largeer

Share This Post

SG247

Khan hiếm, giá cát xây dựng ở Đồng bằng sông Cửu Long được đẩy lên cao

Cát xây dựng khan hiếm, giá cao đang là câu chuyện rất thời sự ở vùng ĐBSCL, đang là sức ép lớn đối với doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng và người tiêu dùng. Hiện nay, phần lớn các điểm tập kết cát dọc sông Tiền và sông Hậu thuộc địa bàn tỉnh An Giang đều trong tình trạng “cháy hàng”. Tại các mỏ khai thác cát sông, sà lan neo đậu nối đuôi dài hàng cây số chờ lấy cát.

Gần đây, vật liệu cát phục vụ ngành xây dựng ở khu vực ĐBCL khan hiếm, giá tăng vọt. Sự mất cân bằng giữa “cung và cầu” làm cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đang gặp khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, ở xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Tôi dự định xây nhà mới nhưng nghe vật liệu, nhất là cát lên quá nên không đủ tiền làm. Chắc là tôi phải dời lại năm sau làm, hy vọng giá cát giảm để bớt chi phí…”

Còn ông Nguyễn Hữu Thịnh, chủ một doanh nghiệp xây dựng tại thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre tâm tư: “Công trình mấy ngày nay đang chờ cát, chưa triển khai gì được. Gần đây, giá cát lên quá mà các nhà thầu không được giải quyết trượt giá, tụi tôi điêu đứng. Tôi lỗ tiền cát, cát bây giờ mất cả trăm nghìn/khối, có tiền mua cũng không được. Theo góc độ ngành xây dựng mong sao có nguồn cát ổn định, giá phù hợp chứ để vậy kẹt nhà thầu quá”.

ca

Cát xây dựng khan hiếm, giá cao đang là câu chuyện rất thời sự ở vùng ĐBSCL, đang là sức ép lớn đối với doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng và người tiêu dùng. Chỉ trong 3 tháng qua, khi các mỏ cát trên sông giảm trữ lượng, và ngành chức năng quản lý chặt chẽ, chấn chỉnh, đưa hoạt động khai thác cát vào nề nếp, lượng cát cung cấp cho thị trường giảm nhiều, nên giá tăng lên.

Tại tỉnh Tiền Giang, ở thời điểm này, cát xây loại thường giá hơn 230.000 đồng/m3, loại tốt giá trên 500.000 đồng/m3. Riêng cát lấp (phục vụ san lấp mặt bằng) giá cũng ở mức từ 170.000 - 190.000 đồng/m3. Tuy giá cao, nhưng tại nhiều bãi cát của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng tại tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đều đã “cạn nguồn”.

Thời gian qua, đa số các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng đều dùng sà lan đến các mỏ cát ở các tỉnh đầu nguồn như: An Giang, Đồng Tháp mua về dự trữ để bán lại. Gần đây, “cầu vượt cung” nên các sà lan phải neo đậu gần mỏ cát hơn 10 ngày, thậm chí nửa tháng mới đến “tài’ được cung cấp cát.

Đối với các doanh nghiệp có dự trữ trước nguồn cát để bán thì lãi lớn, còn các doanh nghiệp bị phụ thuộc nguồn hàng tại mỏ thì kinh doanh khó khăn. Ở thời điểm này, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng tại tỉnh Tiền Giang, Bến Tre chỉ cung ứng nhỏ giọt cho khách hàng.

Ông Ngô Văn Vũ, Giám đốc Hợp tác xã cơ giới thủy bộ Tam Hiệp, tỉnh Tiền Giang- đơn vị có kinh doanh vật liệu cát cho biết, đưa xà lan lên mỏ cát tại tỉnh An Giang nhưng mua không được cát phải chạy về.

“Tôi có chiếc xà lan mới lấy về, đậu bên tỉnh An Giang hoài chịu không nổi lấy cát về do mua không được, xà lan đậu nửa tháng, giá cát cao quá mà mua không được” - ông Vũ nói.

