largeer

Share This Post

SG247

Đâu chỉ Bạch Mai, Bệnh viện Bưu Điện có hơn 600 y, bác sĩ 'dứt áo ra đi'

Chưa hết xôn xao về việc hàng trăm nhân lực chất lượng cao của Bệnh viện Bạch Mai nghỉ việc, thì mới đây, câu chuyện 'dứt áo ra đi' của hơn 600 bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng… tại Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện đã khiến dư luận đặt câu hỏi lớn về công tác tổ chức cán bộ tại các bệnh viện hiện nay.
35

Theo nguồn tin của báo Kinh tế & Đô thị, chỉ trong vỏn vẹn 5 năm (từ năm 2015 – 2020), tại Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện (TP Hồ Chí Minh) có tất cả 624 nhân sự xin nghỉ việc, đây được xem là chuyện hy hữu chưa từng có trong lịch sử bệnh viện này.

Cụ thể, trong tổng số 624 nhân sự 'dứt áo ra đi' này có 201 bác sĩ (duy nhất bác sĩ N.V.C. Giám đốc Trung tâm Y tế Lao động nghỉ hưu); 32 dược sĩ; 176 điều dưỡng; 215 trường hợp còn lại là hộ lý, kỹ thuật viên, kế toán viên…

3

Đáng chú ý, trong tổng số 201 bác sĩ nghỉ việc có 2 bác sĩ nằm trong Ban Giám đốc bệnh viện, nhiều bác sĩ giữ vị trí Trưởng khoa, Phó khoa, bác sĩ chính, bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ chuyên khoa II, bác sĩ RHM…

Thông tin 624 cán bộ nhân viên Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện nghỉ việc thật sự gây bất ngờ. Câu hỏi đặt ra là Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện đã hoạt động như thế nào từ năm 2015 – 2020 khi một lượng lớn nhân sự nghỉ việc? Liệu rằng thực trạng này có xuất phát từ chính sự bất ổn của bệnh viện hay không?

Tương tự như Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện, trước đó, ngày 14/4, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cũng cho biết, đã nhận được báo cáo từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) về việc có nhiều cán bộ, người lao động tại bệnh viện này xin nghỉ việc. Cụ thể, số người nghỉ việc là gần 200 người. Trong số đó, có cả nhân lực trình độ cao, có cả số nghỉ việc do sắp xếp lại biên chế và vị trí việc làm do bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn.

Biện giải về việc nhiều cán bộ, lao động của bệnh viện nghỉ việc trong thời gian qua, bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai giải thích, có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là do tình hình dịch Covid-19 tác động lớn đến Bệnh viện, số bệnh nhân nội trú đang từ 5.000 - 6.000 người giảm còn hơn 1.000 và bệnh nhân ngoại trú từ 6.000 - 7.000 xuống 1.000 - 2.000 bệnh nhân. Bên cạnh đó, giường tự nguyện cũng giảm, và hoạt động xã hội hóa được thanh tra và đưa về giá BHYT. Vì vậy, nguồn thu năm 2020 của Bệnh viện giảm 2.000 tỷ đồng khiến thu nhập của cán bộ giảm nhiều so với thời gian trước khi có dịch bệnh Covid-19.

Còn theo bác sĩ Đỗ Văn Thành, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng nhiều cán bộ bệnh viện vào vòng lao lý khiến tâm lý của các cán bộ cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, nhiều cán bộ của Bệnh viện được đơn vị ngoài mời chào với mức thu nhập cao nên việc dịch chuyển cán bộ y tế là tất yếu, Bệnh viện không thể giữ được: 'Hoạt động luân chuyển nhân sự như vậy không có gì bất thường, không phải là chảy máu chất xám', bác sĩ Thành khẳng định.

Tuy nhiên, đáp lại, nhiều bác sĩ cho rằng, lý do chính khiến họ quyết định nghỉ việc là vì vì môi trường làm việc ở Bệnh viện Bạch Mai không còn phù hợp, bác sĩ không được làm nghề một cách trọn vẹn dù đã dùng cả cuộc đời mình để cống hiến. Và cuối cùng, sau nhiều luồng thông tin trái ngược nhau, câu chuyện ở Bệnh viện Bạch Mai tạm lắng xuống, còn thực hư thế nào có lẽ chỉ người trong cuộc mới rõ.

Theo tìm hiểu của PV, thực tế làn sóng bác sĩ bệnh viện công 'dứt áo ra đi' không phải bây giờ mới xảy ra, năm 2018, Đồng Nai có 97 bác sĩ nghỉ việc. Trong số này có 20 bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, 32 bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai (cả nghỉ hưu), 8 bác sĩ Bệnh viện Nhi. Một năm trước, số bác sĩ thôi việc cũng tương đương, rất nhiều người có trình độ sau đại học.

Tương tự, từ năm 2015 đến cuối tháng 3/2018, tỉnh Cà Mau có tới hơn 100 cán bộ, bác sĩ công tác tại các bệnh viện công lập nghỉ, bỏ việc…

Xoay quanh hiện tượng bác sĩ bệnh viện công xin nghỉ hàng loạt trong những năm gần đây, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần phải đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở y tế công lập theo hướng tự chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả theo hướng chuẩn hóa chất lượng dịch vụ, đưa chất lượng dịch vụ y tế ngày càng phát triển điều đó giúp đời sống cán bộ nhân viên y tế nâng cao mà người bệnh cũng được hưởng dịch vụ tốt, thay vì bị mè nheo, nhũng nhiễu.

Theo Tieudung.vn

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công