largeer

Share This Post

SG247

Bình Dương: Toàn cảnh vụ "xẻ thịt" gần 8.000m2 đất công ích bán cho người dân nhằm trục lợi

Trong bối cảnh khi Công ty Thuận Lợi đang nợ hàng chục tỷ tiền thuế, buộc cơ quan chức năng phải cưỡng chế thu hồi, đưa tên lên phương tiện thông tin đại chúng thì Công ty Thuận Lợi lại đấu giá thành quyền sử dụng đất tại Đồng Nai với số tiền lên đến gần 1.300 tỷ đồng.

Đất quy hoạch với mục đích phục vụ công ích, đáp ứng cho nhu cầu của cộng đồng dân cư sở tại. Đặc biệt, Bình Dương được cho là rất yếu trong việc đầu tư các công trình cho văn hoá so với tốc độ phát triển kinh tế.

Thế nhưng, khu đất ít ỏi này (so với tổng thể của Bình Dương) dành cho mục đích công cộng càng trở nên quý giá thì cũng bị các tổ chức/cá nhân nhẫn tâm nuốt trọn (nếu không bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời). Điều này cũng đồng nghĩa với việc quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân cũng bị chặn đứng.

Diện tích khu đất bị "xẻ thịt" lên đến gần 8.000m2

Chia nhau trục lợi

Nếu không có sự phát hiện kịp thời và tố cáo áo của người dân (điển hình là ông Huỳnh Đức Anh, ngụ tỉnh Bến Tre) cùng một số người khác, đồng thời, báo chí không vào cuộc thì mọi sự coi như đã thành. Nghiễm nhiên gần 8.000m2 đất công ích tại phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã bị Công ty Thuận Lợi (số 292 đường Đồng Khởi, phường Hoà Phú, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương) “xẻ thịt” bán cho nhiều người khác nhau, qua đó, cùng với các tổ chức/cá nhân liên quan nuốt trọn phần đất này.

Từ đây phải thấy được rằng, công tác quản lý địa bàn về đất đai đã bị buông lỏng hoặc có dấu hiệu làm ngơ để cho doanh nghiệp phân chia trục lợi. Mặt khác, phải có sự tiếp tay của cán bộ công chức địa phương thì quá trình này mới hình thành. “Trường hợp đã liều lĩnh “xẻ thịt” đất công bán cho người dân để trục lợi thì khả năng rất cao là phải có bàn tay của cán bộ, công chức thuộc các đơn vị liên quan. Nếu không thì không dễ gì có thể làm được, đặc biệt đất đai lên tới hàng nghìn m2, chứ có phải là cây kim sợi chỉ đâu”, một luật sư đề nghị không nêu tên chia sẻ.

Xây nhà xong, mới biết đất mình mua là đất công ích của Nhà nước

Hơn thế nữa, nó cũng phản ánh sự liều lĩnh của doanh nghiệp, coi thường pháp luật, dám ngang nhiên “xẻ thịt” đất công để phân lô bán nền?. Vậy số đất này, nếu trót lọt, Công ty Thuận Lợi và các bên liên quan cũng sẽ trục lợi lên tới nhiều tỷ đồng.

Số tiền này được chia cho những ai? Theo như hợp đồng của khách hàng ký với Công ty Thuận Lợi thì số tiền 460 triệu đồng chuyển vào tài khoản của chủ đầu tư (Công ty Thuận Lợi), tiền phí chênh lệch 355 triệu đồng chuyển cho cá nhân ông Hoàng Văn Dũng và 35 triệu đồng phí dịch vụ tư vấn và tiền đặt cọc theo phiếu thu của văn phòng Công ty Kim Oanh tổng số tiền gần 590 triệu đồng.

Thêm vào đó, khách hàng, như trường hợp ông Anh hay bà Trần Thị Xuý (ngụ TP. Huế) đã phải bỏ ra khoản tiền gần 500 triệu đồng để xây dựng nhà lại chuyển cho Công ty Xây dựng MV (cũng do Công ty Thuận Lợi chỉ đạo). Do vậy, tất cả số tiền này Nhà nước không được hưởng một đồng ngân sách nào, trái lại rơi vào túi của các tổ chức/cá nhân nêu trên.