Đối với các doanh xây dựng cần nhiều cát để san lấp mặt bằng các dự án có quy mô lớn, các nhà máy bê tông trong thời điểm này rất khó khăn thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết với đối tác. Do nguồn cát khan hiếm nên hiện nay, nhiều công trình dự án xây dựng đã triển khai chậm hoặc ngưng thi công. Công tác đấu thầu các công trình, dự án mới, các nhà thầu cũng ngần ngại vì lo rằng sẽ thua lỗ khi giá cát tăng đột biến và chưa biết thời gian tới sẽ như thế nào.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc công ty TNHH thương mại xây dựng Thiên Thuận, tại xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết, trong thời điểm cát xây dựng khan hiếm, giá tăng cao, ngoài việc quan tâm cho các mỏ cát hoạt động thì chủ đầu tư các dự án cần điều chỉnh mức giá cát trong các dự án cho phù hợp với giá trên thị trường. Hiện tại, các nhà thầu gặp rất khó khăn do giá vật liệu tăng đột biến nhất là nguồn cát.

“Giá cát trong dự toán trước là 109.000 đồng/m3 nhưng bây giờ giá ở ngoài thị trường là 180.000 đồng/m3 tại bãi. Mình phải vận chuyển đến công trình lên trên 200.000 đồng/m3, lỗ mấy chục phần trăm. Nói chung đấu thầu rất khó cho nhà thầu, chắc phải chờ thông báo giá, duyệt lại dự toán” - ông Nguyễn Văn Thuận chia sẻ.

Nhu cầu cần vật liệu xây dựng như cát xây, cát lấp để phục vụ các công trình công dân dụng, các dự án hạ tầng, giao thông trọng điểm ở các địa phương hiện nay là rất cần thiết. Đặc biệt, các dự án toọng điểm quốc gia của vùng ĐBSCL đã và đang triển khai như: cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ và tới đây là trục đường ven biển từ Vũng Tàu đến Cà Mau… rất cần nguồn vật liệu cát để san lấp mặt bằng.

Do đó, vấn đề cần cát lấp, cát xây rất lớn, điều đó không loại trừ nguy cơ tiếp tục khan hiếm, sốt giá cát. Trong khi đó, nhiều địa phương ven sông Tiền hiện nay tạm ngưng cấp phép khai thác cát hoặc hạn chế hoạt động khai thác cát sông.

Tại tỉnh Tiền Giang 3 năm qua, hầu hết các mỏ cát trên sông Tiền đã hết hạn và không cấp phép mới cho bất kỳ mỏ cát nào trên sông. Qua ý kiến của các ngành chức năng, các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng, để “hạ sốt” giá cát như hiện nay chỉ có giải pháp là cấp phép khai thác cát mỏ cát trên sông, nhất là sông Tiền, sông Hậu, sông Hàm Luông, Cổ Chiên thuộc các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh… Để thực hiện công việc này, các địa phương vùng ĐBSCL cần tổ chức thăm dò, đánh giá trữ lượng cát và tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch đúng theo quy định của pháp luật.

Giá cát liên tục “nhảy múa”

Hiện giá cát xây dựng và cát san lấp mặt bằng đang tăng từng ngày khiến nhiều công ty, đơn vị trúng thầu đang thi công công trình, dự án ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đứng ngồi không yên. Họ cho rằng, các chủ mỏ cát có dấu hiệu bắt tay nhau để tăng giá.

Bà N. - chủ doanh doanh nghiệp chuyên thi công công trình đường giao thông và đê kè ở tỉnh Kiên Giang cho biết, giá cát tại mỏ từ 55.000 đồng/m3, hiện tăng lên 100.000 đồng/m3. Doanh nghiệp của bà đang thi công 3 công trình, mỗi công trình cần vài trăm nghìn m3 cát, tính ra 1.000m3 phải bù lỗ từ 40 – 50 triệu đồng. Do đó, nhiều doanh nghiệp không dám nhận công trình vì không biết giá cát tăng cao đến mức nào.

Cùng cảnh ngộ, ông T. - Giám đốc một doanh nghiệp chuyên xây dựng ở tỉnh An Giang cho biết, cả tháng nay lượng cát khan hiếm khiến việc thi công các công trình trọng điểm của đơn vị gặp nhiều khó khăn. Có lúc phải mất gần 2 tuần mới mua được sà lan cát 500m3. Giá cát cũng tăng lên từng ngày. Nếu tình trạng giá cát tăng và khan hiếm như hiện nay kéo dài thì các dự án đang triển khai sẽ chậm tiến độ, thua lỗ là điều khó tránh khỏi.

Liên quan đến vấn đề giá bán cát tại các mỏ hiện nay, ông Huỳnh Văn Thái, Trưởng phòng Khoáng sản, nước và Biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang) cho rằng thời gian qua các tỉnh trong khu vực đang quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác, vận chuyển cũng như sản lượng khai thác cát sông nên “hàng trôi nổi”, cát lậu không còn “đất sống”, điều này khiến cho giá cát ở mức cao. Hơn nữa, hiện không có quy định nào về mức giá cát bán ra, mà chủ yếu do các doanh nghiệp tự định đoạt.

