largeer

Share This Post

Diễn đàn thực phẩm

Nhận giải gạo ngon nhất thế giới nhưng 90% người Việt Nam đang ăn gạo "bẩn"?

"Tôi xin khẳng định, 90% người Việt Nam ăn gạo bẩn, có khi 90% là khiêm tốn... Rất nhiều người nghĩ ăn gạo bẩn không chết, mà thực tế thì Việt Nam hay thế giới ăn gạo bẩn cũng không ai chết ngay cả. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây tỷ lệ người bị ung thư, tiểu đường… ngày càng tăng, mà nguyên nhân có sự góp phần của gạo bẩn, của thuốc bảo vệ thực vật tích tụ trong gạo" - Đây là lời phát biểu của ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An), tại trao đổi "Xuất khẩu châu Âu từ lợi thế EVFTA, hàng Việt cần gì?" ngày 3/9.

Ông Bình cũng cho rằng, người tiêu dùng cũng đã nhận thức được mối nguy này, và tìm mua "gạo sạch". Nhưng "gạo bẩn" chiếm tới 90%, 10% được xem là "gạo sạch" được một số doanh nghiệp đầu tư trồng. Do "gạo sạch" số lượng rất hạn chế nên nảy sinh vấn đề "trồng1 nhưng bán tới 2, tới 3". Có người chỉ trồng 5 héc-ta gạo hữu cơ - Global GAP mà mở cửa hàng gạo sạch bán khắp cả nước. Nhiều cửa hàng ở TPHCM hay Hà Nội bán tràn lan gạo Global GAP, nhưng được trồng ở đâu thì chẳng ai biết.

“Diện tích trồng lúa tiêu chuẩn của chúng tôi lên tới hàng chục ngàn héc-ta mà sản lượng gạo sạch vẫn chỉ là con số rất nhỏ, chưa dám nói là phân phối đủ cho Đồng bằng sông Cửu Long này được” - ông Bình nói.

Lãnh đạo Công ty Trung An cho rằng, người tiêu dùng khi mua gạo đừng quá dễ dãi mà phải đòi hỏi nhà cung cấp về giấy chứng nhận sản phẩm, từ đó truy xuất nguồn gốc sản phẩm mình đang dùng.

Ông Bình cho biết thêm, hiện Việt Nam cũng đã xuất khẩu gạo vào các thị trường khó tính như châu Âu. Theo ông Bình, gạo đạt tiêu chuẩn vào châu Âu không phải là khó. Tiêu chuẩn Global GAP để xuất khẩu vào châu Âu không khác gì nhiều so với tiêu chuẩn VietGAP, vì GAP là thực hành nông nghiệp tốt, trong đó quan trọng là không có thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm. Tuy nhiên, chứng nhận VietGAP không được các nhà nhập khẩu chấp nhận bởi một số sản phẩm VietGAP đi vào châu Âu thì lại có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bị trả lại. Châu Âu không tin tưởng chứng nhận VietGAP nên các doanh nghiệp muốn xuất hàng vào thị trường này phải theo tiêu chuẩn Global GAP.

Trước ý kiến của doanh nhân Phạm Thái Bình tại một cuộc tọa đàm cho rằng, 90% người Việt Nam ăn gạo "bẩn" (không sản xuất theo tiêu chí VietGap, GlobalGap-PV), Anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua – cha đẻ của gạo ST25 – gạo vừa đoạt giải “Gạo ngon nhất thế giới” nêu ý kiến:

Hiện nay số đăng ký để làm gạo Global Gap, VietGap chỉ chiếm 1% diện tích, nên nếu nói những gạo không trồng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap là “gạo bẩn” thì 99% gạo còn lại của Việt Nam là “bẩn”.

Dù không ăn gạo sản xuất theo GlobalGap, VietGap, cũng không thể khẳng định người dân Việt Nam ăn gạo “bẩn“. (Ảnh minh họa)

Dù không ăn gạo sản xuất theo GlobalGap, VietGap, cũng không thể khẳng định người dân Việt Nam ăn gạo “bẩn“. (Ảnh minh họa)

"Vậy với 99% gạo bẩn như thế thì Việt Nam lấy gạo ở đâu để xuất khẩu?" – Kỹ sư Hồ Quang Cua bức xúc đặt ngược câu hỏi.

