largeer

Share This Post

Diễn đàn thực phẩm

Dâu tây và trái hồng Đà Lạt vẫn cạnh tranh gay gắt với hàng nhập từ Trung Quốc

Vừa qua, dâu tây và quả hồng ăn của TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu. Điều này giúp nông sản của địa phương giảm bớt sự cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc, giúp người dân địa phương phát triển kinh tế.

Theo thông tin trên báo Người lao động: Ngày 3-7, UBND TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), tổ chức công bố quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Dâu tây Đà Lạt" và "Hồng Đà Lạt". Tại buổi công bố, có 26 cá nhân, đơn vị trên địa bàn đủ điều kiện sử dụng nhãn hiệu chứng nhận này. Trong đó, có 10 cá nhân và đơn vị trồng, kinh doanh dâu tây; 16 cá nhân, đơn vị trồng, sản xuất hồng ăn trái.

Khẳng định thương hiệu đặc sản Đà Lạt

Hiện diện tích dâu tây ở TP Đà Lạt vào khoảng 120 - 130 ha, sản lượng bình quân 1.500 tấn/năm. Trong những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ mới như canh tác giống mới, trồng trong nhà mái che, trồng bằng hệ thống thủy canh, trồng phủ ni-lông trên mặt luống hay cung cấp nước, phân bón qua hệ thống nhỏ giọt… đã làm tăng năng suất dâu tây lên gấp 2-3 lần và có thể trồng quanh năm. Tuy nhiên, diện tích dâu canh tác theo công nghệ mới vẫn còn hạn chế do chi phí đầu tư ban đầu cao. Hiện nay, giống, kỹ thuật trồng, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tập trung; sản xuất dựa trên kinh nghiệm là chính.

Trong khi đó, diện tích hồng tại Đà Lạt còn khoảng 370 ha, trong đó trồng xen trong cà phê chiếm khoảng 98,1%; còn lại là trồng thuần. Sản lượng quả tươi hằng năm đạt trên 12.500 tấn/năm.

85% trái hồng Đà Lạt tiêu thụ trên thị trường dưới hình thức ăn quả tươi. Do phải cạnh tranh với hồng Trung Quốc nên trái hồng Đà Lạt từ cây "xóa đói giảm nghèo" trước những năm 2000 thì hiện nay, người trồng hồng thu nhập bấp bênh. Do chưa có chính sách về giá, sản phẩm chưa có thương hiệu nên sản phẩm hồng ăn trái thường bị tư thương ép giá. Mặt khác, sản phẩm hồng ăn trái khi tiêu thụ trên thị trường chưa được kiểm duyệt; công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, chế biến, bảo quản sau thu hoạch chưa được chú trọng… nên ảnh hưởng lớn đến tâm lý người mua và thu nhập người trồng hồng. Nhiều nhà vườn chặt bỏ hồng để chuyển sang cây trồng khác khiến diện tích hồng ăn trái tại Đà Lạt ngày càng thu hẹp.

quả hồng sấy

Hồng sấy công nghệ Nhật Bản - một trong những đặc sản Đà Lạt - được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu

Có mặt tại buổi công bố quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Dâu tây Đà Lạt", chị Phạm Nữ Ngọc Trâm, chủ vườn dâu sạch ở phường 7, TP Đà Lạt, bày tỏ niềm vui vì cuối cùng dâu tây Đà Lạt cũng được "minh oan". "Đây là cơ hội để người canh tác dâu tây Đà Lạt lấy lại niềm tin của người tiêu dùng cũng như phục hồi các diện tích dâu tây đã bị phá bỏ do cạnh tranh với hàng Trung Quốc thời gian qua. Bên cạnh đó, cũng là thách thức khi người nông dân phải tích cực áp dụng khoa học công nghệ trong canh tác để phát triển thương hiệu cũng như sản phẩm chất lượng ra thị trường" - chị Trâm nhìn nhận.

