largeer

Share This Post

Xã Hội

TP.HCM than khó khăn khi con học trực tuyến thời COVID-19

Học trực tuyến đang là phương pháp học tốt nhất để phòng dịch COVID-19, tuy nhiên, nhiều thầy trò và phụ huynh ở TP.HCM cũng gặp không ít khó khăn trong dạy và học.

Học sinh tiểu học khó mà tự học

Sau Tết, chị Phan Thị Hoàng Oanh, giáo viên tại một trường tiểu học (Quận 10, TP.HCM) trở nên bận rộn với những trang giáo án dạy trực tuyến. 

Theo chị Oanh, dạy trực tuyến cho học sinh tiểu học khó hơn rất nhiều so với học sinh các cấp khác bởi ở lứa tuổi này, phần lớn các em thường ít có ý thức tự giác, phải cầm tay chỉ dạy thì mới ổn. Nếu phụ huynh không kèm cặp, ngồi cạnh, các em khó mà học được.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chị Hoàng Ngọc Thiện Tâm hiện có hai con bậc tiểu học, ngụ Quận 10, TP.HCM chia sẻ, dù còn nhiều bất cập và học sinh tiểu học còn bỡ ngỡ nhưng chị rất ủng hộ phương pháp học trực tuyến vì đảm bảo chương trình học, vừa phòng chống dịch.

Biết tình hình dịch bệnh không mấy khả quan, có thể học online, trực tuyến sẽ trở thành “bình thường mới”, nên sau Tết chị Tâm mua máy tính mới, thiết kế phòng học và lắp mạng internet riêng cho hai con học. Dù chuẩn bị chu đáo về thiết bị, chị vẫn không khỏi lo lắng về hiệu quả trong học online.

“Mình khá lo liệu các con qua các kỳ thi không, ở lớp bài không hiểu thì hỏi ngay thầy cô giảng lại, còn học trực tuyến khó hỏi được, còn nhiều bạn khác trên màn hình, thầy cô khó lòng giải đáp luôn. Các con cấp 2, 3 thì tự học chứ tiểu học thì rất khó tự một mình học. Tôi buôn bán tại nhà nên dễ kèm cặp con chứ nhiều nhà khác như bạn tôi đi làm đâu thể ngồi kề bên dạy được, ba mẹ đành phải thay phiên nhau nghỉ làm dạy con, rất khó nhưng dịch phải chịu thôi”, chị Tâm nói.

Thầy cô, phụ huynh đều rối 

Ngay sau khi thành phố cho học sinh nghỉ đến hết tháng 2, Trường THCS Minh Đức (Quận 1, TP.HCM) đã lên kế hoạch tập huấn công tác dạy và học trực tuyến cho giáo viên trong trường, song song dạy chính thức. Trường dạy theo hai khung giờ là 9-11h và 14-16h, với nội dung ôn tập lại kiến thức cũ, kết hợp với dạy các bài giảng mới. 

Trường THCS Minh Đức, Quận 1, TP.HCM

Trường THCS Minh Đức, Quận 1, TP.HCM

Theo cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức, với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hiện nay thì học trực tuyến được xem là phương pháp tốt nhất. Tuy nhiên, khi thực hiện chắc chắn sẽ có những khó khăn nhất định, từ khả năng tiếp cận công nghệ thông tin của thầy cô, đường truyền internet cho đến khả năng tập trung và tiếp thu của học sinh. 

"Khó khăn có rất nhiều. Chuẩn bị máy móc, thiết bị, giáo án cũng phải thay đổi cho phù hợp với hình thức trực tuyến. Nếu trước đây bài giảng có thể dài 2-3 trang thì giờ phải rút ngắn lại 1 trang. Thầy cô vất vả hơn, vừa phải cập nhật bài giảng theo công nghệ mới, vừa phải vắt óc thiết kế bài giảng ngắn nhưng đủ, không để lọt chương trình. Có nhiều thầy cô dạy trực tuyến lần đầu rối hết cả khi mạng rớt chỗ có chỗ không, học sinh thì mỗi đứa một nơi, không tập trung", cô An nói.

Anh Lê Tùng Nhân (Quận 7, TP.HCM) cho biết, do tình hình dịch bệnh nên gia đình chỉ biết cố gắng động viên con hết sức, tạo điều kiện tâm lý và thể chất tốt nhất cho mỗi buổi học. Con học lớp 8 đã lớn, có thể tự học trực tuyến nhưng anh vẫn xin nghỉ phép thêm mấy ngày sau Tết để hỗ trợ và nắm bắt tình hình học của con. 

"Năm ngoái ra Tết cũng học trực tuyến nghỉ dịch, tôi phải lăn lộn vừa trông con nhỏ đang học lớp ba, vừa dạy con lớn làm bài tập. Lần đầu học qua mạng, mọi thứ cứ rối tung lên, nhưng năm nay thì đã có kinh nghiệm và chuẩn bị sẵn nên tôi cũng đỡ lo lắng", anh Trung nói.

Không phải học sinh nào cũng có thiết bị học trực tuyến

Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 3, TP.HCM) xây dựng kế hoạch giảng dạy trực tuyến, khối 12 dạy 9 môn theo chương trình phổ thông quốc gia; khối 10, 11 dạy 5 môn, như kịch bản năm 2020. Trường biên soạn nội dung học trực tuyến riêng để dạy cho học sinh. Vì học trực tuyến khác với trên lớp nên các nội dung được tinh giản, biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu để học sinh tự học ở nhà.

Theo Phó Hiệu trưởng Đoàn Huỳnh Xuân Tưởng, khi tổ chức học trực tuyến đại trà phải tính đến điều kiện của học sinh, khi sử dụng công nghệ đóng vai trò lớn nhưng không phải học sinh ở đâu cũng đủ điều kiện tham gia. Cần có giải pháp đồng bộ về phần mềm áp dụng, về cách thức tổ chức và nội dung học, phải có một cơ chế để kiểm tra đánh giá kết quả học trực tuyến.

“Các em học trực tuyến qua điện thoại, qua máy tính không trực tiếp tương tác được với thầy cô, mặc dù thầy trò vẫn thấy hình ảnh của nhau, vẫn nghe giảng bài, vẫn có thể đặt câu hỏi, vẫn trả lời tương tác nhưng không thể như lên lớp. Các em ở trung tâm thành phố đa số có điều kiện, nhưng cũng không thể đảm bảo 100% các em có điều kiện trang bị để mà học trực tuyến, còn các trường ngoại thành xa, học sinh nghèo thì gặp nhiều khó khăn, ít có điều kiện máy móc hơn”, thầy Tưởng nói.

Theo thầy Tưởng, khó khăn lớn nhất của học trực tuyến là thời gian học ít, thầy cô khó bao quát được học sinh, liệu ở nhà các em có học hay không nhưng vẫn phải đảm bảo chương trình học, kiến thức cho các em. Nếu kịch bản COVID-19 xấu nhất như năm 2020 lặp lại, học sinh 12 trải qua phần lớn học kỳ II tại nhà, ngành giáo dục cần có thêm nhiều điều chỉnh mạnh mẽ hơn. Không chỉ tinh giảm chương trình, giảm tải kỳ thi, Bộ GD&ĐT có thể cho kết thúc sớm một số môn học không nằm trong lựa chọn thi tốt nghiệp. 

Thầy Tưởng cho rằng, trong tình thế trước mắt, học trực tuyến rất cần tinh thần tự giác học tập của các em học sinh và gia đình phải quan tâm, nhắc nhở. Giữa học trò và giáo viên phải có kênh liên lạc với nhau, giải đáp thắc mắc khi cần thiết.

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công