largeer

Share This Post

Diễn đàn Hàng hoá tiêu dùng

Cách xử lý khi bị ngộ độc rượu trong dịp Tết

Trong dịp tết, rượu, bia là thức uống thường không thể thiếu, thậm chí lượng rượu, bia tiêu thụ tăng lên đáng để. Vậy cần làm gì khi chẳng may bị ngộ độc rượu trong dịp Tết?

Ngộ độc rượu là gì?

Rượu là một dạng ethanol (rượu ethyl) được tìm thấy trong đồ uống có cồn, nước súc miệng, chiết xuất nấu ăn, một số loại thuốc và một số sản phẩm gia dụng. Các dạng khác của rượu - bao gồm cồn isopropyl (có trong cồn xát, nước thơm và một số sản phẩm tẩy rửa) và methanol hoặc ethylene glycol (một thành phần phổ biến trong chất chống đông, sơn và dung môi) - có thể gây ra các loại ngộ độc khác cần điều trị khẩn cấp.

Cơ chế hấp thụ rượu khi vào trong cơ thể rất nhanh tuy nhiên gan, thận phải mất nhiều thời gian để loại bỏ lượng cồn đã uống. Rượu - cồn được chuyển hóa hầu hết qua gan, do vậy người uống nhiều rượu dễ mắc các bệnh về gan như suy gan, gan nhiễm mỡ, ung thư gan, xơ gan...

Ngộ độc rượu có thể xảy ra đối với người lớn hoặc trẻ em. Trường hợp uống quá nhiều rượu khiến nội tạng không thể chuyển hóa hoặc uống phải rượu kém chất lượng, rượu pha tạp chất...

5

Triệu chứng của ngộ độc rượu

Ngộ độc rượu cấp do uống nhiều rượu được biểu hiện ở nhiều mức độ: Nhẹ thì không kiềm chế được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững; nặng thì nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, hạ huyết áp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu. Uống rượu, bia thời gian dài sẽ dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, rối loại tiêu hóa do tổn thương gan và ruột đặc biệt gây thoái hóa gan, xơ gan dẫn tới ung thư gan. Đối với hệ tim mạch, uống rượu, bia gây nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột qụy ở những người có huyết áp cao. Ngoài ra uống nhiều rượu, bia còn gây mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần. Phụ nữ mang thai uống nhiều rượu có thể gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.

Ngộ độc rượu do uống phải rượu pha cồn công nghiệp: Chất methanol có trong cồn công nghiệp, được pha vào rượu với mục đích tăng nồng độ của rượu, sản xuất rượu nhanh và giảm giá thành. Đây là một chất cực độc, một khi vào cơ thể, sẽ chuyển hóa thành các acid gây tổn thương tế bào, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Đối với hệ thần kinh gây ức chế thần kinh trung ương, khiến người bệnh bồn chồn, đau đầu, chóng mặt, hôn mê, co giật. Đối với hệ tim mạch gây giãn mạch, tụt huyết áp, suy tim. Đối với hệ tiêu hóa gây viêm dạ dày xuất huyết, viêm tuỵ cấp, nôn, ỉa chảy. Đặc biệt ảnh hưởng đến mắt, não, có thể gây mù và dẫn đến tử vong.

Xử trí người bị ngộ độc rượu tại nhà

Không để đối tượng một mình, cần theo dõi tình trạng tri giác, thân nhiệt và xem tình trạng hô hấp của đối tượng. Tránh ứ đọng đờm rãi, tụt lưỡi. Cởi khuy áo cổ, thắt lưng, để đối tượng nằm nơi thoáng khí, khô ráo, tránh gió lạnh.

Tư thế nằm đầu thấp hoặc nằm sấp, mặt nghiêng sang trái để nôn hết rượu ra, hai tay xuôi xuống giường. Không nên ép đối tượng nôn ra hết một cách cưỡng chế vì chất nôn có thể đi vào đường khí quản, gây chẹn đường thông khí.

Cho ăn cháo loãng, 2 tiếng nên ăn một lần tránh giảm thể tích tuần hoàn, hạ đường huyết.

Đối tượng nôn nhiều sẽ có biểu hiện mất nước. Nên cho uống nhiều nước để bù lại, nên sử dụng nước ấm, hoặc các loại nước chanh, nước gừng tươi, nước cam vắt cũng có tác dụng trong việc giải độc rượu bia.

Uống nhiều rượu bia gây hại đến niêm mạc dạ dày, vì thế tránh sử dụng các loại thuốc giảm đau paracetamol, efferagan, nó sẽ làm tình trạng tồi tệ hơn và có hại cho gan. Không sử dụng các chất chống nôn vì sẽ làm chất độc ứ đọng lại cơ thể, không đào thải ra ngoài.

Khi bị ngộ độc rượu, tuyệt đối không nên làm gì?

- Không nên tự ý áp dụng các mẹo chữa say rượu, trường hợp nặng có thể làm tăng rủi ro hơn

- Không nên để người bệnh ngủ: Ngay cả khi người bệnh đã bất tỉnh hoặc ngừng uống rượu, nhưng rượu vẫn tiếp tục được thải ra từ dạ dày và ruột vào trong máu, do đó lượng cồn trong cơ thể tiếp tục tăng, dẫn đến tình trạng ngộ độc thêm nặng.

- Không nên cho người bệnh uống cà phê hoặc tự ý di chuyển có thể gây tai nạn cho người bệnh và những người xung quanh

- Không để người bệnh tắm nước lạnh

- Không để người đang say rượu, ngộ độc rượu nằm ở nơi nhiều gió dễ bị cảm lạnh, đột quỵ, tỷ lệ tử vong cao hơn.

Cách đề phòng ngộ độc rượu ngày Tết

Để phòng ngừa ngộ độc rượu, bia trong dịp Tết Nguyên đán, cần thực hiện các nguyên tắc sau:

- Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.

- Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.

- Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

- Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

- Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.

- Chú ý, khi người uống rượu có các biểu hiện về thần kinh như đau đầu, chóng mặt, ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật… cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử lý, điều trị kịp thời.

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công