largeer

Share This Post

Diễn đàn Nông sản

Vườn dưa xanh mướt, sai trĩu quả nhờ áp dụng công nghệ

Thực hiện chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, HTX nông nghiệp II Nhơn Thọ đã xây dựng và triển khai phương án sản xuất kinh doanh theo hướng đa dạng hóa các loại hình dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện, HTX có trên 939 thành viên, với diện tích đất nông nghiệp 500 ha, trong đó có 300 ha sản xuất lúa và 200 ha rau màu...

Hợp tác xã nông nghiệp II Nhơn Thọ (xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) là HTX đi đầu áp dụng nông nghiệp công nghệ cao trong trồng dưa lê vỏ vàng Kim hoàng hậu, dưa lưới vỏ xanh... trên đất trồng mía. Từ đây, mở ra hướng làm ăn mới, mang lại hiệu quả cao cho các thành viên.

Thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn xã An Nhơn giai đoạn 2016-2020, HTX đã thực hiện phương án chuyển đổi đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng các loại hoa màu, như: Ớt, rau sạch, dưa lê vỏ vàng Kim hoàng hậu, dưa lưới vỏ xanh, ứng dụng công nghệ cao.

Empty

Ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTX nông nghiệp II Nhơn Thọ cho biết, để mô hình thành công như ngày hôm nay là nhờ HTX chú trọng nâng cao trình độ và trẻ hóa đội ngũ cán bộ. Nếu như trước đây, hầu hết các thành viên trong hội đồng quản trị đều có độ tuổi trên 60 thì nay chỉ từ 25 – 30 tuổi. Từ khi “chiêu mộ” được kỹ sư Đại học Nông Lâm Huế về làm việc, HTX II Nhơn Thọ đã mạnh dạn xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại thôn Thọ Lộc 2 cho hiệu quả rõ rệt.

Theo ông Tân, việc tiếp cận với những loại cây trồng mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, ban đầu bà con rất bỡ ngỡ. Thế nhưng, nhờ có sự phối hợp giữa Trung tâm Khuyến nông Bình Định và HTX nông nghiệp II Nhơn Thọ tổ chức lớp tập huấn “Ứng dụng công nghệ cao sản xuất dưa bằng giá thể hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP” cho 20 học viên là nhóm cùng sở thích sản xuất rau an toàn nên nông dân ngày càng quen việc. Nhờ đó, phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã mang lại hiệu quả.

Năm 2018, HTX đầu tư hơn 300 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt Israel trồng rau sạch, dưa lưới, dưa lê vỏ vàng trên diện tích 3,4 ha và được phân thành 4 khu riêng biệt.

Hiện, các thành viên đã thay đổi tư duy canh tác, bón phân hữu cơ theo định mức và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, công nghệ nano, đảm bảo thời gian cách ly trong quá trình canh tác. Cùng với đó, HTX sử dụng lưới chắn côn trùng giúp cho cây trồng phát triển tốt, giảm chi phí nhân công.

Empty

Bên ruộng dưa lưới vỏ xanh tròn căng, sai trĩu quả, kỹ sư Võ Văn Duy chia sẻ kỹ thuật trồng dưa lưới bằng giá thể hữu cơ theo hướng an toàn, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, các thành viên sử dụng hỗn hợp mụn xơ dừa đã được xử lý chất Tanin, phân hữu cơ đã được xử lý bằng nấm Trichoderma và tro trấu phối trộn theo tỷ lệ tương ứng, cho vào túi nilon trắng kích thước 40 x 40cm, đục lỗ ở đáy túi để gieo hạt dưa lưới…

Theo các thành viên của HTX, dưa lê Kim hoàng hậu là loại cây dễ trồng, có khả năng thích nghi với nhiều vùng đất.Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc dưa cần chú ý phòng một số bệnh thường gặp như phấn trắng, đốm lá, nứt dây chảy mủ, bệnh chết cây con.

“Dưa lê Kim hoàng hậu có thể gieo trồng từ tháng 2 đến cuối tháng 9 dương lịch hằng năm. Trồng đến khi thu hoạch khoảng 60 - 70 ngày, trọng lượng có thể đạt từ 1,2 – 1,5kg. Với sự phát triển như thời điểm hiện tại, 3,4ha dưa lê vỏ vàng Kim hoàng hậu và dưa lưới vỏ xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX nông nghiệp II Nhơn Thọ có doanh thu trên 1,2 tỷ đồng, cao hơn 5 - 6 lần so với trồng mía", ông Phạm Văn Tân chia sẻ.

Đối với HTX II Nhơn Thọ, việc nuôi ong lấy mật chỉ là việc phụ, còn việc chính là để chúng đi thụ phấn cho những ruộng dưa lưới, dưa lê của mình. Từ khi áp dụng mô hình độc đáo này, thu nhập của người nông dân An Nhơn đã tăng lên đáng kể.

Ông Tân kể, trước đây, việc thụ phấn cho dưa, bà con làm thủ công bằng cách thuê nhân công dùng phấn nhụy hoa đực úp nụ lên hoa cái. Cách làm này vừa tốn thời gian, nhân lực, vừa không đảm bảo kỳ hạn hoa nở, dẫn đến khả năng đậu trái thấp và trái không đều.

“Sau khi thấy bông nở, các thành viên đưa tổ ong vào vườn, tự động con ong sẽ bay đi hút mật. Trong quá trình hút mật chính là quá trình thụ phấn cho những bông của mình. Trong vòng 4 ngày, tất cả các bông hoa trong vườn dưa lưới của HTX sẽ đậu trái hết, tỷ lệ đạt cao gần 100%, nếu thụ phấn bằng tay chỉ 85% đậu trái”, ông Tân nói.

Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ và cách nuôi ong thụ phấn độc đáo, tháng 2/2019, 2 loại nông sản nói trên đã được Trung tâm Giám định và VietCert chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn TCVN 11892-1:2017 (Quy trình thực hành nông nghiệp tốt tại Việt Nam).

Từ đó, sản phẩm cũng được Công ty TNHH Gia vị Nhiệt đới ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ với mức giá cao hơn bên ngoài từ 20-30%. Nhờ sự năng động, nhạy bén với cơ chế thị trường nên hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX ngày càng hiệu quả. Từ năm 2012 đến nay, bình quân mỗi năm HTX nông nghiệp II Nhơn Thọ có doanh thu gần 10 tỷ đồng. Các hoạt động của HTX đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của thành viên.

Được biết, sản phẩm dưa lê vỏ vàng của HTX II Nhơn Thọ được UBND tỉnh Bình Định chứng nhận OCOP 3 sao tại cuộc thi đánh giá và phân hạng sản phẩm năm 2019.

“Thời gian tới, HTX II Nhơn Thọ sẽ triển khai trồng thí điểm nhiều loại cây giống khác như dưa hấu siêu ngọt, bí nụ ăn rau... Hiện, HTX đang xúc tiến xây dựng cơ sở hạ tầng và mở rộng quy mô sản xuất, tạo hình dáng dưa hồ lô và các chữ phúc - lộc - thọ trên quả dưa để nâng cao giá trị sản phẩm. Xây dựng nhà sơ chế, hệ thống sấy hoa quả để tạo ra sản phẩm mới là dưa sấy dẻo, cung cấp cho các siêu thị trong tỉnh”, ông Tân nói.

Theo Vnbusines

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công