largeer

Share This Post

SG247

Vụ “xẻ thịt” đất công tại KDC Mỹ Phước 4 - Bình Dương: Xử lý như thế nào?

Việc làm phi pháp, gian dối của hai công ty Thuận Lợi (chủ đầu tư) và Công ty Kim Oanh (môi giới) khi bắt tay nhau dụ dỗ bán đất công cho khách hàng đã bị dư luận, xã hội lên án kịch liệt và khách hàng gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng.

*Nhiều địa phương yêu cầu công an vào cuộc điều tra, xử lý trách nhiệm hình sự

Mới đầu tháng 8 vừa qua, trên cơ sở phản ánh của báo chí, UBND thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đông) đã ra văn bản hỏa tốc gửi các cơ quan chức năng và giao công an thành phố tiếp tục nắm bắt thông tin, tình hình phân lô bán nền đất nông nghiệp trái quy định để xác định đối tượng, điều tra làm rõ, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật, kịp thời phát hiện, ngăn chặn vụ việc có dấu hiệu tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Ngang nhiên "xẻ thịt" đất công phân lô, bán nền để trục lợi của bộ đôi công ty Thuận Lợi (chủ đầu tư) và Công ty Kim Oanh (môi giới) tại dự án KDC Mỹ Phước 4 – Khu B đang thách thức pháp luật, gây bất bình, hoài nghi trong dư luận xã hội

Trước đó, vào cuối tháng 7/2019, Chủ tịch UBND TPHCM cũng yêu cầu Công an TPHCM khẩn trương xác minh, xử lý hình sự đối với các đối tượng vi phạm nhiều lần, mức độ vi pham nghiêm trọng. Đặc biệt là các đối tượng “đầu nậu”, “đầu cơ” xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp. Tự ý phân lô, bán nền để trục lợi gây ảnh hưởng xấu đến quy hoạch chung, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Đồng thời, Chủ tịch UBND TP.HCM đã đề nghị, xây dựng hướng dẫn hoặc trình tự để tiến hành xử lý hình sự đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng đất đai để bổ sung vào đề án tổng thể, xử lý nghiêm lực lượng xây dựng, môi giới trái phép. Mặt khác, cán bộ, công chức, đảng viên phải làm đúng chức trách và nếu làm sai phải bị xử lý và chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và người đứng đầu trong việc để xảy ra các sai phạm về xây dựng không phép, sai phép, không đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

Trở lại vụ ngang nhiên “xẻ thịt” 7.551,1m2 đất công nằm xen cài trong dự án KDC Mỹ Phước 4 – Khu B phân lô, bán nền để trục lợi của bộ đôi công ty Thuận Lợi (chủ đầu tư) và Công ty Kim Oanh (môi giới). Mặc dù UBND tỉnh Bình Dương chưa thực hiện các thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với phần diện tích 7.551,1m2 đất công ích này, thế nhưng chủ đầu tư dự án là Công ty Thuận Lợi đã ngang nhiên sang tự ý lấp mặt bằng, xây dựng công trình hạ tầng và đem phân lô, bán nền thông qua công ty môi giới BĐS Kim Oanh. Không chỉ qua mặt chính quyền bán cả tài sản công, không phải tài sản của mình, Công ty Thuận Lợi còn tự ý cấp phép xây dựng cho các khách hàng.

Việc làm phi pháp, gian dối của hai công ty gia đình này (thuộc sở hữu của ông Nguyễn Thuận và bà Nguyễn Thị Kim Oanh) khi bắt tay nhau dụ dỗ bán đất công cho khách hàng đã bị dư luận, xã hội lên án kịch liệt và khách hàng gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng.

Việc bất chấp pháp luật để phân lô, bán nền, cho phép khách hàng xây dựng công trình trái phép trên phần đất công tại KDC Mỹ Phước 4 vì sao chưa được xử lý rốt ráo? Tập thể, cá nhân nào chịu trách nhiệm cao nhất khi để xảy ra sai phạm? Thế lực nào đứng sau Công ty Thuận Lợi và Công ty Kim Oanh mà họ có thể đưa ra yêu cầu hoán đổi đất, làm thay đổi quy hoạch tổng thể dự án mà tỉnh Bình Dương đã phê duyệt? Tại sao chính quyền phải ưu ái, “linh động” một cách dễ dàng và chịu “nắn” mình theo những đề xuất của doanh nghiệp?… Là những câu hỏi cần, những vấn đề mà dư luận đang khúc mắc, hoài nghi.

