Nhập nhèm giao đất, doanh nghiệp xây khu du lịch lấn di tích
Công ty TNHH Hải Đăngđược tỉnh Khánh Hòa cho thuê đất làm du lịch không qua đấu giá, đấu thầu. Sau khi phát hiện việc giao đất là sai, chính quyền tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án, nhưng lại ký tiếp một giấy “phép con” với danh nghĩa hợp đồng cho thuê mặt hồ làm du lịch.
Việc giao đất trái quy định, ưu ái doanh nghiệp không chỉ tạo ra sự bất bình đẳng mà còn gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Dù đã bị rút giấy phép đầu tư nhưng công ty Hải Đăng vẫn thu phí làm du lịch trong thời gian qua. Ảnh: H.L
Hợp thức hóa đất công cho doanh nghiệp
Năm 2008, UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình “tái hiện lại căn cứ Đồng Bò” (xã Phước Đồng, TP.Nha Trang) do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư với số vốn hơn 21 tỉ đồng. Toàn bộ tài sản tại khu vực khu di tích cách mạng này đến nay vẫn do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa quản lý, sử dụng.
Trong khi công trình chưa nghiệm thu, hoàn thành (năm 2014) thì Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa đã ký biên bản tạm bàn giao mặt bằng khu đất và tài sản trên đất tại di tích cách mạng Đồng Bò cho Công ty Hải Đăng khi chưa có văn bản chỉ đạo của tỉnh Khánh Hòa - một năm sau, 2 bên mới ký kết hợp đồng chính thức.
Cũng trong năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Hải Đăng đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Hải Đăng tại Hồ Kênh Hạ 1 - nằm sát di tích Đồng Bò. Dự án với quy mô hơn 16ha, trong đó diện tích mặt đất là 3,7ha, mặt nước hơn 13ha. Mục tiêu của dự án là xây dựng khu du lịch sinh thái với khu vui chơi, các hoạt động cắm trại, dã ngoại...
Nếu mọi việc suôn sẻ, Công ty Hải Đăng sẽ được xây dựng, khai thác du lịch khu vực rộng ở Hồ Kênh Hạ 1 và quản lý trực tiếp cả khu di tích cách mạng Đồng Bò. Tuy nhiên đến năm 2018, qua rà soát, UBND tỉnh Khánh Hòa phát hiện việc giao đất không qua đấu giá, cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Hải Đăng là chưa đúng quy định nên thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên dự án thì không bị thu hồi, thậm chí để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, tỉnh Khánh Hòa vẫn đồng ý cho thuê lại mặt hồ Kênh Hạ 1 để làm du lịch.
Chồng chéo quản lý
Hiện toàn bộ khu vực rộng lớn ở Hồ Kênh Hạ 1 và di tích cách mạng Đồng Bò đều do Công ty Hải Đăng quản lý, bảo vệ và làm du lịch. Đáng nói là trước khi bị thu lại giấy chứng nhận đầu tư (năm 2019), Công ty Hải Đăng đã cải tạo, thay đổi hiện trạng đất sát khu vực hồ thủy lợi để hoạt động du lịch trong đó có mở rộng tuyến đường bêtông, xây dựng nhiều nhà bêtông kiên cố để check in, vui chơi, giải trí.
Ông Phạm Là - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa - xác nhận, việc ký hợp đồng với Công ty Hải Đăng về việc cho thuê mặt nước để làm du lịch trong thời gian 5 năm. Ông Là cho rằng, công ty chỉ quản lý khu vực mặt nước mà chính quyền đã cho Công ty Hải Đăng thuê lại, riêng khu vực bên trên thuộc về sự quản lý của chính quyền địa phương.
“Trước đây Công ty Hải Đăng có xây dựng dang dở nên ưu tiên cho doanh nghiệp thuê lại mặt nước làm du lịch trong 5 năm. Sau này hết thời hạn thuê, Công ty Hải Đăng phải tổ chức đấu giá, đấu thầu theo quy định”- ông Phạm Là nói.
Còn ông Lê Xuân Thơm - Tổng Giám đốc Công ty Hải Đăng - thừa nhận, ban đầu vì nghĩ rằng tỉnh Khánh Hòa giao đất để công ty xây biệt thự xung quanh hồ nên ông mới nhận dự án. Rồi sau này khi nhận dự án thì mới phát hiện việc xây dựng các biệt thự là điều không thể. Ông Thơm cũng thừa nhận sau từ khi tỉnh rút giấy phép đầu tư, doanh nghiệp chỉ hoạt động kinh doanh trên khu vực mặt hồ Kênh Hạ 1. Riêng khu vực di tích lịch sử hồ Đồng Bò, ông Thơm xác nhận đã ký hợp đồng hợp tác, trông coi, bảo vệ giúp cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa.
“Sau thời hạn 5 năm thuê mặt hồ, nếu doanh nghiệp chúng tôi tính toán có hiệu quả thì sẽ tổ chức đấu giá, đấu thầu. Còn nếu ai làm tốt, chúng tôi sẵn sàng nhường và chỉ lấy tiền đã đầu tư dự án” - ông Thơm nói.
Được biết, liên quan đến việc các cấp có thẩm quyền tham mưu cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án của công ty Hải Đăng vào năm 2014 không đúng quy định, vào năm 2018, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các cơ quan liên quan chấn chỉnh, nghiêm túc rút kinh nghiệm.