Được biết, Công ty Thuận Lợi do ông Nguyễn Thuận (chồng hợp pháp của bà Đặng Thị Kim Oanh) làm đại diện pháp luật. Trong khi đó, bà Đặng Thị Kim Oanh là Tổng Giám đốc Công ty Kim Oanh. Trong danh sách cổ đông của Công ty Kim Oanh, bà Đặng Thị Kim Oanh có tới 45% giá trị cổ phần, trong đó, ông Nguyễn Thuận có gần 19% cổ phần. Hơn nữa, trong danh sách cổ đông của Công ty Thuận Lợi có tên bà Oanh và con chung của hai ông bà.

Như vậy, ngoài một số cá nhân chưa thể xác minh thông tin như trường hợp ông Hoàng Văn Dũng, Lê Đình Mười (những người hưởng tiền chênh lệch) thì số còn lại đề chảy vào túi gia đình nhà ông/bà Đặng Thị Kim Oanh – Nguyễn Thuận?.

Trong khi đó, trả lời câu hỏi của PV về việc vì sao trong công tác quản lý địa bàn lại để các đơn vị liên quan “xẻ thịt” đất công ích bán cho người dân?. Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND phường Mỹ Phước cho biết: "Chúng tôi cũng thường xuyên trao đổi, chỉ đạo các bộ phận liên quan như địa chính, tài nguyên môi trường để nắm bắt tình hình. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng như trên là chúng tôi đã sai vì đó là phần đất thuộc phạm vi quản lý của mình”.

Quá trình xẻ thịt đất công diễn ra như thế nào?

Về nguồn gốc của khu đất này, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết: Khu đất diện tích 7.551 m2 đất trồng cây lâu năm, thuộc thửa đất số 141, tờ bản đồ số 59 đã được UBND thị xã Bến Cát phê duyệt danh mục quỹ đất công ích cho UBND phường Mỹ Phước quản lý vào đầu năm 2015 và nó nằm xen cài trong ranh giới dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4 - khu B.

Dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4 - khu B vốn là của Công ty TNHH SX-TM Thiên Phú, sau đó, đến tháng 10/2015 đã được chuyển giao cho Công ty Thuận Lợi thông qua việc đấu giá tài sản (toàn bộ quy trình đấu giá tài sản này đang được Bộ Tư pháp tiến hành thanh tra).

Sau khi trúng đấu giá, Công ty Thuận Lợi đã ngang nhiên coi thường pháp luật, tự ý san lấp mặt bằng để phân lô bán nền. Đáng chú ý, phần đất công mà công ty này phân lô bán nền trái phép nhiều người đã xây nhà và người dân sau đó biết mới tố cáo dấu hiệu lừa đảo của Công ty Thuận Lợi là đơn vị trực tiếp bán và đơn vị môi giới là Công ty Kim Oanh.

Do buông lỏng quản lý với diện tích đất công trên, đại diện UBND phường Mỹ Phước cũng kiến nghị “hoán đổi khu đất vị trí khác với diện tích tương ứng cho địa phương”. Đề nghị này vấp phải phản ứng của Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Dương khi cho rằng “không có cơ sở” và “vi phạm Luật Đất đai năm 2013”.

Đến ngày 16/7/2019, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng đã ký văn bản về việc xử lý kiến nghị liên quan đến giao đất công ích tại dự án khu dân cư Mỹ Phước 4: về chủ trương chấp thuận thu hồi diện tích 7.551 m2 đất trồng cây lâu năm thuộc quỹ đất công ích do UBND phường Mỹ Phước quản lý để giao cho Công ty Thuận Lợi thực hiện dự án khu dân cư Mỹ Phước 4 - khu B theo đề xuất của Sở Tài nguyên - Môi trường.

Đồng thời, Công ty Thuận Lợi có trách nhiệm thực hiện việc bồi thường hỗ trợ đối với diện tích đất công ích nêu trên bằng quỹ đất tương ứng để địa phương đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi theo quy định của UBND tỉnh.

Tưởng chừng như quyết định hoán đổi… thành, thế nhưng, sau khi báo chí vào cuộc, mới đây, ngày 24/7/2019, các bên liên quan đã có cuộc họp xem xét xét nguồn gốc khu đất, khảo sát thực tế khu đất có diện tích 7.551m2 nằm trong ranh Dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4 - Khu B.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thị xã Bến Cát cùng một số cơ quan chuyên môn đã tiến hành họp và thống nhất kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương hủy bỏ chủ trương thu hồi 7.551m2 đất công để giao cho Công ty Thuận Lợi.