*Khách hàng khẳng định Công ty Thuận Lợi có dấu hiệu phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Trong đơn phản hồi thông báo của Công ty Thuận Lợi, ông Huỳnh Đức Anh (quê Bến Tre, người đã ký Hợp đồng số 770/MP4B/HĐNT/2019 - ngày 26/4/2019 với Công ty Thuận Lợi) khẳng định rằng, “Hành vi của Công ty Thuận Lợi đã đủ yếu tố cấu thành “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 174 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015”.

Theo đó, nội dung của điều luật này được quy định rõ:

“ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng”

“Hiện tại, tôi đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tố cáo Công ty Thuận Lợi có hành vi lừa đảo trong việc bán lô đất A17- ô số 48 có diện tích 100m2 nằm trong phần diện tích 7.551,1m2 đất công ích của Nhà nước”, ông Đức Anh cho biết.

Ông Huỳnh Đức Anh trình bày: “Đến thời điểm này, tổng số tiền tôi đã bỏ ra để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và xây dựng nhà ở là hơn 1,3 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Kim Oanh thu lợi số tiền 114,5 triệu đồng (phí môi giới) và 35 triệu đồng (phí tư vấn). Bà Đặng Thị Kim Oanh (Giám đốc Công ty Kim Oanh) là vợ ông Nguyễn Thuận (Giám đốc Công ty Thuận Lợi). Đồng thời, bà Đặng Thị Kim Oanh có 46% vốn điều lệ trong Công ty Thuận Lợi. Mặc dù đã thu 35 triệu đồng tiền tư vấn để làm đúng pháp luật. Nhưng Công ty Kim Oanh và Công ty Thuận Lợi vẫn cố tình “cấu kết", “bắt tay nhau" đưa tôi vào “tròng”.

Ngoài ra, qua phương tiện thông tin đại chúng và tài liệu có được, tôi mới biết lô đất mà Công ty Thuận Lợi đã bán và bàn giao cho tôi nằm trong phần đất công ích có tổng diện tích hơn 7.500m², nằm giáp ranh với Dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4 (không phải là đất của dự án). Ngày 16/12/2016, Công ty Thuận Lợi đã bị Thanh tra Sở Xây dựng ban hành quyết đinh xử phạt vi phạm hành chính số 53/QĐ-XPVPHC. Ngày 16/3/2017, UBND phường Mỹ Phước có văn bản yêu cầu Công ty Thuận lợi ngưng thi công công trình đang triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên phần đất công của phường (7.500m2). Khôi phục các cột mốc trên phần đất công phường quản lý”. Như vậy, thực tế đến thời điểm giao đất, cắm mốc, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho tôi, đất vẫn thuộc quyền quản lý của Nhà nước.

Tráo trở hơn nữa, khi Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng ký văn bản 3635/UBND-KTN - ngày 25/7/2019, quyết định thu hồi công văn 3457/UBND-KTN, nhưng Công ty Thuận Lợi vẫn nói với khách hàng là công văn 3457/UBND-KTN này vẫn còn giá trị thực hiện. Đồng thời, đổ lỗi cho khách hàng chúng tôi tự ý xây dựng trái pháp luật và đòi bồi thường thiệt hại cho chủ đầu tư.

*Tỉnh xử lý không nghiêm sẽ tạo tiền lệ xấu

Cần mạnh tay xử lý nghiêm hành vi coi thường pháp luật của Công ty Thuận Lợi khi phân lô, bán nền, bắt tay cùng Công ty Kim Oanh môi giới bán đất công tại dự án KDC Mỹ Phước 4, là ý kiến, yêu cầu mà dư luận xã hội đang đặt ra, sau khi hàng loạt các cơ quan báo chí phản ánh các sai phạm nghiêm trọng của chủ đầu tư này.