Còn theo TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, lúa gạo là một trong những ngành hàng nông sản đạt được nhiều thành công trong thời gian qua. Như vậy, nhận định 90% người Việt đang phải dùng gạo "bẩn" là không thỏa đáng.

“Đây là một nhận xét không thỏa đáng, không có căn cứ và không công bằng cho gạo Việt. Trong bối cảnh chúng ta đang cạnh tranh gay gắt, những thông tin như thế sẽ làm tổn hại đến uy tín mặt hàng gạo xuất khẩu chúng ta đã gây dựng trong nhiều năm qua” – TS Đặng Kim Sơn nêu ý kiến.

TS Đặng Kim Sơn cũng nêu rõ rằng, nếu như trước kia, giá gạo Việt thấp hơn rất nhiều so với giá gạo thế giới, nhất là gạo Thái Lan thì giờ đã tiến sát gần nhau về giá, thậm chí có thời điểm còn cao hơn.

Phản biện về các ý kiến của dư luận xung quanh câu nói "90% người Việt ăn gạo "bẩn" mà bản thân đã nêu ra tại một cuộc tọa đàm, trong cuộc trao đổi với PV Lao Động chiều 5.9, ông Phạm Thái Bình cho biết:

"Tôi nói gạo “bẩn” ở đây là nói theo tiêu chuẩn chuyên ngành nông sản thực phẩm mà các nước trên thế giới đang nói tới và sử dụng. Cụ thể là: Trong lúa, gạo, rau, củ, trái cây, hoặc thủy sản sạch là sản xuất canh tác đạt tiêu chuẩn từ VietGAP; GlobalGAP hoặc hướng hữu cơ, organic. Còn không đạt tiêu chuẩn tối thiểu như trên là sản phẩm không an toàn".

“Đã là gạo không an toàn người ta gọi là “bẩn” cũng không sai. Tôi nói con số 90% (người dân ăn gạo chưa sạch-PV) là căn cứ trên cơ sở bằng chứng rõ ràng rằng:

Việt Nam trung bình mỗi năm canh tác 4,5 triệu hecta đất lúa, cho ra sản lượng trung bình khoảng 45 triệu tấn lúa một năm, tương đương 25 triệu tấn gạo một năm.

Trong đó xuất khẩu khoảng 7 triệu còn lại là tiêu dùng nội địa. Trong 4,5 triệu hecta đất trồng lúa hiện tại chưa có 400 nghìn hecta diện tích trồng lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP để cho ra gạo an toàn. Như vậy, con số 90% là còn ít” – ông Phạm Thái Bình phân tích.

Ông Bình cũng khẳng định rằng, thông tin về việc người dân Việt Nam đang sử dụng gạo không an toàn không ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Ngược lại, Châu Âu hoặc các nước khác khi biết được thông tin họ còn cho là chúng ta thành thật và thẳng thắn, bởi chính các nước cũng đang đau đầu với thực phẩm “bẩn”, trong đó có cả gạo chứa nhiều hóa chất.

Người Việt Nam cần được biết đến và cần được sử dụng sản phẩm gạo an toàn và để làm được điều này, có một giải pháp duy nhất là ngành hàng lúa gạo thực hiện tốt mô hình cánh đồng lớn liên kết trồng lúa giữa doanh nghiệp với nông dân theo mô hình của Bộ NNPTNT đưa ra từ năm 2010 và hiện nay cả Chính phủ và Bộ NNPTNT cũng đang tích cực chỉ đạo thực hiện.

Lúa sạch chỉ có khi thực hiện trong mô hình này. Vì mô hình này nông dân trồng lúa theo yêu cầu của doanh nghiệp, được doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào và hướng dẫn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP.

Như vậy, không những người tiêu dùng được sử dụng gạo an toàn mà nông dân còn có thu nhập cao; kim ngạch xuất khẩu của Việt nam được tăng cao kể cả doanh số và giá trị hạt gạo.

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công