largeer

Share This Post

SG247

Trải lòng của chàng sinh viên Kiên Giang xuyên đêm chở bệnh nhân COVID-19

Kiên Giang - Hơn 3 tháng tham gia đội phản ứng nhanh lái xe cấp cứu chở F0, tận mắt chứng kiến những ca bệnh trở nặng không qua khỏi, chàng sinh viên 9x đã có những trải lòng về khoảng thời gian không bao giờ quên đó.

Chứng kiến khoảnh khắc sinh tử

Hơn 1 tháng kể từ khi ngừng tham gia đội Phản ứng nhanh lái xe cứu thương, vận chuyển hàng trăm bệnh nhân F0, F1 tới bệnh viện và khu cách ly, Đỗ Đăng Khoa - sinh viên năm 4 ngành Tài nguyên môi trường, Trường Đại học Kiên Giang - vẫn còn xúc động với 1 kỉ niệm buồn khi tham gia chống dịch.

Là 1 sinh viên năng động, nhiệt huyết, Khoa đã tình nguyện đăng ký tham gia hỗ trợ địa phương trong công tác chống dịch COVID-19. Một chàng trai trẻ chưa từng bị áp lực của khoảnh khắc sinh tử bao lấy mà khoảnh khắc ấy Khoa lại đang mang trên người trọng trách vận chuyển người bệnh.

Chàng sinh viên 9x đã lái những chuyến xe liên tục cả ngày lẫn đêm chở bệnh nhân COVID-19 đến khu điều trị. Ảnh nhân vật cung cấp

Chàng sinh viên 9x đã lái những chuyến xe liên tục cả ngày lẫn đêm chở bệnh nhân COVID-19 đến khu điều trị. Ảnh nhân vật cung cấp

Chia sẻ về cảm giác của mình khi lái xe chở ca bệnh trở nặng, giọng Khoa nghẹn lại: “Đó là lần đầu tiên em cảm thấy rất nhiều suy nghĩ liên tục chạy trong đầu, 1 cụ ông là F0 trở nặng trong đêm. Trên đường đến bệnh viện mọi người đã tích cực sơ cứu nhưng ông không qua khỏi. Người nhà bệnh nhân thì lo lắng và họ cũng giục em chạy nhanh hơn đi. Chưa bao giờ em vừa lái xe mà vừa áp lực và thấy lo lắng như vậy”.

Khoa kể, lúc đó các bác sĩ vẫn tiếp tục cứu chữa còn Khoa thì cứ đi tới đi lui nhìn vào bên trong phòng cấp cứu và cầu mong cho ông vượt qua. “Đợi ở bên ngoài mà đầu óc em trống rỗng, rồi khi bác sĩ xác nhận ông cụ đã mất em thấy hụt hẫng vô cùng, sao dịch bệnh lại quái ác đến như vậy”, Khoa xúc động nói.

Công việc rất vất vả nhưng Khoa luôn giữ tinh thần lạc quan, luôn mỉm cười và cố gắng hoàn thành hết sức mình. Ảnh nhân vật cung cấp

Công việc rất vất vả nhưng Khoa luôn giữ tinh thần lạc quan, luôn mỉm cười và cố gắng hoàn thành hết sức mình. Ảnh nhân vật cung cấp

Từ khoảnh khắc đó, mặc dù rất buồn nhưng chàng sinh viên đã tự an ủi bản thân, cố gắng vực dậy niềm tin và nhiệt huyết tiếp tục cống hiến và chiến đấu với dịch bệnh. Khoa trở lại nhịp công việc bằng sự trưởng thành hơn trong suy nghĩ và còn vận động bạn bè cùng tham gia trực các chốt chống dịch.

Xuyên đêm chở hàng trăm bệnh nhân

Một ngày làm việc của Khoa thường bắt đầu từ 8 giờ sáng đến tối có khi là xuyên đêm không nghỉ vào giai đoạn đỉnh dịch vừa qua. Mỗi xe chở tối đa 8 người mà số lượng bệnh nhân lúc đó rất nhiều nên phải chạy đi chạy về liên tục không nghỉ.

Những chuyến xe ngày đêm cứ nối tiếp có khi Khoa chỉ nghỉ ngơi và ăn uống được 30 phút là phải tiếp tục nhiệm vụ. Những bệnh nhân không đi được, Khoa phải cùng bác sĩ hỗ trợ đỡ bệnh nhân lên, khiêng từ trong hẻm nhỏ ra đến xe. Vừa nóng bức trong bộ quần áo bảo hộ, vừa khát, vừa mệt nhưng nụ cười luôn nở trên môi chàng trai trẻ.

Thèm 1 bữa cơm với mẹ

Khi nghe thông tin tỉnh thiếu tài xế chở bệnh nhân COVID-19, thấy bản thân đủ yêu cầu nên Khoa đã chủ động tham gia vào Đội phản ứng nhanh, khoa Kiểm soát bệnh tật của Trung tâm Y tế thành phố Rạch Giá. Có nhiều người hỏi tiếp xúc F0 thì sợ không, người ta tránh không kịp còn mình lại lao vào Khoa chỉ mỉm cười nhẹ nhàng. Khoa cho hay, khi xác định tình nguyện tham gia em hiểu tính chất công việc này, nếu sợ thì sao mà làm được. Quan trọng là mình phải tự bảo vệ an toàn cho mình và lái xe đưa người bệnh đến nơi đến chốn.

Đỗ Đăng Khoa (thứ 2 từ phải qua) cùng với nhóm lái xe cứu thương chở bệnh nhân COVID-19. Ảnh nhân vật cung cấp

Đỗ Đăng Khoa (thứ 2 từ phải qua) cùng với nhóm lái xe cứu thương chở bệnh nhân COVID-19. Ảnh nhân vật cung cấp

Cha đã mất, nhà đơn chiếc chỉ 2 mẹ con, thế nhưng khi biết Khoa tham gia công việc khá nhiều rủi ro lây nhiễm mẹ Khoa cũng ủng hộ con trai vì bà biết sự nhiệt huyết của con mình dành cho công tác xã hội.Từ khi tham gia thì Khoa và mẹ cũng không gặp nhau nhiều và cũng giữ khoảng cách an toàn khi về nhà nên việc 2 mẹ con có 1 bữa cơm chung là điều không thể.

“Sáng em dậy đi sớm, đến khuya mới về. Mẹ ở nhà ăn cơm 1 mình, đến khi em về cũng lủi thủi ăn 1 mình. 2 mẹ con chỉ nói chuyện qua tin nhắn hoặc điện thoại để đảm bảo an toàn cho mẹ, lúc đó cảm thấy quý trọng hơn những ngày có cuộc sống bình thường. Đơn giản em chỉ mong ngồi ăn 1 bữa cơm chung với mẹ thật ngon, thật vui vẻ và mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi”.

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công