Sơ đồ hiện trạng dự án, trong đó có Khu dân cư Mỹ Phước 4 – khu B

Dư luận đang chờ quyết định cuối cùng của chính quyền tỉnh Bình Dương. Liên minh gì?

Trong 35 doanh nghiệp nợ trên 653,6 tỷ đồng tiền thuế, tính đến tháng 6/2019 tại Bình Dương thì công ty Kim Oanh nợ hơn 103 tỷ đồng, Công ty Thuận Lợi nợ trên 50,4 tỷ đồng. Như vậy, 2 doanh nghiệp của gia đình ông/bà Thuận – Oanh nợ Nhà nước tới hơn 150 tỷ đồng tiền thuế, chiếm phần lớn số nợ thuế của tỉnh này.

Chính vì nợ thuế quá lớn, nên khi các cơ quan chức năng đưa ra phương án đấu giá thì Công ty Thuận Lợi lại “than” là không có tiền. Thực tế, ngày 5/4/2019, UBND thị xã Bến Cát đã có cuộc họp với các ban ngành, trong đó, có sự tham dự của Công ty Thuận Lợi để tìm cách việc xử lý khu đất công gần 8.000m2 nêu trên.

Giá bán một nền đất bình quân là gần 1 tỷ đồng/nền/100m2 thì số tiền mà các tổ chức/cá nhân trục lợi sẽ lên tới nhiều tỷ đồng

Tại cuộc họp này, đại diện phòng Tài nguyên - Môi trường Thị xã Bến Cát cho rằng, hiện khu đất đã bị san lấp nên kiến nghị Sở Tài nguyên - Môi trường tham mưu UBND tỉnh Bình Dương thực hiện đấu giá quyền sử dụng khu đất trên. Thế nhưng, phát biểu ý kiến tại cuộc họp, đại diện Công ty Thuận Lợi cho biết, hiện không có khả năng thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất hoặc giao đất, cho thuê đất với khu đất trên. Thay vào đó, Công ty này đề nghị các ban ngành “hợp thức hoá” bằng cách cho Công ty nộp tiền sử dụng đất để hoàn thành dự án?.

Trong bối cảnh khi Công ty Thuận Lợi đang nợ hàng chục tỷ tiền thuế, buộc cơ quan chức năng phải cưỡng chế thu hồi, đưa tên lên phương tiện thông tin đại chúng thì Công ty Thuận Lợi lại đấu giá thành quyền sử dụng đất tại Đồng Nai với số tiền lên đến gần 1.300 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 18/7/2019, qua 3 vòng đấu giá khu đất công có diện tích gần 50ha tại Đồng Nai, Công ty Thuận Lợi đã vượt qua 6 nhà đầu tư khác để trúng thầu khu đất này được xem là “đất vàng” với mặt tiền giáp Tỉnh lộ 769, gần dự án Sân bay Quốc tế Long Thành, trước đây do Tổng Công ty Cao su Đồng Nai sử dụng sau đó UBND tỉnh Đồng Nai thu hồi giao lại Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý.

Dư luận đang hết sức nghi ngờ về “kịch bản” trúng đấu giá rồi cố tình kéo dài thời gian thanh toán gây thiệt hại cho chủ đất và Nhà nước mà liên minh: Công ty Kim Oanh - Thuận lợi đã từng thực hiện. Điển hình nhất là Khu dân cư Hoà Lân (Bình Dương) dẫn đến các cơ quan chức năng đang phải tổ chức thanh tra. Điều này có lặp lại với cuộc đấu giá ở Đồng Nai và địa phương này liệu có sa lầy vào vết xe đổ của Bình Dương?.

Từ đây, dư luận cũng nghi vấn về năng lực thực hiện các dự án của liên minh Công ty Kim Oanh - Thuận lợi, đặc biệt là năng lực tài chính. Hơn nữa, khi còn “vướng” vào hàng loạt dự án bị thanh tra, trong đó có dự án nghìn tỷ thì liên minh này còn đủ sức để đảm đương các dự án lớn như ở Đồng Nai?.

(Tiêu đề do Saigon247 đặt lại)

Phong Vân

Theo phununews.vn

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công