Chị Tôn Nữ Anh Đào, người trồng hồng ăn trái ở xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, cho biết hồng Trung Quốc tràn ngập Đà Lạt kéo giá cả xuống thấp thảm hại, chỉ khoảng 10.000 đồng/kg. Hầu hết các nhà vườn xen canh cây hồng trong vườn cà phê không còn mặn mà và có xu hướng chuyển qua canh tác các loại hoa màu khác.

"Từ mùa vụ 2019 đến nay, giá hồng Đà Lạt có dấu hiệu phục hồi. Bây giờ, khi người dân được cấp quyền sử dụng chứng nhận nhãn hiệu thì sẽ rất yên tâm. Đặc biệt là những người đi theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch. Điều này cũng làm cho khách hàng, du khách khi mua dâu tây, hồng ăn trái sẽ yên tâm, không lo lắng về chất lượng của các đơn vị, cá nhân được cấp quyền. Hơn nữa, chứng nhận này sẽ giúp nâng tầm nông sản Đà Lạt, cạnh tranh được với hàng Trung Quốc, tránh tình trạng giả mạo hàng" - chị Đào phấn khởi.

Tìm hướng phát triển bền vững

Chia sẻ với Danviet.vn, ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt nhận định: "Hiện nay, sản phẩm dâu tây trên địa bàn chưa có thương hiệu và phần lớn diện tích sản xuất chưa được áp dụng theo quy trình tiên tiến. Công tác thu hoạch và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch chưa được quan tâm, quy mô sản xuất tập trung hình thức hộ gia đình… Nhìn chung, do chưa có chính sách về giá, sản phẩm chưa có thương hiệu nên sản phẩm dâu tây thường bị tư thương ép giá.

Mặt khác, sản phẩm dâu tây khi tiêu thụ trên thị trường chưa được kiểm duyệt, công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, chế biến, bảo quản sau thu hoạch chưa được chú trọng …

Vì vậy, đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý người mua và thu nhập người dân trồng dâu tây. Việc giả mạo, lạm dụng địa danh Đà Lạt đối với sản phẩm cây ăn trái Đà Lạt xảy ra tương đối phức tạp, làm giảm uy tín cũng như thương hiệu của sản phẩm.

Trước những đòi hỏi của thị trường về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, người nông dân canh tác theo hướng truyền thống chưa áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và đóng gói sản phẩm.

Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dâu tây, hồng Đà lạt là hết sức cần thiết". Trong khi đó, hồng ăn trái của Đà Lạt cũng phải cạnh tranh gay gắt với hồng Trung Quốc. Trái hồng tại Đà Lạt tiêu thụ trên thị trường 85% dưới hình thức hồng ăn quả tươi (hồng giòn hoặc hồng chín) nên thời gian sử dụng chỉ được 5 - 6 ngày.

Vì vậy, khi diện tích trồng hồng ăn trái tại Đà Lạt và các vùng phụ cận gia tăng "cung vượt cầu" trái hồng từ cây xóa đói giảm nghèo trước những năm 2000 đến thời điểm hiện nay giá rất thấp. Nguồn thu nhập từ hồng ăn trái bấp bênh. Do đó, hồng ăn trái trong sản xuất không được chăm sóc, một số diện tích đã bị chặt bỏ dẫn đến diện tích hồng ăn trái tại Đà Lạt ngày càng thu hẹp.

Đến nay, Đà Lạt và vùng lân cận cung cấp cho thị trường tiêu thụ khoảng hơn 4.000 tấn. Trong đó, hồng trứng chiếm khoảng 55%, hồng vuông 25%, hồng chén 10%, hồng bom 5%.

Hiện, hồng được các nhà vườn bán khoảng 5.000 đồng/kg tươi và đạt 12.000- 14.000 đồng vào cuối vụ. Thị trường chủ yếu là TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh miền Trung. Hồng tươi được tập kết về các chợ đầu mối sau đó phân phối về chợ nhỏ trước khi bán cho người tiêu dùng.

Đến nay sản phẩm Hồng sấy khô theo công nghệ Nhật Bản đã có mặt trên thị trường và đang từng bước hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu thị hiếu ngày càng cao và đa dạng của người tiêu dùng. Giá sản phẩm Hồng sấy khô từ 250.000 - 400.000 đ/kg.

 

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công