Trao đổi với phóng viên Pháp luật Việt Nam vào chiều 14/8, liên quan đến vụ việc Công ty Thuận Lợi ngang nhiên phân lô bán nền, cho phép cho khách hàng xây dựng nhà ở trên phần diện tích đất công do UBND P.Mỹ Phước quản lý, ông Bùi Duy Hiền – Bí thư Thị Uỷ, kiêm Chủ tịch UBND TX. Bến Cát, cho biết: “UBND TX. Bến Cát đang giao cho cơ quan chuyên môn thực hiện kiểm ra, rà soát các vi phạm để xử lý trong tháng 8 này theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương. Hiện chính quyền TX. Bến Cát chưa có chủ trương “hợp thức hoá” các sai phạm tại KDC này, và sẽ xử lý nghiêm vi phạm theo các quy định quả pháp luật. Và sai phạm tự ý bán đất công như Công ty Thuận Lợi thực hiện tại KDC Mỹ Phước 4 là trường hợp duy nhất, chưa hề có tiền lệ xảy ra tại các dự án trên địa bàn TX. Bến Cát”.

“Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu UBND tỉnh giao thẩm quyền tham mưu đề xuất cho thị xã thì chúng tôi cũng sẽ có hướng tham mưu thực hiện giao đất cho chủ đầu tư vì phần đất công này đã có quy hoạch từ năm 2003 rồi. Chúng tôi sẽ công bố quy hoạch cụ thể để các cơ quan báo đài nắm rõ và thông tin chính xác, khách quan nhất” – Chủ tịch UBND TX. Bến Cát cho biết thêm.

Không chỉ chủ đầu tư tự ý cho phép một số công trình xây dựng trái phép trên đất công diễn ra một cách “ngoan cố” thách thức dư luận, mà ngay cả việc Công ty Kim Oanh môi giới và thu tiền tư vấn khách hàng với lời hứa đảm bảo giao dịch đúng pháp luật, thế nhưng thực tế lại dụ dỗ khách hàng mua đất công (không phải là tài sản của chủ đầu tư), cũng là một hành vi lừa dối tinh vi, có tổ chức, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

UBND tỉnh Bình Dương đã tỏ ra cầu thị, quyết liệt ngăn chặn, yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm, nhưng chính quyền TX. Bến Cát cho biết chỉ xử lý vi phạm hành chính. Hiểu theo lời nói của ông Bùi Duy Hiền, thì có khả năng, hàng loạt công trình vi phạm vẫn sẽ nghiễm nhiên tồn tại sau khi xử phạt hành chính, mà sẽ không xem xét bất cứ yếu tố nào liên quan đến dấu hiệu lừa đảo khi một tổ chức đem bán tài sản không phải của mình cho người khác? Sau đó, những giao dịch phi pháp trên phần diện tích đất công cũng sẽ được chính quyền TX. Bến cát tham mưu (nếu được giao nhiệm vụ) lên UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án theo đề xuất của doanh nghiệp này. Phải chăng ý tưởng hợp thức hóa “thần tốc” phần diện tích 7.551,1m2 đất công ích này thành đất ở, nhằm nhanh chóng “giải cứu” chủ đầu tư và công ty môi giới (một liên minh “ranh mãnh” của các thành viên trong cùng một gia đình)?

Việc nương tay với các đại gia ngang nhiên lấn chiếm đất công, quen thói làm ăn đứng trên luật pháp, bằng chiêu bài “đưa mọi chuyện vào thế đã rồi” để “nắn” chính quyền phải theo mình, tìm cách “hợp thức hoá” cho các hành vi vi phạm nghiêm trọng của họ, đang dấy lên nghi ngại về sự ngầm bắt tay của các cá nhân, “nhóm lợi ích” nào đó?!

Hành động ngang nhiên “xẻ thịt” đất công đem bán để trục lợi không chỉ gây mất an ninh trật tự do khiếu nại, tố cáo kéo dài, mất trật tự xây dựng, đẩy những nạn nhân mua phải đất công vào thế bế tắc, thiệt hại lớn, mà nghiêm trọng hơn, nó đã phá vỡ quy hoạch đã được phê duyệt, sẽ tiếp tục tạo ra tiền lệ xấu và vô hiệu hoá tính nghiêm minh của luật pháp.

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công