largeer

Share This Post

Diễn đàn Nông sản

Cứu nông sản, không thể mãi dựa vào… lòng thương

Nếu không có giải pháp căn cơ, sẽ đến lúc người tiêu dùng cũng cảm thấy mệt mỏi nặng nề, khi mà các đợt giải cứu nông sản diễn ra liên tục như hiện nay.

Giải cứu nông sản không phải là câu chuyện mới, mà đã được đưa ra bàn bạc nhắc đi nhắc lại rất nhiều. Nó gắn liền với câu chuyện được mùa mất giá của nông dân, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, nông dân lao đao, khốn đốn vì không thể “giải phóng” được hàng hóa do mình sản xuất ra. Người ta kêu gọi giải cứu từ rau củ, trứng rồi đến bưởi, dưa hấu...Nhưng liệu người tiêu dùng có hào cảm mãi được không nếu như không có giải pháp căn cơ nào?

Empty
Empty
Empty

Ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, chia sẻ khi vùng trồng chuối tại tỉnh Đồng Nai trông chờ giải cứu, ông có đến tìm hiểu thì được biết hầu hết hộ trồng gần như không biết thông tin gì về thị trường. Họ chỉ biết trồng, đến kỳ thu hoạch thì trông chờ thương lái thu mua xuất đi Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Những thương lái này cũng mù tịt về thị trường, mua bán theo đơn đặt hàng miệng từ các đầu mối bên kia biên giới. Phía nhập khẩu có thể dừng mua bất cứ lúc nào và khi không có đầu ra thì chuối hay nhiều loại nông sản khác thừa mứa phải kêu gọi giải cứu là điều dễ hiểu.

Ở mỗi đợt giải cứu, người trồng chỉ quan tâm được “cứu”, tức là làm sao bán được hết. Qua đợt rồi, mọi thứ lại như cũ, các giải pháp lâu dài để tránh tái diễn rất ít được quan tâm. Với đặc thù quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, phân tán, nông dân sản xuất tự phát theo phong trào. Đầu ra thì trông chờ vào thương lái khiến nông sản luôn đối diện với rủi ro.

Trong buổi tọa đàm với chủ đề “Tiêu thụ nông sản: Liên kết từ sản xuất đến thị trường” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 27-4-2015, lối ra cho hàng nông sản Việt vẫn mù mịt.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng chính sách nông nghiệp của chúng ta vừa đủng đỉnh vừa hấp tấp. “Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng có từ năm 2002 mà sau hơn 12 năm chưa có gì thay đổi. Chúng ta có đủng đỉnh quá không” - ông Dũng đặt vấn đề.

“Đặc thù của nông dân thấy lợi nhuận trước mắt không đạt là chặt bỏ, chuyển đổi cây trồng, dẫn đến cung vượt cầu và chúng ta không định hướng được quy hoạch” - ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn), nhấn mạnh và nói liên kết 4 nhà như một dàn nhạc, trong đó nhà nước là nhạc trưởng. Tuy nhiên, hiện nay dàn nhạc chưa ăn khớp và gần như chúng ta đang phải chơi nhạc cho nông dân nghe.

Hiện nay phong trào giải cứu nông sản đang diễn ra mạnh mẽ, không chỉ cá nhân, nhóm tự phát… đứng ra tổ chức, kêu gọi giải cứu nông sản, các trang thương mại điện tử (TMĐT) gần đây cũng tham gia hoạt động này. voso.vn (Vỏ Sò) của Viettel Post hay Sendo kết hợp cùng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương, đều đưa các loại nông sản như trứng gà Cẩm Đông, gà đồi Chí Linh, ổi Thanh Hà; bắp cải, su hào của tỉnh Hải Dương tiêu thụ qua kênh này… Tuy nhiên, đại diện các sàn TMĐT này cho rằng đó chỉ là giải pháp tình thế. Theo đại diện Viettel Post, lâu dài, TMĐT là cầu nối để nông dân nắm bắt nhu cầu thị trường, tiêu thụ nông sản, ổn định đầu ra mới có thể bền vững.

Mới đây, ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNN), cho rằng thị trường nông sản hiện nay rối rắm. Không phải chỉ COVID-19 làm cho nông sản ùn ứ mà cứ lâu lâu lại có một đợt ùn ứ dưa hấu, thanh long, hành tím… Cần xóa tình trạng mua mùa, bán mùa như hiện nay. Muốn vậy, theo ông Hoan, thị trường mua bán nông sản phải có thông tin minh bạch, từ đó mới biết được cần trồng loại cây nào, sản lượng bao nhiêu là đủ…

Rất nhiều ý kiến cho rằng, ngành nông nghiệp cần tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Sản xuất phải gắn với tín hiệu thị trường, ở góc độ vĩ mô là thị trường xuất khẩu, vi mô là đầu ra tại địa phương trên nền tảng thông tin về mặt kết nối cung cầu, các loại hình cung ứng sản phẩm để bám sát kế hoạch sản xuất, kiểm soát sản lượng. Đồng thời, cần nâng cao năng lực thị trường của tất cả các chủ thể đặc biệt là nông dân. Các cấp quản lý cũng cần nâng cao sự giám sát, hỗ trợ nông dân. Các bên cần hiểu rõ tính chất mùa vụ phải gắn liền với tính chất thị trường để tăng hoặc giảm sản lượng, mùa vụ. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số, tư duy kinh tế số trong nông nghiệp. Mỗi sản phẩm phải đáp ứng chất lượng, truy xuất nguồn gốc và phối hợp với các kênh truyền thống và online để phân phối hiệu quả.

Có lẽ, để không còn phải giải cứu nông sản như hiện nay, rất cần sự chủ động của các cơ quan chức năng trong việc kết nối, thông tin tới các đơn vị phân phối về sản lượng, giá, nhu cầu để tiêu thụ ổn định và lâu dài. Cần nắm bắt diễn biến thị trường, diễn biến dịch bệnh để vừa chống dịch, vừa có kế hoạch sản xuất phù hợp thực tế, không để dư thừa nông sản.

Thiết nghĩ, đối với những vựa nông sản có diện tích trồng ổn định hàng bao nhiêu năm nay, thì hướng đi tìm đầu ra cho nông sản phải luôn được đặt ra trước một bước. Dịch bệnh diễn biến phức tạp từ thời điểm trước tết, nguồn tiêu thụ đã gặp khó một thời gian nhưng chỉ đến khi một diện tích lớn hoa màu phải chặt bỏ thì các địa phương mới đi tìm hướng ra theo kiểu vận động mua hỗ trợ. Đây hoàn toàn không phải là giải pháp lâu dài.

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công