Trước tình trạng cát sông khan hiếm, nhiều doanh nghiệp đã quyết định chi số tiền lớn cao gấp hàng trăm lần để mua quyền khai thác mỏ. Điển hình là mỏ cát ở sông Tiền (xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) có diện tích 60,3ha, với trữ lượng khoảng 2,4 triệu m3 được Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ T-S.HOME (số 14 đường số 11, khu dân cư Ven Sông, phường Tân Phong, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) đấu giá cấp quyền khai thác trong thời hạn 12 năm với số tiền 2.811 tỷ đồng, tăng 390 lần so với giá khởi điểm 7,2 tỷ đồng.

Mỏ cát trên sông Hậu (thuộc xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú và xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) trữ lượng khoảng 1,5 triệu m3 có giá khởi điểm 4,4 tỷ đồng nhưng được Công ty TNHH Phúc Thành Tân Châu (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) trúng đấu giá với mức giá gần 273 tỷ đồng, cao hơn 62 lần so với giá khởi điểm.

Ông Bùi Văn On, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phúc Thành Tân Châu cho biết, đơn vị đấu giá với mức trên nhằm tạo việc làm cho công nhân. Vì hiện tại công ty có 8 xáng cạp nhưng mấy tháng nay không hoạt động. Nếu không quyết tâm trúng giá để được quyền khai thác mỏ cát trên thì không chỉ công nhân mất việc mà còn ảnh hưởng lớn đến công ty.

Trước thực trạng một số tổ chức được UBND tỉnh cấp phép hoạt động nạo vét thông luồng đường thủy hoặc giấy phép khai thác khoáng sản đã lợi dụng khai thác ngoài phạm vi, không đúng thiết kế, không đúng trữ lượng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, kê khai không đủ sản lượng cát, sỏi thực tế khai thác để trốn thuế, phí môi trường, Công an tỉnh An Giang, Cục Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang đã ký kết kế hoạch số 91 về phối hợp đấu tranh với hành vi này.

Theo đó, các đơn vị Công an trong tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung lực lượng, phương tiện tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn, khu vực trọng điểm như các tuyến sông Tiền và sông Hậu, các địa bàn trọng điểm, giáp ranh tỉnh Đồng Tháp có các hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trái phép.

Báo cáo của Công an tỉnh An Giang cho thấy qua hơn 2 tháng triển khai, các tổ công tác đã phối hợp thực hiện được 136 ca tuần tra kiểm soát công khai; đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản 1.077 trường hợp vi phạm về hành vi chở hàng hóa quá vạch mớn nước an toàn; ra quyết định xử phạt số tiền hơn 2,6 tỷ đồng. Ngoài ra, còn phát hiện 34 phương tiện vận chuyển hàng hóa cát sông vi phạm về hoá đơn, chứng từ, với tổng số lượng cát hơn 7.000m3. Vụ việc đã chuyển cho cơ quan Thuế tiếp nhận để xác minh làm rõ, xử lý theo thẩm quyền.

Hiện trên địa bàn tỉnh An Giang có 9 doanh nghiệp, công ty được UBND tỉnh An Giang cấp quyền khai thác cát sông với tổng diện tích 466,3 ha, trữ lượng hơn 4,6 triệu m3/năm. Ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua đơn vị đã rà soát và yêu cầu các doanh nghiệp được cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản phải lắp thiết bị giám sát hành trình, định vị trên các phương tiện và tất cả những dữ liệu này được kết nối, truyền về trung tâm của Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như Công an tỉnh An Giang để theo dõi, giám sát một cách thường xuyên và chặt chẽ.

“Riêng đối với các xáng cạp nếu kiểm tra phát hiện khai thác sai vị trí, không đúng giờ quy định thì sẽ tiến hành xử phạt hành chính, nếu vẫn cố tình vi phạm thì sẽ đề nghị UBND tỉnh An Giang thu hồi giấy phép khai thác”- ông Trí khẳng định.

Chia sẻ ngay

Chúng tôi vừa gửi cho bạn mật khẩu mới . Vào Mail để lấy mật khẩu nhé .
Chúc mừng ! Bạn đã đặt lại mật khẩu thành công.
Đổi mật khẩu thành công