largeer

Share This Post

SG247

Có nên chụp X-quang vì lo tổn thương phổi hậu COVID-19?

Dù không có triệu chứng nhưng do quá lo ngại về hậu COVID-19, đặc biệt là vấn đề tổn thương phổi, không ít người tìm tới cơ sở y tế và xin chụp X-quang…

Không triệu chứng cũng xin chụp X-quang

Sau hơn một tháng mắc COVID-19, chị H.T.T. (31 tuổi, ngụ TP.Hà Nội) thường xuyên có cảm giác mệt, thở hổn hển khi leo cầu thang. Dù không ho, không rối loạn giấc ngủ… tuy nhiên, chị vẫn luôn ám ảnh, cơ thể mình đang bị ảnh hưởng bởi hậu COVID-19, đặc biệt là “chức năng phổi bị suy giảm”. Khi tìm tới cơ sở y tế để thăm khám, chị liền đặt vấn đề để chụp X-quang phổi với mong muốn sớm tìm ra bệnh để được điều trị kịp thời. Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cho biết, chị T. chỉ là một trong rất nhiều bệnh nhân đi khám hậu COVID-19 hiện nay có nhu cầu chụp X-quang.

Các bác sĩ khuyến cáo không nên lạm dụng việc chụp X-quang tim phổi và chỉ nên đi khám hậu COVID-19 khi có triệu chứng rõ ràng

Các bác sĩ khuyến cáo không nên lạm dụng việc chụp X-quang tim phổi và chỉ nên đi khám hậu COVID-19 khi có triệu chứng rõ ràng

“Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân đi khám hậu COVID-19 rất nhiều, từ trẻ dưới một tuổi tới các cụ già. Trong đó, mối quan tâm hàng đầu là liệu có tổn thương phổi hay không. Không ít bệnh nhân, trong đó có những người trẻ tuổi đã đề nghị bác sĩ cho chụp X-quang tim phổi và chụp CT cắt lớp để phát hiện bệnh”, bác sĩ Phúc nêu thực tế.

Trên mạng xã hội, tài khoản T.B. chia sẻ hình ảnh sau 14 ngày khỏi COVID-19 nhưng vẫn tức ngực và muốn ho. Người này cũng kêu gọi mọi người nên đi chụp X-quang để điều trị đúng hướng, tránh tự nghĩ ra bệnh và tự uống thuốc. Tương tự, tài khoản M.Đ. khẳng định, dù khi mắc COVID-19 không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc không trở nặng thì việc thăm khám hậu COVID-19 vẫn vô cùng cần thiết.

Theo đó, sau khi đã âm tính, các bệnh nhân vẫn nên thăm khám bác sĩ tim mạch, nội tiết, thần kinh, đặc biệt chụp X-quang tim phổi, siêu âm tim để khỏe mạnh, an toàn. Ngoài ra, rất nhiều phòng khám, cơ sở y tế cũng mở các gói khám tổng quát hậu COVID-19, bao gồm xét nghiệm, chụp X-quang tim phổi, siêu âm màng phổi, siêu âm bụng tổng quát… Mức giá phổ biến từ hơn 2 - 3 triệu đồng.

Không nên lạm dụng

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, cũng giống như các vi-rút cúm khác, SARS-CoV-2 thường tấn công vào đường hô hấp nên gây đau họng, ho, đờm… Các triệu chứng này thông thường sẽ hết theo thời gian. Với người mắc COVID-19, thời gian này có thể kéo dài tới 1 - 2 tháng, cá biệt có những trường hợp có thể kéo dài tới 6 tháng - 1 năm. Do đó, người bệnh không nên quá lo lắng. Với các trường hợp đã khỏi bệnh nhưng không ho, không khó thở thì không cần chụp X-quang.

Đồng quan điểm trên, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, tình trạng ho hậu COVID-19 thường kéo dài, tuy nhiên, nên theo dõi thêm ở nhà, dùng các loại thuốc ho từ thảo dược, bổ phế… chứ không nhất thiết phải đi khám ngay. Với các F0 đã khỏi bệnh, nếu không có triệu chứng cũng không nên đi khám. Bệnh nhân chỉ nên chụp X-quang phổi khi được bác sĩ chỉ định.

Bác sĩ Trần Văn Phúc khuyến cáo, nếu bệnh nhân ho kéo dài từ một tháng trở lên và dùng các biện pháp điều trị nhưng không đỡ; hoặc xuất hiện tình trạng khó thở, mệt mỏi khi đi lại, sinh hoạt thì cần đi khám. Các bác sĩ sẽ đánh giá tính năng hô hấp và có thể chỉ định chụp X-quang tim phổi khi cần thiết.

Ngoài ra, mỗi người cũng có thể tự kiểm tra về tình trạng hô hấp của mình bằng một bài tập đơn giản. Đó là sử dụng đồng hồ bấm giờ và đi bộ trong vòng sáu phút. Người thực hiện cần đi liên tục, trở đi trở lại. Nếu trong sáu phút đó phải nghỉ giữa chừng vì quá mệt hay không đi được vượt quá 500m thì phải đi khám.

Cũng liên quan tới vấn đề này, tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Nội hô hấp Bệnh viện Nhân dân Gia Định, chia sẻ, cảm giác hụt hơi, thở nhanh lúc vận động sau khi mắc COVID-19 có thể do nhiều nguyên nhân. Một bài kiểm tra khả năng gắng sức được bác sĩ đưa ra là đứng lên ngồi xuống trong vòng một phút hoặc đi bộ 40 bước trên mặt phẳng. Nếu nồng độ ô-xy giảm 3% so với giá trị ban đầu thì nên đi khám sớm ở cơ sở y tế.

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công