largeer

Share This Post

SG247

Tin vui: Từ ngày 1/8, người gửi tiền có thể rút trước hạn một phần sổ tiết kiệm mà không phải chịu lãi suất không kỳ hạn với toàn bộ số tiền như trước đây?

Chị Minh, nhân viên văn phòng, đã ngồi hơn 15 phút tại quầy giao dịch của một ngân hàng thương mại nhưng vẫn chưa quyết định đươc sẽ gửi tiền tiết kiệm với kỳ hạn bao nhiêu tháng.

Khi được nhân viên tư vấn, chị bày tỏ băn khoăn. Gửi kỳ hạn dài lãi suất cao hơn, nhưng nếu có việc giữa chừng dùng đến sẽ phải tất toán toàn bộ sổ tiết kiệm trước hạn và chỉ được hưởng lãi không kỳ hạn rất thấp.

Cuối cùng, thêm 15 phút nữa trôi qua, chị Minh quyết định chia số tiền 1 tỷ đồng thành 3 sổ tiết kiệm với kỳ hạn dài ngắn khác nhau. "Mặc dù như vậy có hơi mất công nhưng tôi sẽ đỡ bị thiệt nếu có việc đột xuất cần đến tiền", chị Minh nói.

Với bà An, 65 tuổi, bà thậm chí có đến gần chục cuốn sổ tiết kiệm. Khi được tư vấn dồn, gộp sổ cho dễ quản lý, bà nói: "Tôi già rồi, không biết đau ốm cần tiền khi nào, chia ra ngày đến hạn khác nhau cần thì rút cho đỡ thiệt thòi"

59

Băn khoăn của chị Minh hay lo xa của bà An cũng là suy nghĩ chung của nhiều người trong việc tối ưu hóa tiền gửi tiết kiệm.

Bởi lẽ trước đây, khi không có quy định về việc rút trước hạn một phần, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn dài, sau đó đột xuất có việc cần sử dụng, nếu rút một phần tiền gửi ra thì sẽ phải tất toán toàn bộ sổ tiết kiệm.

Lãi suất khách hàng được nhận khi đó chỉ bằng lãi suất không kỳ hạn, thấp hơn rất nhiều so với lãi suất có kỳ hạn theo thỏa thuận trên sổ.

Chẳng hạn, lãi suất kỳ hạn 12 tháng vào khoảng 6%/năm nhưng lãi suất không kỳ hạn, phổ biến dao động từ 0,2% - 0,4%/năm.

Tháng 10 năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo Thông tư quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, quy định tạo ra cơ chế để khách hàng có thể rút trước hạn một phần tiền gửi. Khách hàng chỉ chịu lãi suất không kỳ hạn với phần vốn rút trước hạn, phần còn lại vẫn được giữ nguyên lãi suất đã thỏa thuận trên sổ.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết: Trên thực tế người dân gửi tiết kiệm khi có nhu cầu rút trước hạn phục vụ nhu cầu thực tế tiêu dùng, như quy định trước đây cần phải rút toàn bộ số tiền gửi, chưa đến thời hạn đã phải rút, như vậy người dân phải hưởng lãi suất không kỳ hạn, rất là thiệt.

"Tôi cho đây là một sự đổi mới, phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như đáp ứng được yêu cầu của người dân", ông Hùng nói.

Vì việc rút trước hạn một phần tiền gửi sẽ làm thay đổi về kỳ hạn và lượng tiền gửi còn lại, để đảm bảo không xảy ra tình trạng thiếu hụt vốn hoặc thanh khoản có vấn đề, đặc biệt là thời điểm cuối năm hoặc cuối kỳ.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực bày tỏ quan điểm về dự thảo: "Ngân hàng Nhà nước cũng cần có một bài toán dự phòng cho chuyện đó, tức là cần có nguồn vốn dự phòng. Ví dụ như là huy động từ kênh thị trường liên ngân hàng. Ngân hàng cũng cần phải theo dõi 1 thời gian, để tính toán được chu kỳ, xem là vào giai đoạn nào khách háng sẽ rút nhiều hơn cả, chẳng hạn như thời kỳ mua sắm, thời kỳ cuối năm, để những thời điểm đó có phương án chuẩn bị tốt nhất về nguồn vốn của mình".

Theo chuyên gia, đề xuất mới cũng tạo điều kiện để phát triển những sản phẩm huy động vốn đa dạng của người gửi tiền.

Mới đây ngày 16/06/2022, Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) đã hiện thực hóa dự thảo này bằng thông tư số 04/2022/TT-NHNN Quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2022.

Thông tư 04 quy định rõ rút trước hạn tiền gửi là trường hợp khách hàng rút một phần hoặc toàn bộ tiền gửi trước ngày đến hạn, ngày chi trả, ngày thanh toán của khoản tiền gửi. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận việc rút trước hạn tiền gửi phù hợp với các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với từng hình thức tiền gửi cụ thể.

Theo đó, lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức tín dụng), được quy định như sau:

- Trường hợp rút toàn bộ tiền gửi: áp dụng mức lãi suất tối đa bằng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm rút trước hạn.

- Trường hợp rút một phần tiền gửi:

Đối với phần tiền gửi rút trước hạn: áp dụng mức lãi suất bằng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm rút trước hạn.

Đối với phần tiền gửi còn lại: áp dụng mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi khách hàng rút trước hạn một phần.

Sau khi có quy định của Ngân hàng Nhà nước, việc tiếp theo là chờ các Ngân hàng thương mại hiện thực hóa quy định này vào trong các sản phẩm tiền gửi cụ thể.

Nguồn http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/tin-vui-tu-ngay-1-8-nguoi-gui-tien-co-the-rut-truoc-han-mot-phan-so-tiet-kiem-ma-khong-phai-chiu-lai-suat-khong-ky-han-voi-toan-bo-so-tien-nhu-truoc-day-520222269039972.htm

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công