largeer

Share This Post

Diễn đàn Hàng hoá tiêu dùng

Đồng Nai: Hơn 370 tỷ đồng mua túi đựng rác cho người dân, liệu có khả thi?

Trong đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2021-2025, Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai đề xuất UBND các địa phương mua, cấp túi đựng rác cho các hộ gia đình với tổng kinh phí khoảng 370 tỷ đồng.

Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến trái chiều, đa phần cho rằng tính hiệu quả không cao, lãng phí nguồn lực.

Theo thống kê của Sở TN-MT, hiện mỗi ngày trên địa bàn Đồng Nai phát sinh khoảng 2 ngàn tấn chất thải rắn sinh hoạt, tăng gần 3,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, chất thải phát sinh từ các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị tại khu vực đô thị khoảng 992 tấn/ngày, khu vực nông thôn 862 tấn/ngày và lượng rác sinh hoạt phát sinh từ các cơ sở sản xuất khoảng 164 tấn/ngày. Hơn 1,8 ngàn tấn chất thải được đưa về các khu xử lý tập trung, đạt tỷ lệ gần 90%, phần còn lại người dân tự xử lý theo hướng dẫn.

images2435537_6a

Mặc dù khối lượng tăng nhưng các khu xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh đủ năng lực xử lý, duy trì tỷ lệ chôn lấp dưới 15% theo yêu cầu của tỉnh.

Báo Đồng Nai dẫn lời Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn cho biết, Đồng Nai đã thực hiện phân loại rác tại nguồn từ năm 2008. Năm 2020, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 54/CT-TU về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại nhưng đến nay hiệu quả vẫn thấp. Hiện chỉ có khoảng 310 ngàn hộ dân thực hiện phân loại rác tại nguồn theo hướng dẫn, tỷ lệ đạt 30% số hộ dân toàn tỉnh. Vì vậy, trong đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2021-2025, Sở đề xuất UBND các địa phương mua, cấp túi đựng rác cho các hộ gia đình với tổng kinh phí khoảng 370 tỷ đồng.

Phòng TN-MT các huyện, thành phố tham khảo giá, đơn vị cung ứng, mua và cấp túi đựng rác cho người dân. Ưu tiên lựa chọn loại túi sinh học, dễ phân hủy để hạn chế ô nhiễm môi trường.

Việc cấp túi đựng rác sẽ được thực hiện trong khoảng 1-2 năm để người dân hình thành thói quen phân loại rác, sau đó ngưng cấp túi. Kinh phí được lấy từ nguồn ngân sách cấp cho UBND cấp huyện hằng năm (kinh phí sự nghiệp môi trường, kinh phí xây dựng cơ bản) và kinh phí xã hội hóa hoặc vận động tài trợ.

Ngoài việc cấp túi đựng rác, UBND cấp huyện thực hiện cải tạo, xây dựng mới và đầu tư camera giám sát tại các trạm trung chuyển rác. Đầu tư bể chứa chất thải nguy hại từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Trang bị các thùng chứa chất thải đặt ở các khu vực công cộng. Tuyên truyền, hướng dẫn chủ nguồn thải thực hiện phân loại chất thải.

Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường cho rằng, thời gian qua, đơn vị đi kiểm tra tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại nhiều địa phương. Hầu hết các tiêu chí về cảnh quan, cây xanh, đường giao thông sáng - xanh - sạch - đẹp đạt yêu cầu nhưng tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại rác, phân loại đúng còn thấp. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có việc người dân chưa hình thành thói quen phân loại rác, việc thực hiện phân loại rác gây tốn diện tích, tốn túi ny-lông. Một số địa phương trước đây thực hiện thí điểm phân loại rác có hỗ trợ túi, thùng đựng rác cho người dân nay không còn.

Hiện có rất nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn nhưng rất ít địa phương cấp túi ny-lông, thùng đựng chất thải cho người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, việc cấp túi để người dân thực hiện phân loại rác là thiếu khả thi, tốn kém. Thay vì cấp túi đựng rác nên ưu tiên đồng bộ hạ tầng thu gom, xử lý chất thải; tạo sự đồng thuận trong ý thức, trách nhiệm của người dân.

Bà Trần Quỳnh Trâm, Trưởng phòng TN-MT H.Xuân Lộc cho rằng, hiện nay đa phần các hộ gia đình tận dụng túi đi chợ về để đựng rác thay vì mua túi chuyên dùng, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm phát sinh túi. Thay vì dành khoản tiền lớn mua, cấp túi đựng rác cấp cho người dân nên chuyển kinh phí đó sang cho hoạt động truyền thông; hướng dẫn người dân phân loại chất thải theo đúng yêu cầu, bỏ rác đã phân loại đúng giờ và đúng nơi. 

Đại diện Phòng TN-MT H.Nhơn Trạch cho biết, sau khi liên hệ với một số nhà cung cấp túi ny-lông đáp ứng tiêu chí môi trường, thống kê số lượng hộ gia đình, đơn vị đã tính toán ra số tiền hơn 90 tỷ đồng/năm cho việc cấp túi ny-lông. Đây là con số quá lớn so với ngân sách địa phương, chiếm khoảng 7%. Điều này không khả thi vì ngân sách phải ưu tiên cho đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư phát triển, chi thường xuyên. Phòng TN-MT dự định đặt ra mục tiêu, lộ trình cụ thể theo từng mốc thời gian chứ không cấp túi dàn trải cho toàn dân trên địa bàn.

Trưởng phòng TN-MT TP.Long Khánh Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, không thể cấp túi và đòi hỏi người dân phân loại rác trong khi hoạt động thu gom, vận chuyển vẫn theo cách làm truyền thống. Đó là toàn bộ rác thải thu gom - vận chuyển - xử lý chung, theo một quy trình. Ông Tuấn cho rằng, vấn đề không phải người dân không có tiền mua túi đựng rác mà hạ tầng thu gom, vận chuyển rác chưa đáp ứng, người dân chán không muốn phân loại.

Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn cho rằng, các địa phương có ý kiến về việc cấp túi ny-lông cho người dân thực hiện phân loại rác thải, Sở sẽ xem xét điều chỉnh. Nếu chi phí quá cao có thể điều chỉnh chỉ cấp 1-2 năm đầu thực hiện đề án. Các địa phương có thể xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện theo từng năm, từng giai đoạn; đồng thời có thể vận động thêm các nguồn xã hội hóa, tài trợ.

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công