VietJet Air nói riêng, đã xảy ra nhiều năm nay. Cuối năm 2017, Cục Hàng không Việt Nam đã vào cuộc kiểm tra về việc để lộ thông tin khách hàng của cả 3 hãng Vietnam Airlines, VietJet Air và Jetstar Pacific. Kết luận thanh tra cho biết nguồn lộ thông tin chính là do nhân viên các hãng và lỗ hổng phần mềm, một phần do đại lý bán vé máy bay.

Một điều đáng chú ý, việc lộ thông tin hành khách đi máy bay được thực hiện một cách thông suốt, liên tục và có tính hệ thống từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác mà chưa được xử lý dứt điểm, và để lại hệ lụy có thể nhìn thấy.

Xin trích lại một lần nữa yêu cầu của khách hàng, ông Ngô Nguyên Đồng: “VietJet phải chịu trách nhiệm như thế nào cho việc lộ bí mật thông tin này? Công ty Cổ phần Hàng không VietJet cần làm rõ vụ việc, phối hợp với cơ quan chức năng đề điều tra người, phòng/ ban nào đã bán thông tin khách hàng cho bên thứ 3 và thông báo bằng văn bản cho người tố cáo về kế hoạch, chi tiết với thời gian cụ thể của việc điều tra này.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm (bản kết luận điều tra) mà người, phòng/ban nào bán thông tin bí mật của khách hàng để xử lý, xử phạt hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Hình thức xử lý do cơ quan chức năng đề nghị. Tất cả mọi giao tiếp giữa VietJet và người tố phải ban hành bằng văn bản, có chữ ký trực tiếp của người có thẩm quyền và đóng dấu đúng luật vào văn bản".

Cuộc sống an toàn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc khi có những diễn biến mới nhất!

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công